Tác phẩm “Kiến trúc Pháp – Đông Dương, dấu tích Sài Gòn – Hòn ngọc Viễn Đông” tường thuật lại quá trình thành phố bước vào thời kỳ hiện đại từ giai đoạn bắt đầu kiến tạo Sài Gòn – Hòn ngọc Viễn Đông xưa phồn thịnh và đến nay là Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những thành phố xinh đẹp, năng động và hấp dẫn hàng đầu của Việt Nam và trên thế giới.
Ngược về quá khứ, Sài Gòn cũng có những câu chuyện lịch sử lẫy lừng, được mệnh danh là một đô hội mỹ lệ và nhộn nhịp, trên cơ sở thừa kế đô thị Gia Định xưa cổ. Ban đầu, Sài Gòn là đô thị đặc biệt được kết hợp và du nhập cả yếu tố Đông Dương cổ truyền với yếu tố phương Tây. Thành phố được kiến tạo quy hoạch mang hình dáng một đô thị tân tiến và hiện đại, nhiều tiện ích đến từ công trình kiến trúc cảnh quan đến hạ tầng giao thông tiên tiến, khác hẳn mô hình thành thị phong kiến Á Đông trước đó.
Nhân kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1975-2025), Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh xin trân trọng giới thiệu cùng Quý độc giả tác phẩm “Kiến trúc Pháp – Đông Dương, dấu tích Sài Gòn – Hòn ngọc Viễn Đông” được chủ trương thực hiện bởi Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước – Trung tâm lưu trữ Quốc gia II, do Trần Hữu Phúc Tiến biên soạn. Tác phẩm giúp người đọc nhận diện những đặc trưng lịch sử đô thị vùng đất Gia Định – Sài Gòn xưa và định vị được thế mạnh của Thành phố Hồ Chí Minh hiện đại.

Tác phẩm “Kiến trúc Pháp – Đông Dương, dấu tích Sài Gòn – Hòn ngọc Viễn Đông”
Các chặng đường quy hoạch và kiến trúc Sài Gòn trước năm 1945
Sách dày 232 trang, gồm 7 chương chính, mở đầu là bài viết Cảm nhận vẻ đẹp của Sài Gòn – Hòn ngọc Viễn Đông xuyên thế kỷ. Từ các bài viết tổng quan về quá trình quy hoạch và xây dựng Sài Gòn từ 1862-1945 cùng các kiến trúc Pháp – Đông Dương tiêu biểu. Tác giả cùng điểm lại các công trình kiến trúc điển hình theo từng khu vực chủ yếu của Thành phố thời ấy. Các bài viết cung cấp rõ ràng, chi tiết từ lai lịch cũng như nét đẹp chính yếu của từng công trình cụ thể thông qua hình ảnh, họa đồ, hình vẽ…
Chương Một là Dạo qua các chặng đường quy hoạch và kiến trúc Sài Gòn trước năm 1945: Nhận diện quá trình kiến tạo và các giá trị Hòn ngọc Viễn Đông; 10 cặp kiến trúc tiêu biểu đô thị Sài Gòn tân tiến trước 1945. Chương Hai là Khu vực đại lộ Norodom (nay là đại lộ Lê Duẩn): Dinh Toàn quyền Đông Dương; Nhà thờ Lớn Sài Gòn; Nhà Bưu điện Sài Gòn; Dinh Đại tướng và Câu lạc bộ Sĩ quan Pháp; Trụ sở công ty Xăng dầu Pháp – Á; Câu lạc bộ Sĩ quan Hải quân; Bảo tàng Blanchard de la Brosse; Đại Chủng viện Thánh Giuse và Tu viện Thánh Phaolô; Dinh Pháp lý; Dinh Thống đốc Nam Kỳ; Dinh Nội Vụ – Dinh Thượng thơ. Chương Ba là Khu vực dọc bờ sông Sài Gòn và rạch Bến Nghé: Khu vực bờ sông và bến tàu; Nhà máy Ba Son và doanh trại Hải Quân; Nhà Quan thuế; Cột cờ Thủ Ngữ, Nhà Rồng và Thương cảng Sài Gòn; Khách sạn Majestic và khách sạn Grand Saigon; Trụ sở Ngân hàng Đông Dương; Phòng Thương mại Sài Gòn… Chương Bốn là Khu vực Catinat & Charner (Đồng Khởi & Nguyễn Huệ): Đường phố thượng lưu Catinat – Đường Đồng Khởi ; Đại lộ hoa lệ Charner – Đại lộ Nguyễn Huệ; Nhà hát Lớn Sài Gòn và khách sạn Continental – Nhà hát Lớn Thành phố Hồ Chí Minh và khách sạn Continental; Tòa Thị chính; Cao ốc Catinat – Công viên Pages – Công viên Chi Lăng; Đại bách hóa Charner và Kho bạc Nam Kỳ – Thương xá Tax và Kho bạc Thành phố Hồ Chí Minh. Chương Năm là Khu vực đại lộ Bonard, chợ Bến Thành & đại lộ La Somme: “Tam giác kim cương” Bến Thành – Bonard – La Somme; Chợ Bến Thành – chợ Trung tâm Sài Gòn; Tòa nhà công ty Hỏa xa Đông Dương và Nhà ga Sài Gòn; Khu nhà tỷ phú Hui Bon Hoa; Ngân hàng Pháp – Hoa. Chương Sáu là Khu vực Chợ Lớn: Chợ Lớn; Chợ Bình Tây; Nhà phố Pháp – Hoa; Chung cư người Hoa bình dân; Nhà thờ Cha Tam. Chương Bảy là Các kiến trúc và cảnh quan tiêu biểu khác: Vườn Ông Thượng và các phố biệt thự chung quanh; Biệt thự Phương Nam; Trường Pétrus Trương Vĩnh Ký; Trường Trung học Nữ sinh bản xứ; Bệnh viện Grall và Viện Pasteur. Phần Phụ lục với Biểu trưng đầu tiên của Sài Gòn.

Tác phẩm “Kiến trúc Pháp – Đông Dương, dấu tích Sài Gòn – Hòn ngọc Viễn Đông”
XEM THÊM>>Sách hay Di sản Sài Gòn Thành phố Hồ Chí Minh
Vài nét tác giả Phúc Tiến
“Là người sinh trưởng ở Sài Gòn, tham gia nghiên cứu lịch sử Thành phố, bản thân tôi cảm thấy hân hạnh và tự hào được biên soạn nội dung của sách với nhiều đề tài lý thú. Hy vọng quyển sách có thể có những đóng góp nhất định bằng những thông tin hữu ích về việc kiến thiết Thành phố cùng các công trình kiến trúc hoàn mỹ trong quá khứ để phục vụ cho việc chỉnh trang đô thị, xây dựng mới các công trình, góp phần vào việc gìn giữ và phát huy các giá trị di sản hay đẹp của các thế hệ tiền nhân. – Nguyễn Hữu Phúc Tiến chia sẻ.
Với tinh thần của một nhà báo – nhà nghiên cứu đi nhiều nơi, Phúc Tiến muốn giới thiệu nét đẹp của Thành phố Hồ Chí Minh đến với công chúng trong nước và cả nước ngoài. Cuộc khám phá về quá khứ của một đô thị còn có thể giúp cho chúng ta các ý tưởng và kinh nghiệm để áp dụng vào nhiều hoạt động của thành phố trong hiện tại và tương lai, góp phần không nhỏ cho việc tôn vinh văn hóa bản sắc và nguồn thu nhập của các đô thị và quốc gia.
Ngày nay, khi cần chỉnh trang, xây dựng mới Thành phố Hồ Chí Minh trong thế kỷ 21, các nhà hoạch định chính sách và chuyên môn không thể không tìm hiểu gia sản quy hoạch và kiến trúc của các thế hệ trước. Thế hệ của chúng ta rất cần nhận diện giá trị của bản sắc lịch sử để vững vàng phấn đấu trên lộ trình phát triển tương lai. Chính điều này sẽ góp phần đưa thành phố vươn xa hơn đến vị thế “thành phố quốc tế”.

Tác giả Phúc Tiến ký tặng sách cho bạn đọc. Ảnh: Minh Anh
Tác giả: Trần Hữu Phúc Tiến. Bút danh: Phúc Tiến. Sinh năm 1962 tại Sài Gòn. Nguyên nhà báo. Ủy viên Ban chấp hành Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam và Thành phố Hồ Chí Minh. Sách đã xuất bản: Sài Gòn không phải ngày hôm qua; Sài Gòn hai đầu thế kỷ; Kiến trúc Pháp – Đông Dương – Những viên ngọc quý tại Hà Nội; Du lịch Đông Dương xưa.