Học phí năm học tới của Đại học Quốc gia Hà Nội khoảng 14-100 triệu đồng, thấp nhất ở trường Đại học Giáo dục, cao nhất với chương trình liên kết của trường Đại học Kinh tế.
Theo đề án tuyển sinh của các trường, mức học phí này áp dụng với sinh viên tuyển mới.
Trường Đại học Giáo dục có học phí thấp nhất dù tăng hơn hai triệu đồng so với năm ngoái, lên mức 14,1 triệu. Riêng sinh viên các ngành Sư phạm được nhà nước hỗ trợ tiền học và sinh hoạt phí.
Cùng mức này là Khoa Quốc tế Pháp ngữ với 14,1-15 triệu đồng. Đây là năm đầu tiên khoa này tuyển sinh hệ cử nhân. Các trường khác như Khoa học Xã hội và Nhân văn, Khoa học Tự nhiên hay Ngoại ngữ đều thu mức thấp nhất là 15 triệu đồng với các chương trình chuẩn, bằng năm ngoái.
Với các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài, học phí các trường khoảng 60-100 triệu đồng một năm. Trong đó, trường Đại học Kinh tế thu cao nhất. Ngành Quản trị kinh doanh liên kết với Đại học Troy (Mỹ) có học phí hơn 351 triệu đồng cho khóa 3,5 năm, tương đương hơn 100 triệu đồng một năm. Tuy nhiên, sinh viên trúng tuyển và nhập học kỳ mùa thu năm 2024 được cấp học bổng nên còn khoảng 94-97 triệu đồng.
Xem thêm>>Nam sinh chuyên Văn tốt nghiệp xuất sắc ngành Sư phạm…Toán
Học phí dự kiến năm 2024 của 13 trường, khoa thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội như sau:
TT | Trường | Học phí năm học 2024-2025, áp dụng khóa nhập học năm 2024 (đơn vị: triệu đồng) |
1 | Đại học Khoa học Tự nhiên | 15-37 |
2 | Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn | 15-30 |
3 | Đại học Công nghệ | 32-40 |
4 | Đại học Ngoại ngữ | 15-62,5 |
5 | Đại học Kinh tế | 24,5-100,4 |
6 | Đại học Giáo dục | 14,1 |
7 | Đại học Việt Nhật | 25-58 |
8 | Đại học Y Dược | 27,6-55 |
9 | Đại học Luật | 24-28,2 |
10 | Trường Quốc tế | 35,2-80,5 |
11 | Trường Quản trị và Kinh doanh | 60-70 |
12 | Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật | 27-28,2 |
13 | Khoa Quốc tế Pháp ngữ | 14,1-15 |
Năm nay, 13 trường, khoa thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội tuyển 18.000 sinh viên, tăng hơn 3.000 so với năm ngoái. Trường Đại học Công nghệ tuyển nhiều nhất với 2.960 sinh viên, kế đến là Đại học Kinh tế – 2.350, Khoa học Xã hội và Nhân văn – 2.300, Ngoại ngữ – 2.000.
Bốn phương thức tuyển sinh chính gồm: xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển học sinh có thành tích cao trong học tập; xét bằng điểm thi tốt nghiệp THPT; dựa vào điểm thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức; phương thức khác (điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP HCM, chứng chỉ quốc tế, phỏng vấn, thi năng khiếu…).
Xem chỉ tiêu từng ngành của Đại học Quốc gia Hà Nội
Năm ngoái, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn có điểm chuẩn thi tốt nghiệp THPT cao nhất với 28,78 điểm, trên thang 30.