áo trắng
Trang chủ Học đường Từ cách thi, nhìn lại hiệu quả đổi mới chương trình, SGK

Từ cách thi, nhìn lại hiệu quả đổi mới chương trình, SGK

Thay đổi của đề trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi vào lớp 10 tại nhiều địa phương, đặc biệt là hai thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM cho thấy một mặt cần đánh giá lại cách thi, chương trình, sách giáo khoa, mặt khác cần nhìn nhận đầy đủ về đổi mới cách dạy học, cả hướng đi đúng và những điều còn lệch lạc.

DẠY VÀ HỌC NHỮNG THỨ CẦN, GẦN VỚI CUỘC SỐNG

Đề thi toán trong 2 kỳ thi lớn là thi vào lớp 10 và tốt nghiệp THPT 2025 được giáo viên (GV) nhận định là có yếu tố tích hợp, sử dụng bối cảnh có ý nghĩa gắn với hình ảnh, tình huống thực tiễn trong đời sống, khoa học và công nghệ chiếm tỷ trọng lớn… Để sẵn sàng cho các kỳ thi năm 2026, nhà trường cần xây dựng kế hoạch học tập, ôn luyện bài bản ngay từ sớm, bao gồm việc củng cố nền tảng kiến thức, rèn luyện tư duy logic, năng lực đọc hiểu và kỹ năng giải quyết vấn đề.

Đổi mới chương trình giáo dục và sách giáo khoa trong kỳ thi tốt nghiệp THPT - Ảnh 1.

Cách ra đề thi tốt nghiệp THPT như năm 2025 đặt ra vấn đề thay đổi cách dạy và học trong trường phổ thông theo đúng tinh thần Chương trình GDPT mới

ẢNH: TUẤN MINH

Thầy Nguyễn Bá Tuấn, GV Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội), cho rằng các trường đã có sự chuẩn bị sau khi có đề minh họa và đề thi chính thức càng thúc đẩy thầy trò tiếp tục đổi mới vì biết rằng điều đó là đúng hướng. Phần phân hóa cao, theo thầy Tuấn, không phải khó đến mức không có học sinh (HS) nào làm được mà phân hóa ở mức HS thực sự xuất sắc mới làm được. Đề thi mà quá nhiều điểm 10 cũng không ổn lắm.

Với yêu cầu của cách thức ra đề mới, thầy Tuấn nhận định cần trang bị cho HS kỹ năng đọc hiểu và xử lý thông tin; tư duy logic và phân tích tình huống cũng như năng lực vận dụng kiến thức vào thực tiễn mới có thể xử lý tốt. Ngoài ra, các câu hỏi thuộc 2 phần này có mức độ phân hóa tốt, đòi hỏi người học nắm vững kỹ năng, nền tảng kiến thức tốt, biết cách kết nối kiến thức trong các mạch kiến thức đã học để xử lý. Chú trọng phát triển năng lực tự học, tư duy phân tích, lập luận toán học và khả năng vận dụng kiến thức vào giải quyết các tình huống thực tiễn, bám sát yêu cầu tích hợp liên môn.

PGS Ngô Hoàng Long, Phó trưởng khoa Toán – tin, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, cho rằng với yêu cầu đánh giá năng lực của Chương trình GDPT 2018, môn toán cần trang bị cho HS năng lực giao tiếp với toán học. Cụ thể, HS phải đọc văn bản dài về toán, từ đó nhận biết, chắt lọc được những thông tin cần và từng bước xây dựng mô hình để giải quyết bài toán trong thực tế. Đây là nhiệm vụ mà Chương trình GDPT 2018 hướng đến.

Theo PGS Ngô Hoàng Long, chúng ta muốn phát triển năng lực của người học, muốn có kỳ thi đánh giá năng lực của người học thay vì kiểm tra kiến thức đơn thuần thì tất yếu phải có những bài toán, đề toán như vậy.

Ông Đàm Tiến Nam, Hiệu trưởng Trường THCS – THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội), phản ánh GV dạy toán của trường cho rằng đề thi không khó về kiến thức toán học. Nếu yêu cầu vẫn vậy nhưng giữ dạng bài tính toán đơn thuần thì các em sẽ làm được nhanh hơn, nhưng khi yêu cầu phải liên hệ thực tế thì các em sẽ thấy khó là do chưa thực sự quen. Đây là điều các nhà trường cần chú trọng hơn trong thời gian tới.

Bà Phạm Thùy Chi, thạc sĩ tâm lý giáo dục, chuyên viên hướng nghiệp, nhận định: “Kỳ thi cho thấy việc chuẩn bị năng lực, kỹ năng cho các em từ khi còn học THPT cho một thế giới nghề nghiệp đang thay đổi rất nhiều là điều vô cùng cần thiết. Có thể ở năm đầu tiên còn nhiều bỡ ngỡ với sự thay đổi, nhưng tôi tin vào các khóa sau, điều đó sẽ giúp các em xem lại việc học của mình và các trường cũng phải thay đổi lại cách dạy học”. Bà Chi khuyên HS thay vì chọn môn an toàn thì nên “học sâu”, bởi đây là cách để chúng ta giải quyết vấn đề.

Từ cách thi, nhìn lại hiệu quả đổi mới chương trình, SGK - Ảnh 1.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT 2025, kỳ thi đầu tiên theo chương trình mới

ảnh: Ngọc Dương

CHỈ HỌC SGK LÀ KHÔNG ĐỦ ?

Phân tích đề thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh vừa qua, cô Am Thùy Linh, GV tiếng Anh Trường THCS – THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), chỉ ra nếu chỉ học các bộ sách giáo khoa (SGK) tiếng Anh hiện hành thì không thể đáp ứng yêu cầu của đề thi. Vốn từ vựng mà đề thi yêu cầu lớn hơn nhiều so với vốn từ vựng mà HS được học trong SGK. Do vậy, theo cô Linh, vấn đề đặt ra là nếu cứ ra đề như vậy thì SGK có thay đổi hay không, bởi đến thời điểm hiện tại SGK vẫn là minh họa rõ nét nhất của chương trình.

Dù vậy, cô Linh khẳng định chỉ học SGK là không đủ. HS buộc phải mày mò nhiều hơn các tài liệu ngoài SGK. Với HS ở thành thị, có điều kiện thuận lợi thì điều này không quá khó khăn nhưng với HS nông thôn hoặc vùng sâu, vùng xa thì đây là điều không dễ dàng.

Thầy Nguyễn Bá Trường Giang, nhà sáng lập Trung tâm Anh ngữ The Ivy-League Vietnam, đặt câu hỏi: Liệu với đề thi này thì một HS chỉ học tiếng Anh vỏn vẹn theo chương trình SGK có thể làm được bao nhiêu phần trăm? Theo đánh giá của thầy Giang, đề thi có chất lượng ngôn ngữ cũng như độ khó tham khảo theo chuẩn CEFR (Khung tham chiếu năng lực ngoại ngữ chung châu Âu) và phổ từ vựng tương đối rộng, có thể khiến rất nhiều HS phổ thông lúng túng, kể cả những HS đã có thời gian ôn luyện thêm tiếng Anh mở rộng bên ngoài SGK.

Do đó, thầy Giang cho rằng cần đánh giá lại một cách toàn diện cả về khoa học ngôn ngữ và khoa học giáo dục để nâng cao chất lượng khảo thí trong tương lai. Cụ thể, cần tích hợp kiến thức đã học vào đề thi, thiết lập sự cân bằng giữa mức độ khó của đề thi và SGK để đảm bảo một HS chỉ học SGK cũng có đủ vốn từ và hiểu biết về ngữ pháp, thông tin khoa học, xã hội để có thể làm được ít nhất 70%.

TỰ HỌC, TỰ ĐỌC KHÔNG PHẢI LÀ “KHOÁN TRẮNG” CHO HS

Cô Phạm Hà Thanh, GV ngữ văn Trường THPT Lê Quý Đôn – Hà Đông (Hà Nội), chia sẻ: “Ngay cả GV chúng tôi khi tiếp cận tác phẩm mới cũng cần phải có thời gian để đọc, tìm hiểu bối cảnh ra đời, suy ngẫm thì mới cảm nhận sâu sắc được nên không thể đòi hỏi điều tương tự ở HS khi tiếp cận ngữ liệu hoàn toàn mới. Do vậy, GV không thể áp đặt cách đánh giá khắt khe theo chủ quan của mình trong quá trình dạy học và chấm bài theo cách ra đề mới”.

Cô Thanh và không ít GV nhìn nhận một trong những thay đổi lớn là trước đây thầy cô sử dụng cách dạy theo lối giảng văn, bình văn, giảng cho HS nghe về cái hay, cái đẹp của tác phẩm theo hiểu biết và cảm nhận của người dạy. Còn hiện tại, dạy ngữ văn là dạy cách đọc hiểu văn bản; GV tổ chức các hoạt động để HS tìm ra cái hay, cái đẹp của văn bản, tác phẩm theo cách nhìn, cách nghĩ, cách cảm… của HS.

Ngày 3.7, trong bài viết của mình về một số lệch lạc trong dạy học ngữ văn hiện nay, PGS Đỗ Ngọc Thống, Chủ biên Chương trình môn ngữ văn của Chương trình GDPT 2018, nêu một số cách hiểu và cách làm chưa đúng trong việc dạy học môn học này. Trong đó, có hiện tượng bỏ qua các tác phẩm trong SGK, coi nhẹ dạy nói và nghe. “Đây là một sai lầm. Vì trước hết các văn bản trong SGK là những văn bản tiêu biểu cho thành tựu văn học dân tộc và thế giới, rất hay và đúng thể loại, lại đã được các tác giả sách tuyển chọn. Nếu không lấy các văn bản trong SGK thì làm thế nào để dạy cho HS cách đọc hiểu?”, PGS Thống nêu vấn đề.

Một thực tế đáng lo ngại nữa mà ông chỉ ra là hiện tượng “khoán trắng” cho HS tự đọc và tự tiếp nhận. Điều này là không đúng, bởi trong dạy đọc hiểu, vai trò của GV vẫn hết sức quan trọng.

Cần đánh giá lại sau khi có kết quả thi

Theo TS Lê Viết Khuyến, Phó chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ VN, quá trình chuyển đổi cách ra đề thi tốt nghiệp THPT năm nay cho thấy thay đổi diễn ra quá nhanh, trong khi nền tảng (đổi mới dạy học) chưa được đảm bảo. Nhiều GV vẫn chưa thực sự hiểu rõ khái niệm “tiếp cận năng lực”, HS thì lúng túng trong chọn tổ hợp từ lớp 10, dẫn tới bị động trong ôn tập và thi cử.

“Chuyển chương trình thì đã làm, nhưng con người, phương pháp và điều kiện chưa chuyển kịp”, TS Khuyến nhận định. Dù vậy, ông cũng cho rằng không nên vì khó khăn ban đầu mà quay lại lối mòn cũ. Cần tổng kết ngay sau có kết quả của kỳ thi, đánh giá cả chương trình, SGK, đội ngũ GV và đặc biệt là năng lực tiếp nhận của HS.

Nguồn: thanhnien.vn
CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU TƯ BRIGHT STAR
Điện thoại/Fax: 028.62966189
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Đoàn Lê Khang
Địa chỉ: 4/6b Văn Chung, Phường 13, Q.Tân Bình, TP.HCM
LIÊN HỆ
Hotline: 0908 942 789
Email: brightstar24h@gmail.com