Quan hệ từ được dùng để nối giữa từ với từ, vế với vế, câu với câu, giữa đoạn văn với đoạn văn. Sử dụng linh hoạt các cặp quan hệ từ sẽ khiến bài văn chặt chẽ và mượt mà hơn, dễ dàng giành được điểm cao. Cùng theo dõi bài giảng của cô Trần Thu Hoa – giáo viên môn Tiếng Việt tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI để biết cách vận dụng đúng và hiệu quả quan hệ từ trong viết văn.
Quan hệ từ là gì?
Quan hệ từ là từ nối (và, với, hay, hoặc, nhưng…) giữa các từ hoặc giữa các câu nhằm thể hiện mối quan hệ chặt chẽ giữa các từ ngữ hoặc những câu này với nhau.
VD: Tôi và bạn ấy cùng đạt 10 điểm.
Quan hệ từ “và” thể hiện mối quan hệ ngang bằng giữa “tôi” và “cô ấy” khi cùng đạt điểm cao.
Chức năng của quan hệ từ trong tiếng Việt lớp 5
Qua định nghĩa quan hệ từ là gì được để cập ở trên? ta có thể thấy rằng quan hệ từ là một trong những thành phần đặc biệt quan trọng trong thành câu. Các quan hệ từ có chức năng liên kết từ, cụm từ hay giúp liên kết các câu lại với nhau để cho tổng thể câu văn trở nên logic, mạch lạc.
Nếu như không sử dụng các quan hệ từ, câu văn trong đoạn văn không có sự kết nối, lời văn nhiều trường hợp bị rời rạc khiến cho người đọc cảm thấy lủng củng hoặc không hiểu được trọn vẹn ý nghĩa của câu. Chính vì thế, khi sử dụng, người dùng cần hiểu rõ các đặc điểm các quan hệ từ cũng như các cặp quan hệ từ. Từ đó có thể sử dụng một cách hiệu quả, phù hợp nhất trong câu.
Cách sử dụng quan hệ từ
Trong cả văn nói và văn viết, sẽ có những trường hợp chúng ta phải sử dụng tới quan hệ từ. Ở một số trường hợp thiếu quan hệ từ trong câu sẽ làm thay đổi nghĩa hoặc không rõ nghĩa, gây hiểu lầm cho người nghe, người đọc. Dưới đây, trong bài viết bài viết tổng hợp kiến thức về Quan hệ từ lớp 5 sẽ đưa ra cho các em học sinh một số ví dụ về trường hợp bắt buộc và không bắt buộc sử dụng quan hệ từ.
– Trường hợp bắt buộc phải dùng quan hệ từ.
Ví dụ: Tôi làm việc ở nhà mấy tuần nay.
Trong câu này, nếu không dùng quan hệ từ “ở” thì câu sẽ bị thay đổi nghĩa hoàn toàn thành “Tôi làm việc nhà mấy tuần nay”.
Các cặp quan hệ từ thường dùng trong Tiếng Việt
Dưới đây là một số cặp quan hệ từ thường được sử dụng trong Tiếng Việt mà học sinh cần nắm vững dựa trên ý nghĩa biểu thị.
Biểu thị quan hệ: Nguyên nhân – Kết quả
Các cặp quan hệ từ thể hiện Nguyên nhân – Kết quả bao gồm:
Vì … nên…
Do … nên…
Nhờ … mà…
VD: Vì cuối tháng này tôi thi học kỳ nên tôi phải học hành thật chăm chỉ.
Biểu thị quan hệ: Giả thiết – Kết quả; Điều kiện – Kết quả
Các cặp quan hệ từ thể hiện Giả thiết – Kết quả, Điều kiện – Kết quả bao gồm:
Nếu … thì…
Hễ … thì…
Giá mà … thì …
VD: Nếu năm nay tôi được học sinh giỏi thì bố mẹ sẽ thưởng cho tôi một chuyến du lịch.
Biểu thị quan hệ Tương phản, đối lập
Các cặp quan hệ từ thể hiện Tương phản, đối lập bao gồm:
Tuy … nhưng…
Mặc dù … nhưng…
VD: Tuy ai cũng thắc mắc nhưng chúng tôi chẳng ai dám hỏi.
Biểu thị quan hệ Tăng lên
Các cặp quan hệ từ thể hiện Tăng lên bao gồm:
Không những … mà còn…
Không chỉ … mà còn…
VD: Lan không những học giỏi mà còn múa rất đẹp.
Lưu ý: Các quan hệ từ là chỉ có một từ dùng để nối những cặp quan hệ từ phải có ít nhất 2 từ dùng để nối hai vế lại với nhau.
Bài tập vận dụng cơ bản và nâng cao về cặp quan hệ từ lớp 5
Dạng 1: Xác định quan hệ từ trong câu/bài
Theo cô Thu Hoa, đối với dạng bài này học sinh cần biết được ý nghĩa trong câu/bài nói về cái gì để xác định quan hệ từ và cặp quan hệ từ cho đúng.
VD: Thầy dạy võ rất ngạc nhiên vì thấy Nam có thể thông thạo rất nhanh các môn võ thầy truyền dạy.
Trong câu trên, “vì” là quan hệ từ thể hiện mối quan hệ mối quan hệ nguyên nhân – kết quả (nguyên nhân khiến thấy giáo ngạc nhiên là vì thấy Nam thông thạo các môn võ).
Dạng 2: Điền quan hệ từ/cặp quan hệ từ thích hợp
Với dạng bài này, học sinh xem xét nội dung và ý nghĩa mà câu văn nói đến để lựa chọn quan hệ từ hoặc cặp quan hệ từ phù hợp.
VD: Bông hoa hồng và hoa cúc đều đã héo rũ.
Ở câu trên, ta sử dụng quan hệ từ “và” để thể hiện mối quan hệ ngang bằng giữa “hoa hồng” và “hoa cúc”.
Dạng 3: Đặt câu với quan hệ từ/cặp quan hệ từ cho trước
Phần này chúng ta cần nhận biết được quan hệ từ hay cặp quan hệ từ biểu thị ý nghĩa gì trong câu phù hợp với câu văn/đoạn văn được đưa ra.
VD: Giá mà mùa hè đã đến thì chúng tôi nhất định sẽ đi biển.
Như vậy, ở bài giảng trên, cô Thu Hoa đã giúp học sinh lớp 5 xác định được các quan hệ từ, cặp quan hệ từ trong câu và cách sử dụng chúng trong từng câu văn như thế nào để biểu đạt ý nghĩa sao cho hợp lý. Đây là phần kiến thức rất quan trọng trong môn Tiếng Việt lớp 5 mà học sinh cần nắm vững ngay từ bậc tiểu học để không lúng túng khi viết văn.
Đặc biệt với những bạn yêu việc viết văn, mong muốn có được những bài tập làm văn hay, giàu cảm xúc thì càng phải luyện tập đến nhuần nhuyễn cách sử dụng các cặp từ quan hệ này.