“Dư vị miền xưa” của tác giả – thầy giáo Trần Minh Thương, một tác phẩm mang dấu ấn sâu nặng về tình yêu quê hương và những giao đãi thân tình của con người miền Tây chân chất, nhiệt thành. Sách do Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh giới thiệu và phát hành cùng quý độc giả…
Là người sinh ra và lớn lên ở miệt đất Hậu giang, được trải nghiệm qua nhiều chuyến đi điền dã, lượm lặt ghi chép từ vốn sống dân gian, tác giả Trần Minh Thương đã đem đến cho bạn đọc những trang viết mang đậm nét văn hóa xứ này. Lan man, tản mạn ghi theo dòng ký ức, hy vọng “Dư vị miền xưa” sẽ đưa độc giả về lại với miền xưa nơi đó còn lắng đọng lại chút dư vị dịu mát, ngọt lịm của tình đất, tình người.
Người thầy và những ký ức đời sống người dân quê chân lấm tay bùn
“Thôn quê, sông nước rì rào
Đồng lúa ngọt ngào, dư vị miền xưa.”
Ai đã từng trải qua những trò chơi thời thơ dại như tắm sông, mò tôm, bắt cá; những lần đi đào chuột, đặt vó, đặt lờ, soi nhái, thọt trứng kiến câu cá rô,… sẽ thấy bóng dáng của mình, của kỷ niệm qua những câu chuyện, những dòng tản văn man mác. Rồi chuyện theo mẹ, theo bà đi đám cúng cơm đến những chuyện nghe được từ những bậc trưởng thượng kể lại về cách ứng xử của tình sui gia, chuyện trộm cắp, chuyện đi uống cà phê sáng, chuyện chèo ghe đi chợ, chuyện mùa mưa đến, mùa nước nổi tràn đồng, mùa gió chướng thổi, mùa Tết hay việc cúng cô hồn các đảng.
Không gian văn hóa xưa ở Nam Bộ nói chung, ở miệt Nam sông Hậu (Hậu giang) nói riêng đã dần thay đổi theo sự phát triển hiện đại hóa. Đời sống của người bình dân ở thôn quê cũng theo đó mà biến đổi. Trần Minh Thương đã ghi lại vào trang sách những ký ức một thời đã từng diễn ra trong đời sống người dân quê chân lấm tay bùn mà đậm đà tình nghĩa trong văn hóa ứng xử. Vì thế, tác giả đã chọn đề tài DƯ VỊ MIỀN XƯA làm trục chính cho các bài viết và khảo cứu của mình.
Sách dày hơn 420 trang, với 22 bài tản văn lấy văn hóa dân gian làm chủ điểm, tác giả đưa người đọc hồi tưởng về miền xưa ở vùng quê sông nước. Có thể kể đến những bài viết như: Trời đà rựng sáng; Màn đêm buông xuống miền quê; Món ngon những ngày nước lũ tràn đồng; Chái bếp nhà quê; Khi ngày Tết đến; Trò chơi ngày thơ dại; Hú hí nhau tắm sông mò tôm, bóc lịch; Chèo xuồng đi chợ; Khi gặp chuyện không may; Khi mích lòng nhau…
Ở đó, chúng ta sẽ gặp lại cảnh sinh hoạt từ gia đình cho đến làng xóm từ lúc trời rựng sáng, đến trưa, đến chiều, và tối … Với những cây đèn dầu leo lét, bên mái nhà lợp lá đơn sơn, mẹ dỗ con ngủ, trai gái rủ nhau giã gạo, gánh nước, chẻ tre đương sàng, đương rổ, vót câu, các cụ bà sàng gạo, vá may, các cụ ông uống trà kể chuyện đời xưa cho con cháu nghe. Và đó gần như là hình thức giải trí phổ biến nhất. Dần về sau, anh em trong xóm rủ nhau đi nghe khính máy hát dĩa, coi cải lương bằng cái vô tuyến trắng đen của nhà nào đó có điều kiện trong xóm … Rồi cũng trong bóng tối đó, chuyện ma nhác, ma giấu cũng đã không ít lần được người ta truyền miệng cho nhau nghe. Thậm chí, cả chuyện ma quá giang trên những chiếc ghe, chiếc xuồng rủ nhau đi chợ.
XEM THÊM>>Sách hay “Một thời mạ Huế”
Những trang viết hồi tưởng dành cho trẻ thơ
Trở lại với “Dư vị miền xưa”, tác giả kể thêm nhiều câu chuyện thú vị. Những trang viết hồi tưởng dành cho trẻ thơ: Từ chuyện rủ nhau cất nhà chòi, bán tiệm đến đám cưới giả, đánh trận giả là ký ức ngọt ngào nuôi dưỡng những tình yêu đầu đời với những người bạn cùng xóm, cùng quê. Những mối tình học trò của những bạn trai, bạn gái cùng trường làng do những thầy giáo tự mở lớp dạy học. May mắn thì nên duyên chồng vợ, và cũng không ít chuyện dở dang vì hoàn cảnh… Sui gia thuận hòa thì tình nồng nghĩa thắm, sui gia bất hòa thì mặt nặng mày chau, …
Người nông dân thì chờ mưa xuống ra đồng cày, cấy. Rảnh rang thì ra tắm sông mò tôm, móc lịch để cải thiện bữa ăn… những hoạt động tự nhiên đó hiện lên qua những trang miêu tả cũng sống động không kém trong sách. Tác giả cũng không quên ghi lại những chuyện không may trong cuộc sống. Người bị ăn cắp, ăn trộm … kẻ khốn khổ đi ăn mày, hay chuyện những người bệnh, đau ốm chỉ uống đọt cây lá cỏ… may mắn thì coi như phước phần còn lớn, không qua khỏi thì coi như vắn số, bạc phần.
Một trong những kỷ niệm đáng nhớ mà tác giả Trần Minh Thương đã trải nghiệm, viết trong sách Dư vị miền xưa:“Kỷ niệm thì có nhiều, nhưng có lẽ đáng nhớ nhất là những dòng tôi viết về tuổi học trò đi học ngày xưa, những ngày cỡi quần dài quấn cổ, lội bộ, thậm chí lội sông đi học. Vài cuốn tập cho vô cái bọc xà bông con vịt (đã xài hết), ràng dây thun lại là xong. Đến lớp 7 giờ, 8 giờ cũng được. Dọc đường thì bẻ ổi, hái mua, bắt chuồn chuồn, thậm chí leo lên cây kiếm ổ chim … học xong, về nhà là tới chiều. Chuyện chèo ghe đi chợ, tôi cũng được trực tiếp tham gia. Nhất là rủ nhau đi uống cà phê. Khi viết những dòng này là tôi muốn tái hiện lại không gian ở đó có những nét văn hóa ứng xử vừa chân chất, mộc mạc, thắm đượm tình làng nghĩa xóm của người miền quê. Hơn thế, đó cũng chính là hơi thở, cuộc sống thời niên thiếu mà tôi đã từng trải qua”.
“Dư vị miền xưa” sẽ khiến cho người đọc nhớ mãi những kỷ niệm từ thuở ấu thơ, những câu chuyện ông bà cha mẹ kể, đến những nỗi nhớ quê nhà thắm đượm trong lòng để mỗi người chúng ta nhắc nhớ và trở về. Thông điệp tác giả gửi đến qua Dư vị miền xưa là những hoạt động văn hóa dân gian trong đời sống của người bình dân quê mình.
Vài nét về tác giả Trần Minh Thương
Bút danh: Thạch Ba Xuyên
Nghề nghiệp: Giáo viên, Tổ trưởng Tổ Văn – Tiếng Anh, trường THPT Ngã Năm (Sóc Trăng)
Hội viên Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam (2009), Nhà giáo ưu tú (2020)
Những tác phẩm đã xuất bản: Chuyện ăn uống của người bình dân Sóc Trăng, nhìn từ góc độ văn hóa dân gian (2015); Trò chơi dân gian Sóc Trăng (2016); Hương sắc miền Tây (2018); Ăn Tết chơi Tết miền Tây (2020); Phong tục miệt Nam sông Hậu (2020); Chuyện trong nhà ngoài xóm miệt Hậu Giang (2022); Vấn vương hương vị bánh quê (2023); Dư vị miền xưa (2024)