Tác phẩm “Khí chất Nam Bộ qua truyện Sơn Nam” của tác giả Đinh Thị Thanh Thủy, phản ánh văn hóa, phong tục, căn tính của cư dân Nam Bộ trong ứng xử, lối sống, trước những đổi thay, biến thiên của thiên nhiên, lịch sử…
Tập sách Khí chất Nam Bộ qua truyện Sơn Nam dày 296 trang, được chia làm 3 chương chính từ Dẫn nhập đến Sự nghiệp văn học của Sơn Nam, Văn hóa Nam Bộ trong truyện của Sơn Nam, Con người Nam Bộ trong truyện của Sơn Nam.
Chương trình giao lưu “Khí chất Nam Bộ qua truyện Sơn Nam” cùng tác giả Đinh Thị Thanh Thủy và khách mời nhà văn – nhà báo Lê Minh Quốc, MC: Nguyễn Thị Liên vào lúc 08h30 phút sáng Thứ Bảy ngày 31/5/2025 tại Sân khấu chính Đường Sách TP.HCM (Nguyễn Văn Bình, Q.1, TP.HCM)
Tác giả Đinh Thị Thanh Thủy đã tìm hiểu và nghiên cứu 134 truyện của nhà văn Sơn Nam gồm tiểu thuyết (truyện dài), truyện vừa, bút ký, hồi ký, biên khảo, các bài viết trên báo, tạp chí… Nhà văn Sơn Nam được nhắc đến như một “thổ công”, một nhà Nam Bộ học về văn hóa. Hầu hết các sáng tác của Sơn Nam đều góp phần hoàn chỉnh bức tranh đời sống xã hội và con người Nam Bộ thế kỷ XIX – XX.

“Khí chất Nam Bộ qua truyện Sơn Nam”
Nhớ Sơn Nam – Ông già Nam Bộ
Sơn Nam là một trong những nhà văn Nam Bộ sáng lên ở vùng trời phương Nam vào nửa sau thế kỷ XX. Ông được giới sáng tác và công chúng yêu thương gọi tên là Sơn Nam – Ông già Nam Bộ; được nhắc nhớ thân thương là “ông già đi bộ” với dáng đi liêu xiêu quen thuộc không lẫn vào đâu được. Ông sinh ra trong thập niên 20 và sống trọn thế kỷ XX, chứng kiến những đổi thay chính trị – xã hội qua hai thời kỳ kháng chiến và thời kỳ hòa bình xây dựng đất nước. Tác phẩm của Sơn Nam trên các lĩnh vực văn học và khảo cứu mang đặc trưng thời đại và sắc thái văn hóa Nam Bộ trong tiến trình văn hóa Việt Nam. Sơn Nam được đánh giá là nhà Nam Bộ học với những công trình nghiên cứu, biên khảo về lịch sử khẩn hoang miền đất phương Nam, về tín ngưỡng dân gian, phong tục tập quán và các biểu hiện văn hóa vùng Nam Bộ.
Truyện của Sơn Nam thể hiện các vấn đề văn hóa – xã hội miền Nam ở nhiều khía cạnh trong thế kỷ XIX – XX đầy những biến động lịch sử, đồng thời cũng thể hiện một điển hình của văn phong Nam Bộ. Sơn Nam cũng là lớp tác giả thuộc dòng văn học yêu nước cách mạng. Trong hoàn cảnh xã hội đương thời, Sơn Nam đã đóng góp lớn cho văn học yêu nước tiến bộ cách mạng giai đoạn 1954 – 1975 ở miền Nam.
Nhận xét về nghiên cứu của tác giả Đinh Thị Thanh Thủy, GS. TS Huỳnh Như Phương có viết: “Để thực hiện đề tài này, ngoài kiến thức Lý luận văn học và Văn học sử, tác giả còn phải tự bồi dưỡng cho mình kiến thức về Văn hóa học đại cương và Văn hóa vùng Nam bộ. Tác giả đã bao quát một khối lượng tư liệu khá lớn, đặc biệt là các tác phẩm truyện ngắn, truyện dài vốn rất phong phú của Sơn Nam. Chị đã trực tiếp gặp gỡ và tìm hiểu nhà văn và nhiều người cùng thời am hiểu sáng tác của ông để bổ sung vào kho tư liệu về Sơn Nam.”
Theo nhà văn – nhà báo Lê Minh Quốc: “Điều làm nên thương hiệu Sơn Nam, tên tuổi Sơn Nam, yếu tố cốt lõi nhất chính bởi ông còn là “Nhà phong tục học” miền Nam có sắc thái độc đáo và đã quán xuyến trong toàn bộ tác phẩm, từ truyện ngắn, truyện dài đến các công trình biên khảo. Tác giả Đinh Thị Thanh Thủy đã “khoanh vùng” để tìm hiểu cặn kẽ hơn về tính chất phong tục, “đất có lề, quê có thói” của miền Nam, qua cái nhìn của Sơn Nam… Đó là tấm lòng của sự tri âm, tri kỷ giữa nhà nghiên cứu và tác giả. Điều này không chỉ khiến tác giả cảm động mà còn là lúc những suy nghĩ, nhận định, cảm nhận của tác giả được chia sẻ đến với bạn đọc. Có thể xem chị Đinh Thị Thanh Thủy là tri âm của nhà văn hóa Sơn Nam”.

Tác giả Đinh Thị Thanh Thủy
XEM THÊM>>Lan tỏa tình yêu văn hóa Nam Bộ đến học sinh, sinh viên
Nhân vật đặc trưng Nam Bộ mang hình ảnh con người Việt Nam đầy tính dân tộc
Được biết, tác phẩm “Khí chất Nam Bộ qua truyện Sơn Nam” cần trải qua 20 năm mới đến với đông đảo bạn đọc sau khi tác giả hoàn tất công trình nghiên cứu. Vì lẽ, tác giả Đinh Thị Thanh Thủy từng hoạt động và làm công tác quản lý trong lĩnh vực xuất bản trong một thời gian dài; chị muốn công tâm mang đến thị trường một tác phẩm về văn hóa Nam Bộ. Cho nên, sau khi kết thúc công tác về lĩnh vực xuất bản và chuyển sang lĩnh vực mới, chị mới mạnh dạn giới thiệu tác phẩm đến công chúng.
Tác giả Đinh Thị Thanh Thủy chia sẻ: “Tôi viết tác phẩm với ý định chia sẻ đến với bạn đọc những nghiền ngẫm về khí chất, tính cách và cá tính Nam Bộ của văn hóa và con người miền Nam qua truyện Sơn Nam. Một điểm khó khăn là nhà văn Sơn Nam không lưu giữ các tác phẩm của bản thân. Nhưng may mắn cho tôi khi gặp được bác Đào Tăng, bác Đinh Công Tâm, chú Chinh Văn, những người bạn văn của Sơn Nam đã hỗ trợ tôi rất nhiều trong quá trình tìm lại các tác phẩm văn học và khảo cứu. Khi chuyển đến nhà văn Sơn Nam xem lại danh mục sưu tầm, Ông hài lòng nhận xét: “Tập hợp được nhiều hơn tui nhớ à nghen”. Từ luận văn Thạc sĩ với sự hướng dẫn của thầy kính yêu GS.TS. Huỳnh Như Phương, sau này được sự gợi ý từ chú Lê Trung Hưng (tỉnh Bình Dương); sự động viên, thúc giục và hỗ trợ nhiệt thành của nhà thơ Lê Minh Quốc cùng các bạn đồng nghiệp Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh”. May mắn, tác phẩm đã đến với bạn đọc.”
Các nhân vật của Sơn Nam tuy mang những tính cách đặc trưng Nam Bộ nhưng lại quy tụ thành hình ảnh con người Việt Nam đầy tính dân tộc.
Tính cách Nam Bộ sinh ra từ cội nguồn dân tộc, nếm trải đủ gian lao và thử thách trong công cuộc khai khẩn đất đai, lập nên xóm làng đến tận vùng rừng sâu nước độc ở Nam Bộ với mục đích nối tiếp sự sống, mở rộng cõi bờ. Tính cách người Nam Bộ gắn liền với lịch sử hình thành vùng đất Nam Bộ, biết phát huy truyền thống và tinh hoa trên vùng đất mới, con người Nam Bộ tỏa sáng lên những đức tính cao đẹp trong các giá trị văn hóa tinh thần của dân tộc Việt Nam: chất phác, bộc trực, phóng khoáng, cởi mở, nhân ái, nghĩa khí và năng động, sáng tạo.
Cùng với phần dẫn chuyện của MC Nguyễn Thị Liên, buổi giao lưu trò chuyện chủ đề “Khí chất Nam Bộ qua truyện Sơn Nam” với sự tham gia của tác giả Đinh Thị Thanh Thủy, nhà văn – nhà báo Lê Minh Quốc, sẽ được diễn ra vào lúc 08 giờ 30 phút ngày 31 tháng 5 năm 2025 tại sân khấu chính – Đường Sách Thành phố Hồ Chí Minh (đường Nguyễn Văn Bình, Q.1).
Được biết tác giả: Đinh Thị Thanh Thủy là nguyên Giám đốc – Tổng Biên tập Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh thời gian 2015- 2023.
Các sách của bà đã xuất bản:Viết riêng: Các bảo tàng và di tích nổi tiếng tại Thành phố Hồ Chí Minh (2005). Viết chung: Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc – Vai trò của nghiên cứu và giáo dục (1999); Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh (2002); Những đổi thay trong đời sống văn hóa ở Thành phố Hồ Chí Minh 1986 – 2006 (2011); Di sản văn hóa – bảo tồn và phát triển – chuyên đề kiến trúc (2011).