Vì sao tôi gap year?
Có thể hiểu gap year là một khoảng thời gian “tạm dừng” kéo dài từ 6 đến 12 tháng, hoặc dài hơn tùy vào một số người. Thông thường, đối tượng thích gap year là những bạn trẻ vừa tốt nghiệp cấp 3 chuẩn bị lên đại học, sinh viên vừa ra trường chuẩn bị đi làm, đôi khi cũng có thể gặp ở những người đã đi làm và đang chuẩn bị nhảy việc….
Trong thời gian thực hiện tạm dừng này, người trẻ có thể tham gia vào các hoạt động khác như du lịch, tình nguyện, học tập kỹ năm mới, làm việc để tích lũy kinh nghiệm hoặc khám phá đam mê và sở thích cá nhân.
Đánh giá về những ưu điểm của việc thực hiện gap year đối với các bạn học sinh mới tốt nghiệp THPT, Tiến sĩ Huỳnh Anh Bình – Chuyên gia tâm lý, Giám đốc Trung tâm hướng nghiệp TPHCM nhận định: “Trong thời gian trải nghiệm gap year, các bạn trẻ có thể dành thời gian dấn thân vào nghề nghiệp mà mình muốn tìm hiểu và khám phá trước khi quyết định là mình có theo học chính thức một ngành nghề nào đó. Có khoảng nghỉ để các bạn tái tạo, refresh (làm mới) bản thân đồng thời cũng đem đến nhiều trải nghiệm, có thể thay đổi góc nhìn và tư duy về cuộc sống. Khi đi làm trong khoảng thời gian này, bạn trẻ cũng có cơ hội tăng thêm thu nhập, tích luỹ tài chính. Và quan trọng nhất là trong khoảng thời gian thực hiện gap year, các bạn trẻ sẽ có thời gian để khám phá bản thân nhiều hơn trước khi đưa ra những quyết định quan trọng”.
Anh Trịnh Xuân Mỹ (thôn Thống Nhất, xã Iapeng, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), một thanh niên đã trải qua quãng thời gian gap year khá dài sau đó mới quay lại đi học nghề thú y chia sẻ: “Sau khi tốt nghiệp THPT năm 2014, tôi tham gia nghĩa vụ quân sự. Sau khi xuất ngũ, tôi đã làm rất nhiều nghề từ công nhân, shipper, bảo vệ đến tuyển dụng lao động. Khoảng thời gian đó khá vất vả vì không có chuyên môn và bằng cấp, thu nhập cũng không ổn định. Được gia đình động viên, tôi quay trở lại học nghề thú y với mong muốn ra trường dễ tìm được một công việc ổn định“.
Hay như bạn Nước (thôn Tu Thôn, xã Đăk Nên, huyện Konplong, tỉnh Kon Tum) tốt nghiệp THPT năm ngoái, đã dành 1 năm gap year rồi mới chuyển hướng đi học: “Khi mới tốt nghiệp xong, tôi vẫn còn băn khoăn không biết mục tiêu, ngành nghề mà mình yêu thích là gì? Lúc đó, tôi đã quyết định ở nhà phụ giúp gia đình làm nương rẫy. Được một thời gian, bản thân tôi cảm thấy công việc làm nông rất vất vả và nặng nhọc, tôi cũng muốn có một công việc thu thập ổn định để phụ giúp gia đình nên đã suy nghĩ về việc quay trở lại đi học. Rất may mắn, tôi nhận được sự cũng ủng hộ của gia đình nên năm nay tôi đã đăng ký hồ sơ để đi học Cao đẳng ngành Quản trị khách sạn“.
Bạn Đồng Thị Thanh Trà (làng Dơk Lăh, xã Iadơk, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) tốt nghiệp THPT 4 năm mới tìm được hướng đi cho mình, tâm sự: “Thời gian vừa tốt nghiệp THPT xong, tôi đã lựa chọn đi làm. Tôi thấy khoảng thời gian đó đối với tôi thực sự rất lãng phí, tôi đã bỏ lỡ rất nhiều cơ hội, có thể đi làm giúp tôi kiếm tiền sớm hơn nhưng công việc sau này lại không ổn định. Sau khi tốt nghiệp THPT 4 năm, tôi mới quyết định nộp hồ sơ vào trường Cao đẳng Gia Lai để mở rộng kiến thức và tìm cho mình cơ hội, môi trường mới để tôi phát triển bản thân mình hơn. Tôi có lời khuyên dành cho các bạn rằng các bạn nên đi học rồi mới đi làm. Lợi ích của việc đi học giúp các bạn rèn luyện tư duy, học hỏi những kiến thức tư duy tốt, bạn có thể tiếp xúc với những người giỏi giang và có những mối quan hệ tốt”.
XEM THÊM>>Cảm động những chuyến xe cứu thương 0 đồng của chàng trai bán rau
Coi chừng “sai một ly đi một dặm”
Theo chia sẻ của Tiến sĩ Huỳnh Anh Bình, gap year rất phổ biến và phù hợp với các nước phát triển, nhưng ở nước ta, các bạn trẻ cần xem xét kỹ lưỡng hoàn cảnh và điều kiện của bản thân trước khi thực hiện gap year: “Mỗi bạn trẻ sẽ có một hoàn cảnh riêng, mỗi địa phương sẽ có những nét đặc thù khác nhau nên các bạn trẻ cần lưu ý tới những bất lợi và rủi ro khi thực hiện gap year. Đặc biệt là với các bạn trẻ chỉ mới tốt nghiệp bậc học THPT, các bạn chỉ là những lao động phổ thông, nên khi các bạn muốn làm việc ở các lĩnh vực kỹ thuật cao hoặc cần trí tuệ, kiến thức về nghề nghiệp thì các bạn sẽ gặp nhiều khó khăn và hạn chế. Hơn thế nữa, ở Việt Nam chưa có quy định về việc bảo lưu kết quả xét tuyển hay thi đậu đại học, nên nếu các bạn không đi học ngay thì sẽ bị mai một kiến thức, chưa kể là chương trình đào tạo các bậc học cũng thay đổi hàng năm nên nếu thực hiện gap year càng lâu thì khi các bạn muốn quay trở lại học đại học, cao đẳng các bạn phải dành nhiều thời gian để ôn tập và cố gắng rất nhiều mới mong đạt kết quả”.
“Bên cạnh đó, đối với các bạn trẻ ở các tỉnh nhỏ có mong muốn trải nghiệm gap year, các bạn phải có sự chuẩn bị vững chắc về tài chính, sức khoẻ và tinh thần. Việc thuyết phục được ba mẹ đồng ý cho con cái thực hiện gap year cũng là một điều không dễ dàng“, Tiến sĩ Huỳnh Anh Bình cho hay.
Ông Bình cũng khuyên các bạn cần phải cân nhắc thật kỹ trước khi thực hiện một quyết định nào đó, bởi vì thực tế nhiều bạn trẻ sau một thời gian thực hiện gap year nhưng không nhận được kết quả như mình mong muốn, càng cảm thấy mất phương hướng và dễ bỏ cuộc giữa chừng.
Có thể thấy, mặc dù có nhiều ưu điểm nhất định, việc thực hiện gap year cũng còn nhiều mặt hạn chế và không phải là hình thức phù hợp và phổ biến với các bạn trẻ ở Việt Nam đặc biệt là các bạn trẻ ở các tỉnh nhỏ, tỉnh miền núi. Vì vậy, các bạn cần suy nghĩ, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra quyết định hướng đi của mình để tránh lãng phí thời gian, tiền bạc và sức khoẻ.
Mọi quyết định là của bạn nhưng nếu lỡ thời cơ tốt trên con đường sự nghiệp thì có hối cũng muộn màng vì cơ hội thường không đến hai lần. Chính vì thế, trước khi gap year các bạn phải suy nghĩ thật kỹ bởi sai một ly có thể đi…một dặm.