Học phí Đại học công lập lên tới con số trăm triệu
Theo Nghị định 60/2021/NĐ-CP, các trường đại học công lập được trao quyền tự quyết trong việc sử dụng nguồn thu và quản lý chi tiêu, giúp tăng cường tính chủ động và giảm sự phụ thuộc vào ngân sách nhà nước. Điều này cho phép các trường đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu, từ đó cải thiện vị thế trên các bảng xếp hạng quốc tế.
Đồng thời học phí trở thành nguồn thu chính giúp các trường duy trì và phát triển. Điều này lý giải sau khi được trao quyền tự chủ tài chính, nhiều trường đại học đã phải tăng học phí để bù đắp cho những chi phí vận hành ngày càng tăng cao.
Chẳng hạn, trường Đại học Luật TP.HCM đã điều chỉnh học phí cho giai đoạn 2024 – 2027, phù hợp với mức độ tự chủ tài chính. Học phí chương trình đại trà dao động từ 35 – 37 triệu đồng/ năm, học phí chương trình chất lượng cao là khoảng 50 – 70 triệu đồng/ năm. Riêng chương trình chất lượng cao giảng dạy bằng tiếng Anh (chỉ tiêu khoảng 20 sinh viên) có mức học phí lên đến 200 triệu/ năm.
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM (ĐH KHXH&NV, ĐHQG TPHCM) đã tăng học phí đáng kể sau khi thực hiện cơ chế tự chủ tài chính, từ 271.000 đồng/chỉ năm 2021 lên 700.000 – 900.000 đồng/chỉ với năm học 2024 – 2025. Đối với chương trình chất lượng cao, học phí lên tới 60 triệu đồng/năm.
XEM THÊM>>Học Ngữ văn thế nào để chinh phục chương trình Giáo dục phổ thông mới?
Chất lượng có được cải thiện nhanh như tốc độ tăng học phí?
Cơ sở vật chất là một trong những yếu tố tác động đến chất lượng học tập. Là khóa đầu tiên trường đại học KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM) tự chủ tài chính, Hưng Đoàn (sinh viên năm 3) chia sẻ có áp lực về mức học phí mới. Tuy nhiên, cơ sở vật chất của trường đáp ứng tốt cho quá trình học tập. Lắp máy lạnh ở một số tòa nhà (tòa B1, B4) cũng giúp không gian học thoải mái hơn, đặc biệt là những ngày Hè quá nhiệt.
Về phía các trường đại học, tự chủ tài chính tạo nhiều cơ hội để các trường tự nâng cấp cơ sở vật chất, đầu tư vào đội ngũ giảng viên. Tuy nhiên, từ góc độ người học, vẫn có rất nhiều lí do khiến sinh viên băn khoăn việc bỏ số tiền lớn có xứng đáng với chất lượng đào tạo. Việc tăng học phí cũng đặt ra thách thức về bình đẳng trong tiếp cận giáo dục đại học.
Minh Hà (sinh viên năm 3, trường ĐH Luật TP.HCM) cho biết: việc so sánh giữa tài chính gia đình và học phí là yếu tố đầu tiên Hà và gia đình cân nhắc khi chọn lựa các trường. Gia đình có thu nhập trung bình khiến Hà luôn áp lực trước mỗi kỳ thi để giành được học bổng. “Nếu không thể hoàn thành tốt các kỳ thi và mất học bổng, bố mẹ sẽ phải rất vất vả để chuẩn bị học phí cho mình. Các khoản hỗ trợ tài chính bên ngoài đều rất hạn chế bởi mình không thuộc diện gia đình chính sách hay có hoàn cảnh đặc biệt“, Hà chia sẻ thêm.
Hải Đăng (lớp 12 trường THCS Lương Văn Chánh, Phú Yên) chia sẻ: khi đi nghe tư vấn tuyển sinh, bạn cảm thấy chưa được giải thích thỏa đáng, rõ ràng về lý do học phí tăng cao. Chẳng hạn, khi nghe giới thiệu về ngành Quan hệ Quốc tế tại trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TP.HCM), Đăng được giới thiệu các chuyến study tour (học tập kết hợp thăm quan, khảo sát, trao đổi kinh nghiệm) sẽ được trường đài thọ chi phí. “Nhưng cụ thể chuyến đi thế nào, các chi phí phát sinh, quyền lợi của sinh viên là gì… thì mình lại chưa được trả lời đầy đủ“, Hải Đăng bày tỏ.