Mỗi khi lương về, Bảo Quỳnh đều rút toàn bộ thành tiền mặt, phân bổ chi tiêu theo tháng, tuần, để tránh ‘vung tay quá trán’.
Bảo Quỳnh (chủ tài khoản TikTok ssuamaccan) đang gây chú ý trên nền tảng mạng xã hội này với loạt video phân bổ ngân sách chi tiêu theo từng tuần, tháng, thu hoạch tiết kiệm; có video thu hút hơn 1,5 triệu lượt xem. Điểm chung của các video xoay quanh việc Quỳnh dùng tiền mặt để phân bổ ngân sách. Bên dưới các video, không ít người bình luận: “Thấy video cũng hữu ích. Việc bạn tiết kiệm chi tiêu với quản lý tiền khá hay”, “Xem cuốn”, “Có dư như bạn là giỏi lắm rồi, mình toàn âm tiền”… Nhưng Quỳnh thi thoảng cũng gặp ý kiến trái chiều như “Lương ít mà rườm rà”. Khi đó cô cho biết việc phân bổ tiền là điều mình thích làm, giống chơi đồ hàng và không quá tốn thời gian.
Nói về thói quen tiêu tiền mặt, Bảo Quỳnh nhận thấy đây là sự chuyển đổi cần thiết. Bởi khi dùng thẻ hoặc chuyển khoản, mỗi tháng cô chỉ có thể đủ tiêu hoặc âm tiền, chứ không để ra được đồng nào. “Vì con số trong thẻ khiến mình muốn chi tiêu nhiều hơn, nghĩ là tiền còn nhiều, nốt lần này thì vẫn còn thừa. Hoặc tới cuối tháng thấy còn tiền lại nghĩ để thưởng cho bản thân“, Quỳnh nói. Đến khi dùng tiền mặt để chi trả mọi khoản trong cuộc sống, Quỳnh nhận ra các lợi ích gồm:
– Nhìn thấy trực tiếp số tiền mình làm ra và trân trọng công sức của bản thân
– Nhìn số tiền vơi bớt trên tay sẽ ngăn bản thân chi tiêu quá trớn và thúc ép mình quản lý chi tiêu tốt hơn
– Dễ kiểm soát chi tiêu vì nhìn tiền mặt dễ hơn nhìn số tiền trong thẻ
– Chia các khoản dễ hơn do trực quan hơn
Nhưng cô gái gen Z cũng gặp phải một số bất lợi khi thanh toán tiền mặt là:
– Với những món hàng đặt mua trên mạng, các shipper hiếm khi có sẵn tiền lẻ trả lại, vẫn phải chuyển khoản.
– Nếu không đổi được tiền to sang tiền bé sẽ khó phân bổ chi tiêu các khoản theo ý muốn.
Dẫu vậy, Quỳnh vẫn duy trì thói quen mua sắm mọi thứ bằng tiền mặt vì với cô, lợi nhiều hơn hại, giúp cô tiết kiệm. Đồng thời để quản lý tiền hiệu quả, Quỳnh thống kê các khoản chi cố định mỗi tháng gồm:
– Tiền ăn gửi mẹ (tùy thuộc vào tiền lương, ít nhất một triệu đồng, nhiều nhất ba triệu đồng mỗi tháng)
– Tiền xăng (350.000 đồng)
– Tiền tiết kiệm
Quỳnh cho biết, thu nhập hiện ở mức thấp nên cô cố gắng tiết kiệm càng nhiều càng tốt (kể cả lúc thu nhập ít) chứ không đặt ra con số cụ thể phải đạt được mỗi tháng. Bên cạnh đó, cô liệt kê các khoản chi không cố định như:
– Tiền mua sắm vật dụng cá nhân như mỹ phẩm, quần áo.
– Tiền dự phòng (khoảng 800.000 đồng: Mỗi khi số tiền này hao hụt trong ví, Quỳnh đều cho vào thêm.
– Ma chay, ăn cưới, bệnh tật…: Quỳnh nói cô không có quá nhiều mối quan hệ nên ít khi phải chi khoản này và dành dụm được kha khá cho tiền khám chữa bệnh để phòng khi ốm đau.
Quỳnh cho biết do cô nhận lương giữa tháng nên có cách chia ngân sách khác nhiều người. Ví dụ, trong tháng 7, Quỳnh tạo quỹ chi tiêu cho tháng này lẫn tháng 8. Quỹ chi tiêu này gồm có tiền xăng, tiền gửi mẹ, tiền ăn vặt, là những khoản bắt buộc phải có.
“Trước khi nhận lương, mình đều suy nghĩ tháng đó nên chi tiêu như nào, cái gì cần mua, cái gì không nhất thiết phải mua. Vì thế, mình không mấy lo lắng việc vung tay quá trán”, Quỳnh nói. Có những tháng, cô gái Gen Z còn dư tiền và vẫn chia ngân sách cho tuần/tháng tiếp theo như vậy, nếu thiếu thì sẽ điều chỉnh lại. Cô liên tục hệ thống việc chi tiêu, tiết kiệm trên Google Sheet để kiểm soát nguồn tiền hiệu quả.