Cuốn sách ảnh song ngữ Việt – Anh, với độ dày 168 trang, tập hợp hơn 300 bức ảnh quý hiếm của Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh, bao quát lịch sử – văn hóa – xã hội vùng đất này.
Nhân kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Tạp chí Xưa và Nay tái bản tập sách ảnh “Di sản Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon – Ho Chi Minh City Heritage)”. Đây là tài liệu ảnh mang giá trị lịch sử nhằm tái hiện, tập hợp quang cảnh và nếp sống của con người vùng đất Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh.

Sách hay “Di sản Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh”
Quang cảnh và nếp sống của con người vùng đất Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh
Không gian kiến trúc Gia Định – Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh thực sự bắt đầu được kiến tạo từ năm 1698, khi Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh theo lệnh Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu vào Nam kinh lược, lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên (tức Biên Hòa), lấy xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn (tức Gia Định).
Hơn 300 năm qua, những công trình kiến trúc, những nét sinh hoạt văn hóa tại vùng đất này đã lắng đọng vào phố thị và tâm hồn của cộng đồng dân cư nơi đây, kết tinh thành di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của Sài Gòn – Gia Định – Thành phố Hồ Chí Minh.
Người Việt đến khai phá vùng đất Nam bộ từ cuối thế kỷ XVI, đầu thế kỷ XVII, do chiến tranh Trịnh – Nguyễn kéo dài khiến nhiều nông dân rời bỏ quê hương, đến vùng đất Sài Gòn – Gia Định lập nghiệp. Tuy sống ở thị thành, nhưng một số cư dân này vẫn còn giữ nếp sinh hoạt như ở nông thôn, đời sống giản dị nhưng mang tính cộng đồng cao. Đó là những đặc trưng của cư dân Sài Gòn – Gia Định hồi cuối thế kỷ XIX, người Sài Gòn rất chuộng khí tiết, trọng nghĩa khinh tài.
Cuốn sách ảnh song ngữ Việt – Anh, với độ dày 168 trang, tập hợp hơn 300 bức ảnh quý hiếm của Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh, bao quát lịch sử – văn hóa – xã hội vùng đất này. Thông qua không ảnh, chúng ta thể nhìn thấy toàn cảnh vùng đất Sài Gòn từ trên cao.
Từ những hình ảnh thành phố thuở ban đầu gắn liền với khung cảnh sông nước, cây xanh. Đó là những công trình kiến trúc như tòa nhà hành chính, dinh thự, trường học, bệnh viện, khách sạn, cây cầu, đường xá, cảng, bến tàu, nhà xưởng, nhà máy, khách sạn, chợ truyền thống, nhà thờ, đình chùa, các phương tiện giao thông… Là những nét văn hóa trong đời sống thị thành như đám cưới truyền thống, đám tang, hát bội, đờn ca tài tử, trò chơi dân gian, đua ngựa…
Qua đó, hình ảnh trang phục áo dài của phụ nữ Sài Gòn cũng được tái hiện. Suốt gần một thế kỷ qua, phụ nữ Gia Định – Sài Gòn đã lấy chiếc áo dài làm thường phục vì nó lịch sự và kín đáo. Trước năm 1945, nhiều phụ nữ mặc áo dài vải đen gánh hàng ra chợ bán, có khi mặc áo dài đi cấy. Năm 1937, cuộc thi “Concours élégant – Saigon” tại Vườn Ông Thượng (Công viên Tao Đàn) có thể được coi là cuộc thi hoa hậu áo dài đầu tiên ở Sài Gòn. Bà Nguyễn Thị Liễu (sinh năm 1912) tại Hóc Môn là người đoạt giải hoa hậu trong kỳ thi năm ấy.
XEM THÊM>>Sách hay Hiểu để chữa lành
Tư liệu quý về Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh
Là nét đặc sắc ẩm thực Sài Gòn từ sang trọng đến bình dân. Các quán cà phê (café) sang trọng ở Sài Gòn xuất hiện rất sớm, nổi bật như quán Café Lyonnais và quán Café Paris, Café de la Musique, Grand Café de la Terrasse, Café des Fleurs… Không thể thiếu những gánh hàng rong, các xe bán mì hủ tiếu, gánh hàng nước phục vụ thực khách trên lề đường… với các món ăn hấp dẫn ở miền Nam những thế kỷ trước thật sinh động và ấn tượng có thể giúp chúng ta phần nào cảm nhận được bản sắc ẩm thực vỉa hè thú vị của Sài Gòn xưa.
Hướng tới mục tiêu bảo tồn và phát huy những giá trị di sản văn hóa, giữ gìn dấu xưa và lan tỏa giá trị di sản trong cuộc sống hiện nay để Thành phố Hồ Chí Minh tự hào và xứng đáng với vai trò là trung tâm về nhiều mặt của cả nước.
Qua cuốn sách này, Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, Tạp chí Xưa và Nay mong muốn góp phần bổ sung vào bộ sưu tập tài liệu nghiên cứu và tư liệu hình ảnh về Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh, qua đó làm phong phú thêm cho di sản văn hóa Việt Nam.