áo trắng
Trang chủ PHONG CÁCH Sách hay tháng 5/2025: Việt Nam ăn mặc thong dong

Sách hay tháng 5/2025: Việt Nam ăn mặc thong dong

“Việt Nam – Ăn mặc thong dong” là tập hợp các bài viết của tác giả Đỗ Quang Tuấn Hoàng, thể loại: ký, (Nhà xuất bản Lao động, Chibooks dự kiến phát hành 15/5/2025) giới thiệu những nét đặc trưng vô cùng độc đáo trong văn hóa ăn mặc của các dân tộc Việt Nam, đặc biệt là văn hóa bản địa thể hiện sinh động trong các loại hoa văn đặc sắc, phụ kiện, các loại trang phục truyền thống, hay cách tạo nên những chất liệu riêng có như tơ tằm, tơ sen, sợi bông, sợi lanh, sợi chuối…

Tác giả cũng dành nhiều trang viết về những con người dã dày công hồi sinh trang phục truyền thống, chất liệu truyền thống, làng nghề may mặc truyền thống…, làm cho chúng sống lại trong đời sống hiện đại.

Sách hay tháng 5/2025: Việt Nam ăn mặc thong dong

Sách hay tháng 5/2025: Việt Nam ăn mặc thong dong

Trong cuốn “Việt Nam – Ăn mặc thong dong” tác giả Đỗ Quang Tuấn Hoàng chia sẻ: “Việt Nam có 54 dân tộc với hơn 100 nhóm, ngành. Cư trú ở những môi trường sinh thái đa dạng đã nảy sinh những tri thức bản địa độc đáo trong mỗi nhóm tộc người. Văn hóa bản địa của một cộng đồng thể hiện sinh động nhất ở nghề dệt vải, thêu, vẽ hoa văn trên trang phục.

Có thể nói, cùng với ăn thì mặc thể hiện rõ nét nhất đời sống vật chất và tinh thần của một dân tộc, tộc người, cá nhân. Ẩn sau vải vóc và trang phục, trang sức là một lịch sử hấp dẫn của nhân loại.

Tôi rất đam mê nghiên cứu trang phục, trang sức, nhất là ở khía cạnh nhân học và xu thế thời trang chậm. Trong quá trình đi khắp Việt Nam để viết cuốn sách này, tôi rất vui mừng khi tìm được những người cùng sở thích mà bạn đọc sẽ gặp ở trong những trang sách. Không chỉ bảo tồn trang phục truyền thống, họ còn bảo tồn thích nghi bằng cách sử dụng những họa tiết hoa văn trên trang phục truyền thống để đưa vào thời trang hiện đại.”

XEM THÊM>>Sách hay Di sản Sài Gòn Thành phố Hồ Chí Minh

Việt Nam ăn mặc thong dong

 Những bằng chứng khảo cổ cho thấy, nghề dệt vải ở Việt Nam có từ thời đại Đá mới, cách ngày nay khoảng 6.000 năm. Nhưng dấu vải thực sự chỉ mới thấy phổ biến in trên đồ đồng thau Đông Sơn 2.500 năm cách ngày nay.

Việt Nam có 54 dân tộc với hơn 100 nhóm, ngành. Cư trú ở những môi trường sinh thái đa dạng đã nảy sinh những tri thức bản địa độc đáo trong mỗi nhóm tộc người. Văn hóa bản địa của một cộng đồng thể hiện sinh động nhất ở nghề dệt vải, thêu, vẽ hoa văn trên trang phục nữ.

Ca dao về hạnh phúc lứa đôi của người Việt có câu:

Em về dệt cửi trên khung,

Để anh đọc sách cùng chung một đèn,

Vải em, em bán lấy tiền,

Em mua lụa liền may áo cho anh,

Trong thì lót tím lót xanh,

Ngoài thêu đôi bướm lượn cành phù dung.

Để nói về những gì tốt đẹp, người Việt ví von “Như dệt gấm thêu hoa”. Việc gì khó thực hiện, người ta ví “Như mò kim đáy biển”. Còn chỉ việc người khác đồn thổi làm sai lệch sự thật, người ta dùng từ “thêu dệt”. Cả khía cạnh tốt và xấu, người Việt đều dùng từ của lĩnh vực dệt may. Đủ thấy nó quan trọng đến như thế nào trong đời sống thường ngày và tâm thức của người Việt.

Người Dao tiền không chỉ thêu những hình ảnh thường thấy trong sinh hoạt hằng ngày mà còn thêu cả hình tổ tiên lên áo để nhắc nhở con cháu hãy luôn nhớ và kính trọng tổ tiên của mình. Mô-típ thường thấy là hình con chó đơn và hình chó đôi, tần suất hình con chó không nhiều mà được điểm xuyết bằng những hình thêu nhỏ nơi gấu áo phụ nữ, áo của thầy cúng, người thụ lễ mặc trong lễ cấp sắc của đàn ông Dao tiền. Có trang phục thêu hình hoa tám cánh và hình con chó, có trang phục thêu hình đôi chó và đôi chim.

Truyền thuyết về thủy tổ của dân tộc kể rằng: Bàn vương, hay còn gọi là Bàn Hồ, tức long khuyển (chó thần) dài ba thước, lông đen, vằn vàng. Bàn Hồ từ trên trời giáng xuống cung Bình vương, được vua yêu quý. Một hôm, nhận được chiến thư của Cao vương, nhà vua chưa tìm ra phương cách giao chiến thì Bàn Hồ xung phong ra trận. Trong cuộc giao chiến, Bàn Hồ lập công giết được Cao vương và được vua gả cho cung nữ Cối Kê, phong làm Bàn vương.

Bàn vương sinh được 12 người con, 6 trai, 6 gái. Vua ban sắc cho con cháu Bàn vương thành 12 họ (Bàn, Phàn, Mãn, Uyển, Đặng, Trần, Lương, Tống, Phượng, Đối, Lưu, Triệu), cấp cho Quá sơn bảng văn (hay còn có tên khác là Bình hoàng thắng điệp, tức là Giấy thông hành qua núi, sách này có nhiều dị bản), để con cháu Bàn vương phân tán đi sinh sống các nơi. Khi Bình vương chết, Bàn vương lên làm vua. Tuy làm vua nhưng Bàn vương vẫn giữ nếp sống giản dị, dạy dân cách trồng lúa, dệt vải, giữ thói quen săn bắn… Sau khi Bàn vương chết, được người Dao thờ cúng, suy tôn làm ông tổ.

Các nhóm người Dao dù ở bất cứ nơi đâu cũng quan niệm có chung một nguồn gốc lịch sử, chung lòng tưởng nhớ vị thủy tổ anh hùng của dân tộc. Bàn vương được coi là ma nhà (ma tốt), được thờ cúng cùng với tổ tiên của từng dòng họ, từng gia đình. Trong các nghi lễ lớn như: lễ cấp sắc, tẩu slai (lễ cấp sắc ở bậc cao hơn), chẩy chấu (lễ tảo mộ), tết nhảy, làm ma chay…, người Dao đều phải cúng Bàn vương.

Người Thái quan niệm ở đời có ba thứ đẹp nhất, đó là: ánh nắng cài vào vách núi đá; cánh đồng to, đất tốt vòng quanh chân bản; và cô gái khéo dệt vải, thêu khăn.

Với người Hà Nhì, nhóm mà phụ nữ mặc trang phục màu đỏ, thêu hoa văn sặc sỡ thì gọi là Hà Nhì hoa; nhóm mà phụ nữ mặc trang phục màu đen thì gọi là Hà Nhì đen. Lý giải việc mặc trang phục chủ yếu là màu chàm của người Hà Nhì ở Bát Xát (Lào Cai) và Phong Thổ (Lai Châu), các cụ kể rằng: Trong đợt di cư từ Trung Quốc xuống phương Nam, nhóm đi sau gồm chủ yếu là người già, phụ nữ yếu sức và trẻ em nên đi rất chậm. Nhóm đi trước chủ yếu là trai tráng và phụ nữ khỏe mạnh, ngoài việc đi nhanh, họ còn mang hết vật dụng, thuốc nhuộm, mẫu hoa văn thêu. Nhóm đi sau chỉ còn giữ lại công thức làm nhà trình tường, làm cao chàm và một ít cách thêu hoa văn đơn giản. Vì vậy, họ chỉ mặc trang phục màu chàm là chính.

Theo quan niệm của người H’mông, người chết không mặc trang phục lanh, tổ tiên sẽ không nhận.

Tổ tiên có hỏi mình ở trên trần gian về được cái gì đem theo.

Thì mình thưa:

Con ở trần gian về, cái gì chẳng được

Được một chiếc khăn lanh, một chiếc áo lanh

Được một chiếc quần lanh, một chiếc thắt lưng lanh

Một đôi giày lanh, một đôi xà cạp lanh.

(dân ca H’mông)

Tham dự một đám ma của người H’mông, cứ nhìn cái sào phơi quần áo trên đầu quan tài của người chết là biết họ có bao nhiêu con. Bởi mỗi người con đều làm cho bố mẹ một bộ quần áo mới bằng vải lanh để dành mặc khi về với tổ tiên.

Gia đình người H’mông có ba vật quý phải mang theo khi di cư, đó là: cối đá xay ngô, váy phụ nữ (của bà chủ nhà) và ống bương đựng hạt lúa, ngô, lanh. Váy H’mông là biểu tượng văn hóa, người H’mông không có chữ, chữ được thêu thành váy. Trên tấm váy diễn tả trận chiến của người H’mông chống người Hán cướp đất. Trên thân váy có ba băng dải dọc là ba con sông người H’mông đã vượt qua trên đường thiên di đến phương Nam…

Phụ kiện, trang sức cũng vậy, ngoài chức năng thể hiện thị hiếu thẩm mỹ của mỗi người, còn là tín vật tình yêu, là chuyện tâm linh.

Đối với người Ede, chiếc vòng đồng không chỉ là vật trang sức mà còn gắn với văn hóa tâm linh, là vật quan trọng kết nối với thần linh thay lời cầu xin hay hứa hẹn. Chiếc vòng đồng theo suốt cuộc đời người Ede.

Với người Lự, nếu nhà có người chết thì trong vòng một năm không được đeo hoa tai.

Có thể nói, cùng với ăn thì mặc thể hiện rõ nét nhất đời sống vật chất và tinh thần của một dân tộc, tộc người, cá nhân. Ẩn sau vải vóc và trang phục, trang sức là một lịch sử hấp dẫn của nhân loại.

Tôi rất đam mê nghiên cứu trang phục, trang sức, nhất là ở khía cạnh nhân học, và xu thế thời trang chậm. Trong quá trình đi khắp Việt Nam để viết cuốn sách này, tôi rất vui mừng khi tìm được những người cùng sở thích mà bạn đọc sẽ gặp ở những trang sách tiếp theo. Không chỉ bảo tồn trang phục truyền thống, họ còn bảo tồn thích nghi bằng cách sử dụng những họa tiết hoa văn trên trang phục truyền thống để đưa vào thời trang đường phố, làm ốp lưng điện thoại thông minh, làm bao bì sản phẩm… Nhưng tôi cũng rất buồn với thực trạng lớp trẻ mỗi năm chỉ mặc trang phục truyền thống vài lần để… chụp ảnh. Nhiều tộc người không còn mặc trang phục truyền thống. Nhiều tộc người chỉ người già mới biết thêu hoa văn lên vải, chạm bạc làm trang sức.

Thôi thì “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh.” Soetsu Yanagi (1889 – 1961) là một triết gia, nhà phê bình nghệ thuật nổi bật ở Nhật Bản trong nửa đầu thế kỷ XX. Ông đã viết trong cuốn sách The Beauty of Everyday Things (Vẻ đẹp của những vật dụng hằng ngày): “Sứ mệnh của tôi là nói lên vẻ đẹp của thế giới này và xem chúng ta học được gì từ đó.”

Cuốn sách này là một cách mà tôi học tập từ ông. Hy vọng nhận được sự đồng cảm của bạn đọc!

(Đỗ Quang Tuấn Hoàng)

Sách hay tháng 5/2025: Việt Nam ăn mặc thong dong

Vài nét về tác giả Đỗ Quang Tuấn Hoàng

Đỗ Quang Tuấn Hoàng sinh năm 1979 tại xã Trầm Lộng, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây (nay là Thành phố Hà Nội).

Tốt nghiệp cử nhân xã hội học, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội năm 2000.

Làm báo chuyên nghiệp từ năm 2000 tại các báo: Quân đội nhân dân, Sài Gòn Giải Phóng. Hiện là thư ký tòa soạn tạp chí Mốt Việt Nam; phụ trách báo chí kiêm phó ban Nghiên cứu và Phát triển tại Hiệp hội Làng nghề Việt Nam.

Những tác phẩm của tác giả Đỗ Quang Tuấn Hoàng đã xuất bản

Vắt qua những ngàn mây, (ấn bản tiếng Trung) Nxb Khoa học – Kỹ thuật Quảng Tây, Trung Quốc, 2024.

Đi suốt đường vui, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2021.

Ngang dọc đường trà, Huy Hoàng Books và Nxb Dân Trí, 2019.

Vắt qua những ngàn mây, Chibooks và Nxb Văn học, 2019.

Theo dấu chân người tình, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2019.

Đi bán đam mê – Những câu chuyện khởi nghiệp, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2018.

Sài Gòn có lá me bay, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2017.

Nguyễn Cao Thương: Vẽ là lẽ sống, Nxb Thông Tấn, 2014.

tác giả Đỗ Quang Tuấn Hoàng

Tác giả Đỗ Quang Tuấn Hoàng

Tác giả Đỗ Quang Tuấn Hoàng, tiếp tục hành trình “xuất khẩu sách Việt” ra nước ngoài

 Sáng ngày 26/3/2025, Chibooks đã tiếp đón tác giả Đỗ Quang Tuấn Hoàng đến thăm công ty và ký kết hợp đồng đại diện hai tác phẩm mới là “Việt Nam – Ăn mặc thong dong” và “Ngàn năm trà Việt”. Bản tiếng Việt dự kiến ra sẽ mắt với độc giả trong tháng 4.2025. Hai cuốn sách hiện cũng đang được tiến hành dịch sang tiếng Trung để tiếp tục hành trình “xuất ngoại” giới thiệu về những nét đặc sắc nhất của văn hóa bản địa Việt Nam với độc giả quốc tế.

Trước đó, vào ngày 16/11/2024, tại Tuần lễ Văn hóa sách Trung Quốc – Đông Nam Á 2024 diễn ra tại Nam Ninh, Trung Quốc, hai tác phẩm thuộc Tủ sách Văn hóa Việt của Chibooks là “Vắt qua những ngàn mây” (tác giả Đỗ Quang Tuấn Hoàng) và cuốn “Người Hà Nội, chuyện ăn chuyện uống một thời” (tác giả Vũ Thế Long) đã được mua bản quyền, dịch sang tiếng Trung và xuất bản chính thức tại thị trường Trung Quốc.

Đó cũng là lần đầu tiên sách Văn hóa Việt được dịch tổ chức ra tiếng Trung và được xuất bản tại Trung Quốc một cách chính quy, bài bản, và Đỗ Quang Tuấn Hoàng cũng là tác giả Việt đầu tiên được tổ chức sang Trung Quốc ra mắt sách và giao lưu cùng bạn đọc Trung Quốc trong khuôn khổ Hội sách.

Nguồn: Chibooks
CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU TƯ BRIGHT STAR
Điện thoại/Fax: 028.62966189
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Đoàn Lê Khang
Địa chỉ: 4/6b Văn Chung, Phường 13, Q.Tân Bình, TP.HCM
LIÊN HỆ
Hotline: 0908 942 789
Email: brightstar24h@gmail.com