Học trí tuệ cảm xúc để làm chủ bản thân
Khi nhà hàng ở TP Hạ Long (Quảng Ninh) phá sản chỉ sau 6 tháng hoạt động, Đức Duyệt chìm sâu trong tuyệt vọng, “cảm thấy cuộc sống không còn niềm vui”.
Bốn năm trước, người đàn ông 40 tuổi buông xuôi mọi thứ, quay về Hà Nội làm việc văn phòng. Duyệt bắt đầu quát tháo, cãi vã và hời hợt với vợ con. Mỗi tối, anh giết thời gian bằng cách xem phim kiếm hiệp, uống nhiều rượu và hút thuốc.
Một buổi sáng năm 2022, sau chầu nhậu say bí tỉ, anh nhìn mình thật lâu trong gương và nhận ra mình đã biến thành một “kẻ xa lạ” với hốc mắt hõm sâu, môi tái nhợt, mệt mỏi. “Tôi nhận ra mình đã trôi quá xa rồi”, anh nói. “Chất lượng sống đã tệ, mối quan hệ xung quanh còn tệ hơn”.
Trong lúc bế tắc, Duyệt tình cờ đọc thông tin về khóa học về trí tuệ cảm xúc (EQ), dành cho những người đang bất ổn nội tâm. Anh đăng ký khóa dài 21 ngày, giá hơn ba triệu đồng.
Buổi đầu tiên, anh thức dậy lúc 5h sáng, ngồi trước màn hình máy tính để tham gia lớp có 500 người tham dự. Trong đó, không ít người giống Duyệt, cô đơn, bế tắc, đau khổ, bị tác động tâm lý trong cuộc sống. Cả lớp thực hành ngồi yên trong 20 phút, hình thành năng lực không phản ứng trước những bất như ý xảy đến trong đời.
Duyệt nói đây là lần đầu tiên anh quan sát nội tâm mình, dừng không suy nghĩ về khổ đau và kềm chế cảm xúc tức giận. Hiệu quả được cảm nhận bởi vợ anh. Người đàn ông đã bớt hẳn những lời nóng giận, la mắng con, lườm nguýt người thân sau gần một tháng thực hành ứng xử.
Anh Duyệt trong lớp học trí tuệ cảm xúc ở Hà Nội, tháng 6/2023. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Khóa học của Duyệt có trọng tâm về Emotional Intelligence (EQ) – trí tuệ cảm xúc. Năm 1995, nhà tâm lý học người Mỹ Daniel Golema đã định nghĩa khái niệm EQ là khả năng nhận diện, hiểu và quản lý cảm xúc của chính mình và người khác. Đây là biểu hiện của người biết làm chủ cảm xúc để giảm căng thẳng, xung đột và giao tiếp hiệu quả trong xã hội.
Khảo sát của phóng viên VnExpress ghi nhận, trong hai năm qua ở riêng TP HCM và Hà Nội đã có hơn chục cơ sở chuyên đào tạo về trí tuệ cảm xúc (EQ) ra đời. Học phí mỗi khóa dao động từ 800.000 đến 10 triệu đồng, tùy theo nội dung, thời gian.
Các khóa học có hình thức trực tuyến lẫn trực tiếp. Giảng viên là chuyên gia tâm lý được cấp chứng chỉ ở Six Seconds – tổ chức nghiên cứu và giảng dạy về EQ có trụ sở California, Mỹ.
Tổ chức giáo dục phi lợi nhuận Seroto Foundation cho biết họ cung cấp các khóa về EQ từ năm 2022, dựa trên nhu cầu khách hàng là người gặp vấn đề về giao tiếp, tâm lý và hành vi trong cuộc sống.
Khách hàng của họ là những người dễ nổi nóng với người thân, khó khăn kết nối với đồng nghiệp, bất an, không tự tin, cảm thấy cuộc sống vô vị, mất năng lượng. Tính đến tháng 6/2024, đơn vị này có hơn 22.000 khách hàng, đa số trong lĩnh vực giáo dục, viễn thông, ngân hàng.
Công ty đào tạo và khai vấn trí tuệ cảm xúc EQV nói lượng khách hàng tăng hơn 10 lần trong vòng hai năm qua, đa số ở độ tuổi 18-40, đặc biệt ở tệp khách hàng Gen Z, họ thường thấy mông lung, mất định hướng, không có nội lực vững vàng.
Chị Thủy Nguyễn, đại diện đơn vị cho biết nhu cầu trên bùng nổ trong bối cảnh sau đại dịch Covid-19, biến động cuộc sống làm con người hướng về bên trong nhiều hơn.
“Họ muốn kết nối với bản thân mình và cải thiện những mối quan hệ xung quanh”, chị Thủy nói. Ngoài khách hàng cá nhân, doanh nghiệp cũng có nhu cầu cao về EQ. Họ muốn giải quyết những bài toán mâu thuẫn nội bộ, tạo dựng sự hợp tác làm việc dựa trên sự thấu hiểu cảm xúc của đồng nghiệp, cấp trên và cấp dưới.
Khảo sát của Six Seconds cũng cho điểm trí tuệ cảm xúc toàn cầu đã giảm liên tục trong bốn năm, trung bình 5,54%. Đặc biệt, Gen Z đang đối mặt với cuộc khủng hoảng sức khỏe tinh thần do cô đơn và giãn cách xã hội. Ở nơi làm việc, 53,7% Gen Z cảm thấy không hài lòng.
Hậu đại dịch, tình trạng mệt mỏi tăng lên trong 65% ở mọi ngành. Điểm trí tuệ cảm xúc không phân bố đồng đều trên toàn thế giới, trong đó, châu Á đang ở mức thấp nhất.
Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Đào Lưu, giảng viên khoa Xã hội và nhân văn, Đại học Văn Lang, nói cảm xúc là khía cạnh trò quan trọng trong đời sống con người. Nó có khả năng chi phối rất lớn đến hành vi và nhận thức của cá nhân trong mọi tình huống giao tiếp, ứng xử. Do đó, hiện tượng người tìm đến khóa học trí tuệ cảm xúc là tín hiệu đáng mừng, cho thấy sự cần thiết của việc học giao tiếp, ứng xử, tích lũy thêm kỹ năng sống.
Chị Trần Thị Hương, giáo viên trường THPT ở Nam Định, thừa nhận mình có những ngày rất chông chênh. Chị gặp biến cố lớn trong gia đình, thường xuyên có những ngày đến trường dạy mà “hoàn toàn không cảm xúc”.
Hương tham gia khóa học EQ để tìm hiểu chính mình và phân tích các nguyên nhân. Chị được hướng dẫn để chấp nhận vô thường/những điều bất như ý luôn xảy ra trong cuộc sống.
Một lớp học trí tuệ cảm xúc ở TP Thủ Đức, TP HCM, tháng 5/2024. Ảnh: Ngọc Ngân
Tương tự với Thu Hiền, 40 tuổi, giáo viên mầm non ở TP HCM. Bốn năm trước, mỗi ngày thức dậy với chị là cực hình, bởi mất động lực sống. Chị khó tính với người thân, thừa nhận mình từng đóng vai “nạn nhân” đòi hỏi người khác đáp ứng mình. Lâu dần, người xung quanh sợ nên tránh xa, Hiền mất kết nối với họ.
Mọi chuyện tệ dần cho đến lúc chị tình cờ phát hiện khái niệm chỉ số cảm xúc, chị tìm một khóa học online dài 210 phút và áp dụng vào cuộc sống. “Hạnh phúc hay khổ đau do thái độ của mình với cuộc đời”, Hiền nói. “Tôi cảm thấy mình bình an hơn”.
Bà Lưu cho biết việc học trí tuệ cảm xúc là cần thiết nhưng người tham gia cần cân nhắc lựa chọn những khóa học uy tín, giảng viên có chuyên môn chứ không phải chạy theo trào lưu để học cho có.
Quan trọng, người học phải xác định được lý do, mục đích và khả năng của bản thân để có hiệu quả. Ngoài ra, chuyên gia gợi ý người gặp các vấn đề về EQ cũng có thể tham gia sinh hoạt ở các nhà văn hóa, câu lạc bộ, tăng cường đọc sách cũng là cách rèn luyện.
Phượng Vy, 27 tuổi, từng tham gia work shop về EQ với mong muốn kết nối nhiều hơn với đồng nghiệp. Vy gặp khó khăn trong cách làm việc nhóm, vài lời nói đùa của cô khiến họ phật lòng. Cô nhận ra mình sẽ khó thăng tiến và hòa đồng với mọi người nếu giữ tính cách này.
Tuy nhiên, Vy cảm thấy 90 phút là chưa đủ, cô dừng ở tìm hiểu khái niệm, thay đổi một số nhận thức. Còn lại, nữ nhân viên văn phòng vẫn lúng túng trong cách thực hành.
“Tôi nghĩ mình cần thêm nhiều trải nghiệm và thời gian”, Vy nói.