Cô giáo Dư Thị Thanh Mai chia sẻ kiến thức trọng tâm môn Toán, Tiếng Việt giúp học sinh nắm chắc trước bài kiểm tra học kỳ một, lớp 1.
Cô Dư Thị Thanh Mai, giáo viên Toán và cô Đinh Mỹ Anh, giáo viên Tiếng Việt tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI đã đưa ra tổng quan kiến thức và lời khuyên cho các bậc phụ huynh.
Cô Mỹ Anh chia sẻ, lớp 1 là năm học đầu tiên các em được làm quen với môi trường học tập mới và nề nếp học tập nghiêm túc trên lớp. Việc chuẩn bị thật tốt kiến thức và kỹ năng làm bài trước khi bước vào kỳ thi chính thức đầu tiên rất quan trọng. Muốn vậy, phụ huynh nên giúp trẻ chuẩn bị một kế hoạch học tập cụ thể và cần làm tốt vai trò đồng hành và định hướng cho con.
Các phần kiến thức trọng tâm cần nắm
Với môn Tiếng Việt, nội dung trọng tâm cần ôn tập bao gồm: viết chữ, các bài về dấu thanh, điền chữ cái, chính tả và đọc ngắn. Trong bài kiểm tra Tiếng Việt sẽ có 2 phần: Phần kiểm tra Đọc và kiểm tra Viết.
Tại phần kiểm tra Đọc, học sinh sẽ đọc trên 1 số vần, tiếng, từ hoặc các câu chứa âm, vần mà các con đã học, mỗi bạn sẽ được yêu cầu cụ thể đọc từ 50-70 chữ.
Trong phần đọc hiểu, thường có 5 câu hỏi. Để làm tốt phần đọc hiểu, học sinh cần đọc kỹ nội dung bài cho sẵn sau đó đọc lần lượt các câu hỏi, tìm phần nội dung câu hỏi đặt ra có xuất hiện trong bài đọc.
Cô Đinh Mỹ Anh, giáo viên Tiếng Việt, Hệ thống Giáo dục HOCMAI. Ảnh: HOCMAI.
Tại phần kiểm tra Viết, học sinh thực hiện chép một đoạn văn và thơ đúng chính tả theo kiểu chữ thường, cỡ vừa tốc độ từ 20 – 25 chữ trong vòng 15 phút. Để thực hiện tốt phần kiểm tra viết, ngay từ bây giờ phụ huynh hãy giúp trẻ rèn luyện tư thế ngồi và cách cầm bút đúng chuẩn ngay tại nhà. Sau đó hướng dẫn con luyện viết theo các nhóm chữ, ví dụ: Nhóm 1 là các chữ m, n, i, u, ư, v, r, t; nhóm 2 gồm các chữ l, b, h, k, y và nhóm 3 gồm các chữ o,ô,ơ,ă,â; việc này giúp con viết đúng kỹ thuật và dễ dàng nhận biết chữ. Ngoài ra, cha mẹ có thể hướng dẫn trực tiếp hoặc cho con xem các video viết chữ mẫu để trẻ có thể nhìn, viết theo và ghi nhớ.
Với môn Toán, nội dung trọng tâm cần ôn tập sẽ gói gọn trong: Nhận biết số; tách, gộp các số (liên kết số); thực hiện phép tính cộng, trừ trong phạm vi 10 và hình học. Với một số bộ sách sẽ có thêm chủ đề liên quan đến hình học, yêu cầu nhận biết, phân biệt được các hình không gian.
Bài toán minh họa về nhận biết số và thực hiện phép tính cộng, trừ trong phạm vi 10 xuất hiện trong bài kiểm tra môn Toán cuối học kì một.
Bên cạnh đó, cô Thanh Mai có chia sẻ thêm về một số yêu cầu cần đạt được khi kết thúc học kỳ I đối với học sinh được tiếp xúc với chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) mới như năm học này: “Chương trình GDPT mới có khác biệt so với trước đây là sẽ tập trung vào phát triển năng lực cho học sinh. Vì vậy, đối với môn Toán, ngoài kỹ năng đọc, viết, tính toán thì học sinh còn thể hiện năng lực cá nhân thông qua việc sử dụng ngôn ngữ của mình để kể lại một vấn đề Toán học, sử dụng phép tính phù hợp và giải thích được tại sao lại sử dụng phép tính đó. Thông qua đó, giáo viên có thể đánh giá được học sinh có hiểu bản chất phép tính hay không“.
Cô Dư Thị Thanh Mai, giáo viên Toán tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI. Ảnh: HOCMAI.
Xem thêm >> Bài tập tổng hợp cho trẻ rèn luyện mỗi ngày: Tính giá trị biểu thức lớp 3
Cách chuyển hóa kiến thức giúp học sinh nhớ lâu
Phụ huynh nên tận dụng những sự vật, sự việc quen thuộc diễn ra hàng ngày xung quanh con để chuyển hóa thành kiến thức, đó là cách để con tiếp thu kiến thức một cách tự nhiên và ghi nhớ lâu. “Cha mẹ hãy thử đố trẻ: Nếu con có 2 cái kẹo, mẹ cho thêm 1 cái kẹo nữa thì con có mấy cái kẹo? Nếu con có 4 cái kẹo, con ăn 1 chiếc thì còn mấy cái kẹo? Chắc rằng trẻ sẽ trả lời đúng. Như vậy con đã có biểu tượng về thêm vào, bớt đi là cơ sở của phép cộng, phép trừ”, cô Thanh Mai cho biết.
Đối với phương pháp ôn tập tại nhà, cô Mỹ Anh và cô Thanh Mai đều nhấn mạnh việc phụ huynh cần giúp con chọn lọc các phần kiến thức trọng tâm để đạt hiệu quả cao nhất. Kết hợp trao đổi với giáo viên thường xuyên để nắm được tình hình học tập của con, từ đó có những định hướng phù hợp và lấp lỗ hổng kịp thời cho học sinh.
Về tâm lý, theo cô Mỹ Anh, cha mẹ nên tạo cho con không khí thoải mái nhất trong giờ học tại nhà, từ đó chính phụ huynh cũng giảm tải được áp lực, lo lắng của bản thân trước kỳ thi đầu tiên của con.
Ngoài ra, về thời gian học hàng ngày, học sinh nên dành từ hơn 1 đến 2 tiếng cho việc tự học. Khi học được 1 tiếng, học sinh sẽ được nghỉ ngơi 15 phút rồi mới tiếp tục. Trong thời gian nghỉ ngơi nên để học sinh vận động nhẹ nhàng hoặc chơi một số trò chơi mà con thích như vẽ tranh, xếp hình,… Thời điểm này thì học sinh nên tập trung vào việc ôn tập và luyện đề nhiều hơn.
Link nguồn:
https://vnexpress.net/cach-on-tap-truoc-bai-kiem-tra-cuoi-ky-lop-mot-4207823.html
Nguồn: vnexpress