Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã ban hành Thông tư 27/2023/TT-BGDĐT quy định việc lựa chọn sách giáo khoa (SGK) trong cơ sở giáo dục phổ thông. Thông tư mới này được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục thông qua việc các em học sinh được học những bộ SGK phù hợp nhất với năng lực học sinh, điều kiện thực tế của các nhà trường, tình hình địa phương…
Điểm mới của Thông tư 27/2023/TT-BGDĐT ban hành ngày 28/12/2023, quy định mỗi nhà trường có một hội đồng lựa chọn SGK do hiệu trưởng trường phổ thông hoặc giám đốc trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên thành lập. Bên cạnh đó, thông tư cũng quy định hội đồng lựa chọn SGK của nhà trường có thêm thành phần là đại diện ban đại diện cha mẹ học sinh của trường. Các thành phần còn lại gồm đại diện cán bộ, tổ chuyên môn, giáo viên với tổng số lượng thành viên hội đồng tối thiểu là 11 người. Đối với cơ sở giáo dục có quy mô dưới 10 lớp, số lượng thành viên hội đồng tối thiểu là 5 người.
Tại Trường Tiểu học Hải Long (Như Thanh), sau khi Bộ GD&ĐT ban hành thông tư mới về lựa chọn SGK, bên cạnh niềm vui vì những góp ý của đội ngũ giáo viên đã được bộ lắng nghe và tiếp thu, cô giáo Nguyễn Thị Bình, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hải Long cũng bày tỏ những băn khoăn, lo lắng: “Được trao quyền tự chủ mỗi nhà trường sẽ có trách nhiệm chọn SGK sát thực, phù hợp với học sinh, với điều kiện cơ sở vật chất, trình độ giáo viên và năng lực học sinh… Tuy nhiên, vì các nhà trường được tự chủ nên chắc chắn sẽ xảy ra việc lựa chọn các cuốn sách khác nhau của các nhà xuất bản khác nhau, như vậy câu chuyện cũ về việc chỉ đạo chuyên môn, việc di biến động học sinh… sẽ lại tiếp diễn với những khó khăn, bất tiện cần có giải pháp để giải quyết triệt để.
Còn thầy giáo Phạm Hữu Long, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vạn Hòa (Nông Cống) bày tỏ chia sẻ: Các đầu sách nội dung kiến thức, mục tiêu hướng tới là như nhau, nhưng tiến trình mạch sách sẽ khác nhau. Thêm vào đó, mặc dù các đầu sách đã được kiểm định chất lượng nhưng nếu cơ chế quá “mở” sẽ gây lộn xộn… Do đó, “làm sao để tránh lãng phí là vấn đề cần được quan tâm” – thầy Phạm Hữu Long bày tỏ.
Trong thông tư mới, Bộ GD&ĐT đưa ra 3 nguyên tắc lựa chọn SGK gồm: Lựa chọn SGK trong danh mục SGK đã được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt để sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục; mỗi khối lớp lựa chọn một SGK cho mỗi môn học, hoạt động giáo dục (bao gồm các nội dung, chuyên đề học tập lựa chọn nếu có) được thực hiện ở cơ sở giáo dục; việc lựa chọn SGK bảo đảm thực hiện dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, vì quyền lợi của học sinh.
Quy trình chọn SGK sẽ được thực hiện theo nhiều bước, bắt đầu từ giáo viên. Cô giáo Trần Thị Hiệp, giáo viên môn Công nghệ, Trường THCS Ninh Hải (thị xã Nghi Sơn), cho biết: Việc các nhà trường được lựa chọn SGK sẽ giúp lựa chọn được bộ sách phù hợp nhất với học sinh của mình. Tuy nhiên, là thành viên hội đồng thẩm định SGK của Sở GD&ĐT, tôi nhận thấy nên triển khai việc chọn sách từ sớm để việc triển khai các bước tiếp theo thuận lợi, không bị cập rập, nhằm đảm bảo tốt nhất quyền lợi của học sinh.
Chia sẻ về cách thức lựa chọn SGK theo thông tư mới, ông Nguyễn Kim Ưng, Phó trưởng Phòng GD&ĐT thị xã Nghi Sơn, cho biết: Trên cơ sở danh mục SGK đã được Bộ GD&ĐT phê duyệt, các nhà trường thành lập hội đồng lựa chọn SGK của đơn vị mình, tổ chức họp bàn với tổ trưởng chuyên môn, đại diện ban cha mẹ học sinh để thảo luận, đánh giá SGK trên cơ sở danh mục sách do các tổ chuyên môn đề xuất, sau đó lựa chọn 1 SGK cho mỗi môn học phù hợp nhất với học sinh của mình và lập hồ sơ gửi về Phòng GD&ĐT danh mục do nhà trường đề xuất lựa chọn để phòng báo cáo với các cấp có thẩm quyền.
Thông tư 27/2023/TT-BGDĐT về việc lựa chọn SGK sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12/2/2024, được áp dụng từ năm học 2024-2025, đối với SGK của 3 khối lớp cuối cùng bắt đầu theo học Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là lớp 5, 9 và 12.