áo trắng
Chương trình Bác Sĩ Vui Vẻ
Trang chủ PHONG CÁCH Những cảm xúc đặc biệt đến từ “Bốn tình yêu”

Những cảm xúc đặc biệt đến từ “Bốn tình yêu”

Độc giả nhiều thế hệ biết đến C.S. Lewis với tư cách nhà văn qua bộ ‘Biên niên sử Narnia’ thuộc hàng kinh điển dành cho thiếu nhi. Tuy vậy, trong cuộc đời mình, Lewis cũng viết trải dài ở nhiều lĩnh vực, mà ‘Bốn tình yêu’ (FORMApubli và NXB Phụ nữ Việt Nam ấn hành, Nguyễn Công Nam dịch) là một trong số đó. 

Bốn tình yêu ra mắt vào năm 1960, vốn là phiên bản viết lại đã có tinh chỉnh của một series các buổi nói chuyện trên đài phát thanh thực hiện vào năm 1958 với các chủ đề xã luận. Theo đó người Hy Lạp có bốn chữ dành cho bốn tình yêu khác nhau, và trong tác phẩm này, Lewis cũng tuần tự nói về bốn tình yêu ấy. 

Hôm nay aotrang.vn xin giới thiệu cùng đọc tác phẩm rất thú vị này. Nhận xét về cuốn sách này, tờ The New York Times cho rằng Bốn tình yêu “xứng đáng trở thành tác phẩm kinh điển thứ yếu như một tấm gương phản chiếu tâm hồn chúng ta – tấm gương soi những đức tính tốt và những khuyết thuyết trong tình yêu con người”. Trong khi đó tờ Church Times ca ngợi Lewis “chưa bao giờ viết hay hơn thế. Mỗi trang đều lấp lánh những nhận xét mang tính soi sáng, khiêu khích và độc đáo.”

Những cảm xúc đặc biệt đến từ Bốn tình yêu

The New York Times cho rằng Bốn tình yêu “xứng đáng trở thành tác phẩm kinh điển thứ yếu như một tấm gương phản chiếu tâm hồn chúng ta

“Bốn tình yêu” và những cảm xúc đặc biệt

Tuân thủ nguyên tắc “Không có cái cao nhất nếu không có cái thấp nhất”, Lewis bắt đầu với tình thân – thứ tình cảm mà ông cho rằng là cơ bản hơn cả. Đây là tình yêu nảy nở từ sự quen thuộc: tình yêu giữa cha mẹ và con cái, giữa anh chị em trong nhà, giữa người và vật nuôi ăn ở lâu ngày, giữa một người với cái nhà thờ mấy trăm năm tuổi ở địa phương… Theo Lewis, nó có thể gọi là cơ bản bởi không có thứ tình yêu này, người ta không bước nổi những bước đầu đời, không gìn giữ nổi những thứ tình yêu khác.

Kế đến là tình bạn. Đây là tình cảm nặng về “phần hồn”, ít “phần xác” nhất. Theo tác giả, bằng hữu kết tụ nhờ có chung một mối quan tâm “cùng nhìn về một thứ” chứ không phải “nhìn vào nhau”. Chính vì thế, về nghĩa nào đó, những hoạt động của tình bạn ít mang màu sắc vị kỷ.

Thứ ba là luyến ái – cái đôi khi hất cẳng tất tật những tình yêu còn lại ra khỏi khái niệm tình yêu. Nó rất “sinh lý”, và có nhiều người cho nó là “sinh lý” hơn cả. Thế nhưng như tác giả lưu ý, ở nơi thực sự có luyến ái, thì ham muốn thể xác chỉ đến sau cùng, chứ không phải là cái đầu tiên.

Cuối cùng mới là yêu thương. Theo Lewis, tất cả các tình yêu kia, ở mức độ nào đó, rồi cũng chỉ là một mặt của tình yêu này, cũng như một mặt phẳng nhỏ bé kia trên viên kim cương vốn có nhiều mặt. Mẹ mà ta thương, bạn mà ta trìu mến, tình nhân mà ta say đắm… tất cả rồi cũng chỉ là một phần, một phản chiếu nhỏ bé của Đấng mà ta đã yêu. Và khi quên mất mình đã yêu, thì để được cứu rỗi, phải học yêu lại từ đầu.

Ngoài bốn chủ đề trên, trong cuốn sách này, Lewis cũng nhắc đến những thực tế vô cùng thiết thực, như mối nguy hại của việc sùng bái thế giới tự nhiên, về sự tai hại của một bên là yêu nước cực đoan, một bên là bài bác hoàn toàn tinh thần ái quốc, về sự dại dột của việc trông đợi thứ tình yêu này làm được công việc của thứ tình yêu khác… 

Theo dịch giả Nguyễn Công Nam: “Bốn tình yêu không cho lời dạy, nhưng nó giải thích được rất nhiều buồn bực, lâng lâng, chán chường và mong mỏi trong tình cảm gia đình, trong tình bạn, trong tình yêu lứa đôi và (cho những ai tin) trong mối quan hệ giữa người và Chúa”. 

Những cảm xúc đặc biệt đến từ "Bốn tình yêu"

XEM THÊM>>Sách hè song ngữ thú vị “Giữ cho rừng mãi xanh”

Có một Lewis khác

Tuy lấy chủ đề là tình yêu, thế nhưng có một nghịch lý là phần lớn đời mình, Lewis sống không vợ và mãi không có con cái. Phải đến tuổi ngũ tuần, ông mới biết qua thư Joy Davidman – một nhà thơ Mỹ gốc Do Thái – và duy trì một tình bạn qua thư với bà, để rồi sau đó gặp gỡ trên đất Anh, đi đến hôn nhân. 

Clive Staples Lewis sinh năm 1898 ở County Down (Ireland). Thời niên thiếu, ông đã học qua nhiều trường nội trú ở Anh nhưng đa phần đều kém vui vẻ, cuối cùng thì mới được gặp người thầy mà ông yêu mến và mang ơn là William Kirkpatrick. 

Năm 17 tuổi, Lewis ghi danh vào Đại học Oxford, nhưng sau đó ông nhập ngũ, tham chiến ở Pháp, trước khi bị thương và được chuyển về Anh, kết thúc đời lính ngắn ngủi. Trở lại đại học, ông học giỏi và giật được hai bằng ưu: một Cổ điển học, một Văn chương Anh – môn học mới có ở Oxford lúc bấy giờ. 

Ông vào Magdalen College thuộc Đại học Oxford năm 1929, và dạy học ở đây đến 1954 trước khi nhận lời mời từ Đại học Cambridge với tư cách Giáo sư Văn học Anh thời Trung cổ và Phục hưng. Từ đó cho đến khi qua đời, ông vẫn hằng tuần bắt xe bus về Oxford để tụ tập, trao đổi và thảo luận văn chương với các bạn trong nhóm Inklings, mà một thành viên quan trọng là J.R.R. Tolkien – “cha đẻ” tuyệt tác Chúa tể của những chiếc nhẫn. 

Sự nghiệp của ông trải dài ở nhiều lĩnh vực, từ văn chương, phê bình cho đến xã luận mà Bốn tình yêu thuộc về. Thực tế đây là một mảng mà các bạn bè trong học giới của ông ít quan tâm, thậm chí xem thường, nhưng lại được bàn tán nhiều trong xã hội dân thường.

Ông cũng để lại nhiều bài báo, bài luận về những vấn đề luân lý mà tất cả bất luận là vấn đề to hay nhỏ, đều được xử lý bằng một giọng văn gãy gọn, hài hước, rất nhẹ nhàng, vững luận lý.

Qua lập luận vững vàng, lối hành văn hóm hỉnh đan xen với những trích dẫn văn chương của một giáo sư ngữ văn hàng đầu nước Anh thời ấy, với Bốn tình yêu, Lewis đã dắt ta qua những hành trình cảm xúc một cách nhẹ nhàng, tạo cho người nghe cảm giác chính mình cũng có thể bước vào triết học của yêu đương một cách tường minh, qua đó cho thấy một Lewis khác, không chỉ đơn thuần là người viết truyện cổ tích. 

Những cảm xúc đặc biệt đến từ "Bốn tình yêu"

Tác giả C.S. Lewis với nhiều tác phẩm kinh điển dành cho Thiếu nhi

Những trích dẫn ấn tượng từ “Bốn tình yêu”

  • “Chúng ta sinh ra là bất lực. Ngay khi có ý thức, chúng ta nhận ra nỗi cô đơn. Chúng ta cần những người khác về mặt vật lý, cảm xúc và tri thức; để biết bất kỳ cái gì, kể cả chính mình, chúng ta cần họ.”
  • “Tình yêu thân thuộc bỏ qua những rào cản về tuổi tác, giới tính, tầng lớp và giáo dục. Nhưng tình yêu thân thuộc cũng có những điều kiện của riêng nó. Đối tượng của nó phải quen thuộc […]  Tình yêu thân thuộc, như tôi đã nói, là tình yêu khiêm nhường nhất. Nó không lên mặt. Người ta có thể tự hào vì “đang yêu” hay vì tình bạn. Tình yêu thân thuộc thì khiêm tốn – thậm chí bẽn lẽn và cả thẹn.”
  • “Tình yêu thân thuộc mở mang đầu óc chúng ta; trong số tình yêu tự nhiên, nó là tình yêu phổ thông nhất, ít khắt khe nhất, rộng rãi nhất […] Bởi lẽ chúng ta là một giống sinh vật xã hội cho nên tương tác thân quen tạo sẵn ra một môi trường mà ở đó, nếu mọi thứ thuận lợi, tình yêu thân thuộc sẽ nảy sinh và phát triển mạnh mẽ mà không đòi hỏi đặc tính sáng láng nào ở đối tượng của nó. Nếu được trao đi, tình yêu ấy chưa hẳn đã được trao đi vì những nét xứng đáng ở chúng ta; chúng ta có thể nhận được nó mà không mấy vất vả.”
  • “Với người Cổ đại, tình bạn dường như là tình yêu hạnh phúc và giàu tính-người nhất trong các loại tình yêu; là mão triều thiên của sự sống, là trường học của đức hạnh. Thế giới hiện đại lại làm ngơ với nó. Chúng ta có công nhận rằng bên cạnh vợ và gia đình, người ta cần “bạn bè”.  
  • “Tình bạn – theo nghĩa không hề xúc phạm – là tình yêu ít tự nhiên nhất, ít bản năng, hữu cơ, sinh học, ít hòa đồng và ít cần thiết nhất. Nó ít liên quan đến thần kinh của chúng ta nhất; ở nó không có gì lớn tiếng; không có gì làm tăng nhịp tim hay khiến người ta đỏ lựng lên, tái mét đi.”
  • “Chúng ta dùng một lối nói rất dở khi nói về một người đàn ông đang càn quét ngoài đường, rằng anh ta “muốn một người đàn bà”. Nói đúng ra, một người đàn bà chính là thứ anh ta không muốn. Anh ta muốn một khoái cảm mà người đàn bà vô tình là một công cụ cần thiết. Muốn biết anh ta quan tâm đến bản thân người đàn bà bao nhiêu, hãy lấy thái độ của anh với chị ta năm phút sau khi đã xong xuôi làm thước đo (hút hết thuốc thì không giữ lại bao nữa). Còn Eros thì khiến một người thật muốn, không phải một người đàn bà bất kỳ, mà một người đàn bà cụ thể. Theo một cách thần bí nhưng không phủ nhận được, người yêu ham muốn bản thân Người-được-yêu chứ không phải khoái cảm mà nàng có thể mang lại.”
  • “Không gì nông cạn hơn niềm tin cho rằng tình yêu dẫn đến tội lỗi luôn luôn thấp kém hơn – thú vật hay nhỏ mọn hơn – tình yêu dẫn đến một hôn nhân chung thủy, đơm hoa kết trái và đúng theo lời dạy của Đấng Christ. Tình yêu dẫn đến những kết hợp tàn nhẫn và thề dối, thậm chí tự sát tập thể và giết người nhiều khả năng không phải là nhục dục tham lam hay cảm tính vô vị. Cả đó cũng vẫn có thể là Eros trong vinh quang tràn ngập của nó, chân thật đến tan nát lòng, sẵn sàng cho mọi hy sinh trừ chối bỏ nhau.”

Nguồn: FORMApubli và NXB Phụ nữ Việt Nam
CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU TƯ BRIGHT STAR
Điện thoại/Fax: 028.62966189
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Đoàn Lê Khang
Địa chỉ: 4/6b Văn Chung, Phường 13, Q.Tân Bình, TP.HCM
LIÊN HỆ
Hotline: 0908 942 789
Email: brightstar24h@gmail.com