Nhận lời mời của Đài Truyền hình TP.Sùng Tả, tỉnh Quảng Tây, Công ty Cổ phần Văn hóa Chi (CHIBOOKS) đã đưa tác giả Đỗ Quang Tuấn Hoàng đến TP.Sùng Tả đi trải nghiệm thực tế, tham gia Ngày hội Đọc sách quốc tế và thư pháp TP. Sùng Tả năm 2025 và giao lưu thành công vào tối ngày 8/7/2025.
Chương trình Ngày hội Đọc sách quốc tế và thư pháp TP.Sùng Tả năm 2025 được diễn ra tại trường Cao đẳng Sư phạm Sùng Tả (tỉnh Quảng Tây), và phát sóng trực tiếp bởi Đài Truyền hình TP.Sùng Tả.

Tác giả Đỗ Quang Tuấn Hoàng trên sân khấu giao lưu.
Tác giả Đỗ Quang Tuấn Hoàng nhận được nhiều ủng hộ của độc giả Trung Quốc
Tác giả Đỗ Quang Tuấn Hoàng là khách mời chính lần này, đã lên sân khấu với hai nhà văn nổi tiếng Trung Quốc là Dương Khắc và Từ Tắc Thần (tác giả từng đoạt giải văn học Mao Thuẫn, có nhiều tác phẩm đã được dịch hơn 10 ngôn ngữ).. cùng giao lưu với khán giả.
Nội dung giao lưu của tác giả Đỗ Quang Tuấn Hoàng xoay quanh cuốn sách “Vắt qua những ngàn mây” ấn bản tiếng Trung, lời khuyên tới lớp trẻ để nuôi dưỡng thói quen đọc sách… Kết thúc chương trình, cả ba nhà văn cùng tham gia ký tặng cùng độc giả. Tác giả Đỗ Quang Tuấn Hoàng đã nhận được nhiều yêu thương, ủng hộ của độc giả Trung Quốc. Đây là lần thứ 3 Chibooks đã tác giả Việt đi giao lưu tại Trung Quốc.

“Vắt qua những ngàn mây” bản in tiếng Trung
Tác giả Đỗ Quang Tuấn Hoàng chia sẻ trên sân khấu: Tôi viết cuốn sách “Vắt qua những ngàn mây” với niềm đam mê tìm những mạch nguồn văn hóa truyền thống của 54 dân tộc ở Việt Nam, tuy âm ỉ chảy nhưng thẩm thấu trong đời sống hằng ngày. Chính những người dân bình thường ở những nơi xa xôi, hẻo lánh nhất lại đam mê và thể hiện trách nhiệm nhất trong việc bảo tồn văn hóa truyền thống. Đó là một nghệ nhân người Hmong ở Hà Giang, 40 năm say mê chế tác khèn, nhạc cụ truyền thống thể hiện căn tính của dân tộc. Đó là những người Dao ở Lào Cai bảo tồn tri thức bản địa canh tác lúa nước trên ruộng bậc thang từ hàng trăm năm nay. Đó là những người Chăm ở Ninh Thuận biết biến điều kiện sống khắc nghiệt của mình thành sản vật bản địa, sản phẩm du lịch v.v.. Tất cả họ tuy xuất thân khác nhau nhưng đều gặp nhau ở một điểm chung là coi nghề nghiệp là sứ mệnh để sống đẹp và góp phần làm đẹp cuộc sống. Sứ mệnh của tôi trong nghề văn là đi đãi cát tìm vàng để lưu trữ tri thức bản địa, văn hóa bản địa, góp phần bảo tồn và phát triển hài hòa những nét đẹp ấy trong cuộc sống ngày càng sôi động, xô bồ. Văn hóa sẽ mất đi nếu chúng ta không biết biến nó thành tài sản. Nhưng nếu quá chạy theo tiền bạc, biến văn hóa thành cỗ máy tìm kiếm tiền vô cảm thì văn hóa cũng hủy diệt. Tìm cách phát triển hài hòa để bền vững là sứ mệnh của chúng ta, những người đam mê với văn hóa”.
Tác giả cũng giới thiệu tới độc giả Trung Quốc tìm đọc tập truyện ngắn Hương rừng Cà Mau (nhà văn Sơn Nam). “Đây có thể ví là một lối vào miền Tây Việt Nam, lối vào văn hóa miệt vườn, văn hóa sông nước mênh mông của đồng bằng sông Cửu Long, tập quán mưu sinh, tâm hồn, lời ăn tiếng nói… của người dân miền Tây. Điều đặc biệt yêu thích của tôi là Sơn Nam đã kết hợp nhuần nhuyễn lối viết “trong văn chương có khảo cứu, trong khảo cứu có văn chương.” Khi tâm hồn bay bổng, lãng mạn của nhà văn kết hợp với phương pháp làm việc nghiêm cẩn, chỉn chu của nhà khoa học thì tôi tin rằng văn chương sẽ sâu rễ bền gốc trong cuộc sống,” anh nói.

Tác giả Đỗ Quang Tuấn Hoàng tại Ngày hội Đọc sách Quốc tế và Thư pháp TP Sùng Tả 2025
XEM THÊM>>Sách “Người Hà Nội chuyện ăn, chuyện uống một thời” đoạt giải tại Trung Quốc.
Đọc sách, chơi sách, thú vui ít chi phí mà lợi ích rất nhiều
Cũng tại Ngày Hội đọc sách này, tác giả Đỗ Quang Tuấn Hoàng đã đưa ra lời khuyên cho các bạn trẻ rằng: “Đọc sách, chơi sách, trước hết là một thú vui ít chi phí mà lợi ích rất nhiều. Đọc sách cũng như khai khoáng, chúng ta cần sự bền bỉ, đam mê và kỳ công thì mới khai thác được những vảy vàng trong mỗi con chữ. Có thể đó là chi tiết đắt giá của nhân vật giúp bạn khai mở trí tuệ, thay đổi cuộc đời; đó có thể là một cách làm ăn hay để bạn học theo mà phát triển kinh tế; có khi chỉ đơn giản là sự ngân nga đầy chất thơ của câu chữ… Tóm lại, chúng ta có thể tìm được rất nhiều niềm vui và lợi ích từ việc đọc sách, miễn là phải xem đó là món ăn hằng ngày. Còn muốn theo nghề viết, bạn cần có phương pháp làm việc khoa học, làm tư liệu tốt, nghiên cứu đa ngành về lĩnh vực mình muốn viết. Tiếp đó phải trải nghiệm thực tế nhiều với tâm hồn rộng mở và sự tò mò chân thành. Bạn nên luôn có một cuốn sổ, bút ở bên mình để khi nhặt được một chi tiết hay, một câu nói đặc sắc, một ý tưởng lạ… thì có thể ghi ngay lại. Quan trọng nhất vẫn là phải viết mỗi ngày, làm việc khoa học chứ đừng chờ cảm hứng. Không có cách nào khác ngoài cách thẩm thấu cuộc sống – nghiên cứu – viết – sửa chữa… Đó là hành trình vô tận, nhọc nhằn nhưng đầy niềm vui. Chúc các bạn luôn vui vẻ và hạnh phúc với việc đọc và viết.”
Trước đó, tác giả Đỗ Quang Tuấn Hoàng và đoàn nhà văn Việt Nam cũng đã đi thăm một số danh thắng quan trọng của TP.Sùng Tả như di tích kỳ quan thế giới Hoa Sơn, tháp nghiêng Tả Giang, khu bảo tồn voọc mũ trắng, Thái Bình cổ trấn…
Tác giả Đỗ Quang Tuấn Hoàng và dịch giả Nguyễn Lệ Chi-đại diện CHIBOOKS, đã tặng sách Việt Nam ăn mặc thong dong cho đại diện của Thành Ủy TP.Sùng Tả, Ban Tuyên giáo TP.Sùng Tả, cho Chủ tịch Hội nhà văn TP.Sùng Tả, Đài Truyền hình TP.Sùng Tả và trường Cao đẳng Sư phạm Sùng Tả. Cuốn Việt Nam ăn mặc thong dong đã được Chibooks cho chuyển ngữ sang tiếng Trung, dự kiến hoàn tất phần dịch trong tháng 8 tới và sớm được xuất bản tại Trung Quốc.
Trước đó từ ngày 3-6/7/2027, tác giả Đỗ Quang Tuấn Hoàng đã giao lưu với độc giả TP.Nam Ninh tại Tuần lễ Sách Văn hóa Trung Quốc- Asean 2025, giới thiệu về văn hóa Trà Việt và giới thiệu cuốn sách Ngàn năm Trà Việt do Chibooks xuất bản.

Tác giả Đỗ Quang Tuấn Hoàng ký tặng độc giả Trung Quốc
Chibooks dự kiến sẽ tiếp tục đưa tác giả Đỗ Quang Tuấn Hoàng và tác giả Vũ Thế Long (cuốn Người Hà Nội chuyện ăn chuyện uống một thời của ông vừa đoạt giải Đông Nam Á tại Trung Quốc tháng 7,2025) tiếp tục sang Trung Quốc giao lưu trong thời gian tới.