Một bộ phận nhỏ người dân gặp khó khăn khi quét NFC trên CCCD gắn chip. Điều này khiến cho quá trình xác thực sinh trắc học không thể hoàn thành.
Theo Quyết định 2345 của Ngân hàng Nhà nước, từ ngày 1/7, các giao dịch chuyển tiền trực tuyến trên 10 triệu đồng một lần hoặc lũy kế trên 20 triệu đồng một ngày sẽ phải xác thực khuôn mặt. Quá trình xác thực này sẽ được so sánh với cơ sở dữ liệu tập trung về dân cư nhằm đảm bảo an toàn và bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng.
Thời gian qua, các ngân hàng và ví điện tử đã thúc giục người dùng xác thực tài khoản của mình. Người dùng có thể thực hiện xác thực thông tin trên điện thoại qua ba bước đơn giản: chụp ảnh mặt trước và sau của căn cước công dân (CCCD) gắn chip; quét NFC trên CCCD gắn chip; sau đó quét khuôn mặt và xác thực.
Dù quá trình này khá đơn giản và nhanh chóng, một số người dùng vẫn gặp khó khăn khi quét NFC trên CCCD gắn chip, khiến xác thực sinh trắc học không thể hoàn thành.
Ông Huy Nguyễn, nhà sáng lập startup Phygital Labs, chuyên nghiên cứu giải pháp ứng dụng NFC để định danh số, cho biết về mặt kỹ thuật, NFC là chip “tĩnh” và không tự phát tín hiệu, chỉ được “đánh thức” khi tích điện từ trường.
NFC (Near-Field Communications) là công nghệ kết nối không dây, sử dụng cảm ứng từ trường để kết nối các thiết bị điện tử như điện thoại thông minh hay máy tính bảng với chip NFC trên một số đồ vật.
“Các smartphone có thể đọc chip là do có tích hợp đầu đọc chip trong phần cứng. Tùy vào hệ điều hành, các smartphone sẽ có cách đọc chip khác nhau như đọc trực tiếp trên thiết bị hoặc cài thêm phần mềm hỗ trợ”, ông Huy chia sẻ.
Xem thêm >> Xác thực sinh trắc học: Từ hôm nay 1/7/2024 chuyển tiền trên 10 triệu đồng.
Có hai yếu tố chính ảnh hưởng đến quá trình quét NFC là vấn đề kỹ thuật và hành vi của người dùng. Về mặt kỹ thuật, lỗi chip rất ít khi xảy ra. Thay vào đó, việc người dùng chưa hiểu rõ vị trí đặt chip và cách quét NFC là nguyên nhân chính gây ra lỗi.
Để quá trình quét NFC thành công, người dùng cần cố định chip trên CCCD đúng vị trí đọc của smartphone, giữ thiết bị đủ gần và đủ lâu để điện thoại có thời gian đọc. Việc liên tục di chuyển CCCD sẽ làm quá trình kết nối bị ngắt quãng, gây ra lỗi không thể xác thực.
Trước tiên, người dùng cần xác định xem smartphone mình đang sử dụng có hỗ trợ NFC hay không. Hầu hết các smartphone thế hệ mới đều đã tích hợp NFC. Apple đã trang bị NFC trên các mẫu iPhone từ thế hệ iPhone 6. Trong khi đó, các mẫu smartphone tầm trung và cao cấp ra mắt từ năm 2018 cũng đã hỗ trợ NFC.
Tiếp theo, người dùng cần xác định vị trí đầu đọc chip NFC. Đối với iPhone từ thế hệ XS trở lên, đầu đọc chip NFC nằm ở khu vực mặt lưng, phần đầu, kế bên camera. Đầu đọc chip NFC trên iPhone được thiết lập mặc định ở chế độ bật, nên người dùng chỉ cần đưa CCCD lại gần để quét.
Đối với các smartphone Android, người dùng cần truy cập vào phần cài đặt thiết bị để bật tính năng NFC. Mỗi đầu đọc chip NFC trên smartphone Android có vị trí khác nhau, do đó người dùng cần tìm kiếm thêm thông tin từ nhà sản xuất.
Sau khi xác định được vị trí đầu đọc chip NFC, người dùng có thể tiến hành quét. Để quá trình diễn ra nhanh chóng, người dùng nên cố định CCCD lên một mặt phẳng, sau đó đưa điện thoại vào đúng vị trí đã xác định, giữ yên và chờ kết nối. Ngoài ra, người dùng cũng nên tháo ốp lưng hoặc các phụ kiện trên thiết bị để tránh gây ảnh hưởng đến quá trình kết nối.