GDVN- Theo PGS.TS Bùi Thành Nam đây là ngành chưa có cơ sở giáo dục nào đào tạo nhưng tại xã hội có nhu cầu. Nếu đề án được thông qua sẽ tuyển sinh trong năm 2024.
Hiện tại đã có nhiều cơ sở giáo dục đại học công bố đề án tuyển sinh đại học chính quy năm 2024. Trong đó, hàng loạt trường dự kiến mở thêm nhiều ngành mới. Năm 2024, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội (gọi tắt là Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội) dự kiến mở thêm ngành Điện ảnh và nghệ thuật đại chúng.
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thành Nam, Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội thông tin: Nhà trường đang trong quá trình hoàn thiện đề án xin mở ngành. Đại học Quốc gia Hà Nội đã nghiệm thu xong, nếu được thông qua thì nhà trường sẽ triển khai tuyển sinh trong năm 2024 tới đây.
Chú trọng nội dung về kịch bản và phê bình điện ảnh
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thành Nam, có thể có nhiều ý kiến thắc mắc tại sao trường lại mở một ngành về điện ảnh. Nhưng điểm khác biệt của ngành này ở Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội so với các trường đào tạo về sân khấu điện ảnh là trường không đào tạo diễn xuất.
Thay vào đó, nhà trường dựa trên thế mạnh về đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn cao liên quan đến lĩnh vực phê bình điện ảnh và viết kịch bản. Đây cũng là hướng đào tạo đi theo các mảng khoa học xã hội và nhân văn, mang tính chất xã hội mà nhà trường vẫn đào tạo từ trước đến nay.
Thầy Nam cũng cho biết thêm sở dĩ Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội mở thêm ngành này, thứ nhất là bởi đây là ngành chưa có cơ sở giáo dục nào đào tạo. Thứ hai là nhu cầu của xã hội có, tiềm năng phát triển lớn.
“Điện ảnh và nghệ thuật đại chúng là ngành học hiện đại mang tính ứng dụng, đáp ứng các nhu cầu của xã hội và đón đầu xu hướng nghề nghiệp trong tương lai.
Lĩnh vực điện ảnh và nghệ thuật đại chúng cũng cần có đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao, được đào tạo bài bản, đáp ứng nhu cầu xã hội”, thầy Nam bày tỏ.
Trưởng phòng đào tạo Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội cũng cho biết thêm, hiện tại việc xác định mức điểm chuẩn để thí sinh có thể đỗ vào ngành này trước hết cần xem Đại học Quốc gia Hà Nội có cho phép nhà trường tuyển sinh hay không và số lượng thí sinh đăng ký là bao nhiêu. Từ đó trường mới có căn cứ để đưa ra dự kiến mức điểm chuẩn.
Về cơ bản nhà trường đã đáp ứng đủ các điều kiện cũng như tiêu chí mở ngành Điện ảnh và nghệ thuật đại chúng của Đại học quốc gia Hà Nội về tổ chức vận hành chương trình đào tạo này.
Xem thêm >> Hai Học viện đầu tiên của khối Quân đội tiết lộ về tuyển sinh 2024: Có xét học bạ không?
Cơ bản giữ nguyên các phương thức xét tuyển của các năm trước
Theo thông tin đăng tải trên website Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội tại Hội nghị giao ban toàn trường đầu năm 2024 Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thành Nam cho biết: Trong tháng 1/2024, phòng đào tạo sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan để xây dựng và hoàn thiện Đề án tuyển sinh năm 2024 cho các bậc đào tạo.
Căn cứ kết quả đào tạo trong những năm qua, đồng thời đáp ứng nhu cầu của đông đảo người học, nhà trường sẽ đề nghị Đại học Quốc gia Hà Nội tăng chỉ tiêu tuyển sinh đại học, sau đại học năm 2024 (ít nhất 10% so với năm 2023), đặc biệt là bậc sau đại học.
Chia sẻ về các phương thức tuyển sinh dự kiến năm 2024, thầy Nam cho hay nhà trường cơ bản giữ ổn định 5 phương thức tuyển sinh cho 28 ngành học như các năm trước đây. Năm 2024, nhà trường dự kiến tuyển 2.200 chỉ tiêu.
Cụ thể, 5 phương thức tuyển sinh của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội bao gồm:
Phương thức 1: Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo Quy chế tuyển sinh hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo (gồm cả đối tượng là học sinh dự bị đại học dân tộc và người nước ngoài;
Phương thức 2: Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy định đặc thù và hướng dẫn tuyển sinh của Đại học Quốc gia Hà Nội;
Phương thức 3: Xét tuyển kết quả thi đánh giá năng lực (HSA) còn hiệu lực của Đại học Quốc gia Hà Nội;
Phương thức 4: Xét tuyển chứng chỉ quốc tế (A-Level, SAT, ACT); Kết hợp kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông với chứng chỉ quốc tế để xét tuyển (IELTS, TOEFL iBT, HSK và HSKK, JLPT, TOPIK II); Xét tuyển kết quả thi đánh giá năng lực (HSA) còn hiệu lực của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh;
Phương thức 5: Xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông.
Ngoài ra, nhà trường cũng đẩy mạnh đầu tư cho các ngành khoa học cơ bản. Trong đó, có chính sách tài trợ học bổng (50 triệu đồng/ năm/ 1 sinh viên) cho sinh viên của 9 ngành khoa học cơ bản bao gồm: Văn học, Lịch sử, Triết học, Tôn giáo học, Chính trị học, Nhân học, Việt Nam học, Ngôn ngữ học, Hán Nôm). Đồng thời nhà trường còn hỗ trợ kinh phí nghiên cứu khoa học (10 triệu đồng/ 1 đề tài).