Đi làm thêm khi đang còn học đại học được nhiều sinh viên quan tâm vì có được nhiều kỹ năng hữu ích trong cuộc sống, khám phá học hỏi, thử sức với những điều mới và trang trải một phần nào chi phí. Cân bằng được việc học và làm thêm là một điều không dễ dàng, nếu không khéo sẽ ảnh hưởng đến kết quả học tập và nhiều hệ lụy khác. Mời quí vị cùng theo dõi những Câu chuyện cuộc sống thú vị tuần này…
Sinh viên có nên vừa học vừa làm?
Chị Trần Thị Hân (Quận 2,TP. HCM) cho biết: “Muốn có thêm thu nhập nên tôi chọn vừa đi học và đi làm, phần thì giúp gia đình, phần thì giúp tôi có thêm kinh nghiệm”. Anh Phan Thanh Trường (Quận 9, TP. HCM) chia sẻ thêm “Khi lên đại học tôi cảm thấy cần phải giúp cha mẹ nhiều hơn, chi phí trên đây rất cao, nên tôi chọn vừa học, vừa làm”.
Thạc sĩ Phạm Thị Ngọc Hương (Chuyên gia nhân sự) cho biết: “Vừa học, vừa làm có những lợi ích cho sinh viên như giải quyết về vấn đề kinh tế, học phí, rèn luyện kỹ năng mềm, tiếng Anh và khả năng làm việc nhóm. Nên chọn làm thêm với các công việc phù hợp với chuyên ngành để có được kỹ năng làm việc thực tế”.
Thạc sĩ Bùi Vĩnh Nghi, chuyên gia tâm lí cho biết: “Có một số lưu ý nhỏ giúp các bạn cân bằng giữa việc học và việc làm, thứ nhất chúng ta không nên cuốn vào đi làm rồi bỏ học, và nên lựa chọn công việc gần với ngành nghề học của chúng ta, có thể áp dụng việc học thực tiễn trên lớp vào công việc mà vẫn có thêm thu nhập. Chúng ta nên nhớ rằng, việc làm thêm chỉ giúp ta có thêm kỹ năng mềm như giao tiếp xử lý tình huống và tư duy sáng tạo”.
Việc làm thêm không chỉ giúp trau dồi thêm kinh nghiệm mà còn giúp áp dụng các kiến thức trên sách vở vào thực tế, còn là nguồn thu nhập hàng tháng hỗ trợ một phần cho gia đình. Vừa học, vừa làm được khuyến khích nhưng các bạn sinh viên phải hiểu, chỉ khi các bạn biết cách cân bằng việc học và làm, an toàn cho bản thân thì hãy tham gia.
“Bệnh lười” và câu chuyện gắn kết ở gia đình trẻ
Các gia đình trẻ, đặc biệt là những người mới kết hôn có con sớm phải đối mặt những thách thức từ cuộc sống, áp lực công việc và những vấn đề khác. Trong đó có sự phụ thuộc vào công nghệ, dịch vụ, vô tình tạo ra căn bệnh lười ở một số gia đình trẻ, lâu dài sẽ tạo ra những vấn đề không tốt, đặc biệt là sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình.
Trở về nhà sau một thời gian làm việc, nhiều gia đình không muốn làm thêm bất cứ công việc nào, sự mệt mỏi muốn nghỉ ngơi khiến cho họ không muốn làm các công việc nhà, kể cả việc nấu một bữa cơm.
Anh Trần Ngọc Hoàng (Quận 8, TP.HCM) cho biết: “Về tới nhà cũng tối rồi, ai cũng mệt và vợ chồng tôi thường rủ ra ngoài ăn, riết cũng trở thành thói quen, đến khi có thời gian cuối tuần thì vẫn lười, nên muốn có thời gian để nghỉ ngơi”.
Bệnh lười xuất hiện tác động đến nhiều gia đình trẻ bởi nhiều yếu tố khác như: áp lực công việc, các khoản nợ, chi phí hàng tháng…khiến họ phải dành rất nhiều thời gian và sức lực cho các hoạt động đó. Ngoài ra các dịch vụ hiện đại cũng là yếu tố góp phần tạo ra bệnh lười như giao đồ ăn nhanh, thuê người dọn dẹp, có thể giúp các công việc được thực hiện dễ dàng nhưng cũng đồng thời làm giảm đi sự cố gắng của các thành viên trong gia đình.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Vui, Trường Đại học KHXH&NV TP.HCM, cho biết: “Về lâu dài sẽ biến thành nếp sống và gây ra hệ lụy rất lớn, thứ nhất bản thân của người lười biếng trong gia đình thì sẽ không tìm được cảm giác hạnh phúc, thứ hai khi quen với nếp sống lười biếng, họ cũng tự cho bản thân có quyền lợi là được vô trách nhiệm, tôi không cần có nghĩa vụ gì với gia đình, nhà chỉ là nơi để về”.
Hệ lụy của căn bệnh lười biếng khi một gia đình không sinh hoạt và tương tác cùng nhau thì những nét văn hóa riêng, đặc thù riêng trong gia đình sẽ không có cơ hội để phát triển, những trẻ em được sinh ra trong gia đình này sẽ không biết được các chuẩn mực, cách thức để tương tác và gây ra những vấn đề lớn cho trẻ sau này.
Để bệnh lười không còn xuất hiện trong gia đình, việc thiết lập kế hoạch là rất quan trọng. Mỗi gia đình cần đề ra các mục tiêu kế hoạch hàng ngày, hàng tuần, thậm chí là hàng tháng hoặc thực hiện các hoạt động gia đình vào cuối tuần sẽ tạo cơ hội để tăng cường và tương tác giữa các thành viên, không chỉ chống lại bệnh lười mà còn mang lại cảm giác ấm áp trong gia đình.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Ngọc Vui, Trường Đại học KHXH&NV TP.HCM, cho biết: “Khi chúng ta dành quá nhiều thời gian cho các công việc trong tuần, thì chúng ta phải nghĩ là những ngày cuối tuần phải dành cho gia đình, đồng thời cũng là ngày phục vụ cho bản thân sức khỏe chúng ta”.
Bên cạnh đó chúng ta cần phải tạo ra một không gian thoải mái cho gia đình như các hoạt động cùng nhau xem phim, đọc sách, một cách tự nhiên có thể giúp làm giảm căng thẳng và tránh tác động từ những yếu tố khác.
Ranh giới giữa “kém duyên” và “hài hước”
Hài hước có thể nói là một ưu điểm lớn trong cuộc sống, không phải ai cũng có được và một người hài hước sẽ luôn mang lại năng lượng tích cực cho những người xung quanh. Tuy nhiên để sự hài hước đi quá giới hạn và không biết cách kiểm soát, nhiều người biến hình ảnh bản thân mình trở nên kém duyên, và đâu là ranh giới giữa “kém duyên” và “hài hước”?, chúng ta cần làm gì để kiểm soát, điều chỉnh bản thân mình cho phù hợp?
Để tạo không khí vui vẻ và thoải mái, anh A.T ở TP.HCM, thường có thói quen và chọc giỡn với mọi người trong nhóm và luôn là tâm điểm làm cho mọi người vui và thoải mái, tuy nhiên có những lúc anh T khiến mọi người khó chịu với trò đùa quá trớn của mình.
“Có một lần tôi đã lấy ngoại hình của một bạn trong nhóm ra đùa giỡn và bạn đó không nói gì hết, nhưng khi về nhà bạn ấy đã chặn hết tin nhắn của mọi người và không bao giờ liên lạc với tôi nữa, tôi cảm thấy rất có lỗi với bạn đó”, anh A.T cho biết.
TS Nguyễn Thị Vân, chuyên gia tâm lý chia sẻ: “Bối cảnh chúng ta tạo ra sự hài hước có phù hợp hay không, như một bầu không khí nghiêm trang mà tạo ra một yếu tố “hài hước” thì điều đó là “kém duyên”. Phải quan tâm đến đặc điểm tâm sinh lý của đối tượng để biết được sự hài hước của mình phù hợp hay kém duyên.”
Người hài hước, là người có thể tạo ra tiếng cười một cách tự nhiên và tích cực, bằng cách sử dụng lời nói hoặc hành động để làm cho bầu không xung quanh mọi người cảm thấy vui vẻ, thoải mái. Mặt khác, một người trở nên kém duyên khi không nhận ra ranh giới của sự hài hước và đùa giỡn quá trớn, họ thiếu sự nhạy cảm và thường không chú ý đến cảm xúc của mọi người.
Chị Lưu Thị Thu Lan (TP.HCM) cho biết: “Mình từng bị giỡn kém duyên, người đó liên tục lấy chuyện tình cảm vừa mới đổ vỡ của mình ra đùa giỡn, mình không hiểu tại sao làm như vậy và dần dần mình không còn tiếp xúc nữa, mặc dù cả hai rất thân”.
Thực tế có những người lấy điểm yếu của người khác ra đùa giỡn, cho rằng mình đang tạo ra không khí vui vẻ. Tuy nhiên gây ra nhiều hệ lụy làm cho người khác khó chịu, bị xúc phạm và không được tôn trọng. Ngoài ra những trò đùa kém duyên sẽ khiển hình ảnh của bản thân bị xấu đi trong mắt người khác. Do đó việc nhận biết và tránh các trò đùa kém duyên là rất quan trọng để giúp không khí trở nên vui vẻ, mọi người gia tăng sự tự tin tích cực trong vấn đề nhắc đến thì chúng ta mới tạo nên một không khí hòa hợp với tất cả mọi người.
Câu Chuyện Cuộc Sống phát sóng vào lúc 19:50 Thứ Ba, Thứ Năm và Thứ Sáu hàng tuần trên kênh THVL1.