áo trắng
Chương trình Bác Sĩ Vui Vẻ
Trang chủ PHONG CÁCH Sinh viên giao lưu tìm hiểu “Văn học Fantasy và Dịch thuật”

Sinh viên giao lưu tìm hiểu “Văn học Fantasy và Dịch thuật”

Tại Thư viện trường Đại học Tôn Đức Thắng đã diễn ra buổi giao lưu giữa các bạn sinh viên trường và dịch giả Phạm Thị Thùy Lê với chủ đề “Văn học Fantasy và Dịch thuật”. Buổi giao lưu do Chibooks cùng Thư viện trường Đại học Tôn Đức Thắng phối hợp tổ chức.

Buổi giao lưu có sự góp mặt của dịch giả Phạm Thị Thùy Lê, đại diện Chibooks  cùng sự hiện diện của các thầy cô và gần 100 bạn sinh viên.

Sinh viên giao lưu tìm hiểu “Văn học Fantasy và Dịch thuật”

Đông đảo sinh viên giao lưu tìm hiểu “Văn học Fantasy và Dịch thuật”

Vài nét về dịch giả Phạm Thị Thùy Lê

Dịch giả Phạm Thùy Lê hiện là hội viên Hội Nhà văn TP.HCM, là giảng viên thỉnh giảng thuộc Viện Ngôn ngữ trường Đại học Giao thông Vận tải TP.HCM. Chị bắt đầu tham gia công tác dịch thuật từ năm 2013. Trong hơn 10 năm miệt mài với công việc dịch thuật cùng hai bút danh: Thùy Lê và Trường An, dịch giả Phạm Thùy Lê đã góp phần đưa đến cho độc giả Việt Nam hàng chục tác phẩm văn học chất lượng của thế giới, đặc biệt là các bộ truyện fantasy dành cho thanh thiếu niên như: Rồng lửa Ferno (series Cuộc săn lùng quái vật), Bầy sói của thần Loki, Gút thủy triều… Các bộ truyện Fantasy do chị chuyển ngữ từ tiếng Anh đã giúp độc giả Việt Nam cập nhật các xu hướng sáng tác đương đại của thế giới cũng như có cơ hội thưởng thức, khám phá sâu rộng Fantasy – một trong những thể loại văn học rất được độc giả quốc tế yêu thích.

Bên cạnh đó, các bộ sách thiếu nhi, đặc biệt là sách song ngữ Anh – Việt do dịch giả Thùy Lê chuyển ngữ và biên soạn như: Chiếc gương thần kỳ, Ngưu Lang – Chức nữ, Ngôn ngữ loài chim, Lọ Lem, Chuyến tàu ngày Giáng sinh… không chỉ đem đến những món quà văn học đáng yêu, hấp dẫn cho các em nhỏ, mà còn giúp độc giả nhí rèn luyện tiếng Anh, tìm hiểu văn hóa Việt Nam cũng như văn hóa bốn phương theo cách thật tự nhiên và đầy thích thú.

Sinh viên giao lưu tìm hiểu “Văn học Fantasy và Dịch thuật”

Dịch giả Phan Thuỳ Lê (áo trắng) trả lời câu hỏi giao lưu của các bạn sinh viên

“Bật mí” về dòng sách văn học Fantasy

Trong buổi giao lưu, dịch giả Thùy Lê đã chia sẻ về cơ duyên đưa chị đến với nghề dịch thuật, trở thành dịch giả, diễn giả và có nhiều hoạt động trong lĩnh vực dịch thuật sách ngoại văn, đặc biệt là dòng sách văn học Fantasy.

Dịch giả Thùy Lê bén duyên với nghề sách là từ nghề biên tập và bắt đầu được trao cơ hội dịch cuốn sách đầu tiên có tên gọi là “Triệu hồi” – thuộc bộ sách Sức mạnh hắc ám, do Chibooks phát hành, kể từ đó dịch giả đã biết mình có duyên với nghề dịch thuật và vẫn tiếp tục theo nghề. Dịch giả Thùy Lê cùng chia sẻ những thú vị và khó khăn trong nghề dịch thuật, chị cho biết thêm: Trong thời đại 4.0, mặc dù các bạn trẻ đã có được rất nhiều sự hỗ trợ của công nghệ như AI, ChatGPT, Google Dịch… nhưng các bạn cũng đừng nên ỷ lại, phụ thuộc quá nhiều, mà hãy dùng chính những công nghệ đó để hỗ trợ cho các bạn trong quá trình dịch thuật, hãy nhờ sự trợ giúp của công nghệ một cách có chọn lọc, sử dụng công nghệ một cách thông minh.

Dịch giả Thùy Lê cũng có đôi lời nhắn với các bạn sinh viên là nên dùng tên thật của mình trên các tác phẩm do mình tạo ra vì theo kinh nghiệm của chị thì tên thật của tác giả hay dịch giả cũng chính là độ nhận diện thương hiệu, để người đọc có quyết định mua tác phẩm của mình hay không. Và chị cũng cho biết thêm, là với mỗi phong cách dịch sát nghĩa hay dịch phóng tác thì đều có những đối tượng độc giả khác nhau, nên lựa chọn dịch theo phong cách như thế nào là phụ thuộc vào các bạn.

Sinh viên giao lưu tìm hiểu “Văn học Fantasy và Dịch thuật”

Sinh viên giao lưu đặt câu hỏi tìm hiểu “Văn học Fantasy và Dịch thuật”

XEM THÊM>>Sách hay về “câu view” của một nhà báo

Khi muốn viết một tác phẩm thì nên bắt đầu từ đâu?

Trong buổi giao lưu có một số câu hỏi rất ấn tượng được các bạn sinh viên đặt ra cho dịch giả Thùy Lê, cụ thể là “Làm thế nào để dung hòa được đam mê viết lách, dịch thuật của bản thân và ý kiến của gia đình?”, và dịch giả Thùy Lê đã định hướng cho các bạn hãy thông cảm cho những lo lắng của phụ huynh, hãy kiên trì theo đuổi đam mê và đạt được thành quả, để gia đình thấy được thành quả đó của mình, đó chính là sự khẳng định.

Để trả lời cho câu hỏi “Có nên đọc trước tác phẩm một lượt rồi mới dịch hay không?” thì dịch giả Thùy Lê cho biết để chuyển ngữ chính xác và đúng nhất thì trước hết nên đọc review sách trên các trang mạng xã hội, sau đó là đọc hết một lượt để nắm được các ý chính rồi mới bắt đầu dịch, và bên cạnh đó, trước khi xuất bản một cuốn sách thì người đồng hành với mình là các biên tập viên, mình phải phối hợp với các biên tập viên thật chặt chẽ để cho ra mắt một tác phẩm tốt nhất.

Dịch giả Thùy Lê khuyên các bạn hãy kiên nhẫn và kiên định với những lựa chọn của bản thân thì mình sẽ gặt hái được thành công.

“Khi muốn viết một tác phẩm thì nên bắt đầu từ đâu?” là câu hỏi của một bạn sinh viên gửi đến cho dịch giả Thùy Lê. Hãy bắt đầu từ một fanfic về một nhân vật nào đó mình thật sự yêu thích, nhưng lại có cái kết không như ý muốn của mình trong những tác phẩm nào đó mà mình đã đọc.

Các bạn hãy cứ viết theo sở thích rồi lâu dần nó sẽ trở thành thói quen, và sau đó việc bắt đầu viết một tác phẩm mới không còn là khó khăn với bạn – dịch giả Thùy Lê chia sẻ.

Dịch giả Phan Thuỳ Lê giao lưu của các bạn sinh viên

Dịch giả Phan Thuỳ Lê (áo trắng)

Hy vọng với những chia sẻ chân thành từ dịch giả Phạm Thị Thùy Lê, các bạn sinh viên sẽ có được cái nhìn sâu sắc hơn về công việc dịch thuật, cũng như hiểu hơn về phong cách dịch của dịch giả Phạm Thị Thùy Lê.

Nguồn: Chibooks
CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU TƯ BRIGHT STAR
Điện thoại/Fax: 028.62966189
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Đoàn Lê Khang
Địa chỉ: 4/6b Văn Chung, Phường 13, Q.Tân Bình, TP.HCM
LIÊN HỆ
Hotline: 0908 942 789
Email: brightstar24h@gmail.com