Với Merida Lam, sống xanh không phải là phong trào, một trào lưu để bắt “trend”. Sống xanh, bền vững là quan điểm, là phong cách sống mà thiếu nữ GenZ luôn duy trì và lan tỏa đến cộng đồng suốt nhiều năm qua bằng các video trên Tiktok.
Sống xanh, bền vững là xu hướng tất yếu của tương lai
Các doanh nghiệp, nhãn hàng liên tục đưa ra các chiến dịch “xanh” nhằm tuyên truyền về thông điệp sống xanh, thể hiện trách nhiệm xã hội và xây dựng hình ảnh thương hiệu.
Người tiêu dùng cũng vì thế mà dần được tuyên truyền nhiều hơn về thông điệp sống xanh trong tiêu dùng.
Tuy nhiên, theo Merida Lam (Tên thật: Phạm Thị Ngọc Hiền, 24 tuổi, cựu sinh viên ngành Công nghệ Sinh học, hiện đang làm công việc quản lý KOLs tại thành phố Hồ Chí Minh), sống xanh nên là trách nhiệm của mọi cá nhân và tổ chức, được duy trì thành thói quen và lối sống, thay vì chỉ là phong trào.
Cựu sinh viên ngành Công nghệ sinh học chia sẻ, cô nàng từng thấy nhiều cửa hàng, quán cà phê… kêu gọi khách hàng sống xanh, hạn chế sử dụng túi nilon.
“Thế nhưng khi mình vào mua mấy ly cà phê, nhân viên quán vẫn dùng túi nilon, ly nhựa, ống hút nhựa để đóng gói đồ uống mang đi cho khách hàng. Vậy thì họ có thực sự đang sống xanh như banner đang treo trước cửa hàng, hay chỉ hô hào theo phong trào” – Merida Lam chia sẻ.
Từ năm 2022, Merida Lam đã bắt đầu thực hiện các nội dung trên kênh tiktok của mình. Nàng GenZ chia sẻ về những cách thực hành sống xanh đơn giản trong các hoạt động thường ngày như: Đi du lịch xanh, thói quen sử dụng các vật dụng, vệ sinh cá nhân, nấu nướng, ăn mặc, trang điểm, tiêu dùng…
Mỗi câu chuyện, mỗi video của Merida Lam có nội dung mộc mạc, gần gũi. Nhưng qua đó, người theo dõi có thể cảm nhận rõ sự tâm huyết, tỉ mỉ và kiên trì trong lối sống xanh của cô. Đó chỉ đơn giản là những thói quen mỗi ngày, những điều Lam thực sự trải nghiệm và đúc kết trước khi lan tỏa đến mọi người.
“Bác Hồ đã dặn: “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ”. Theo mình, có những điều tưởng chừng nhỏ nhặt nhưng lại mang lại giá trị, ý nghĩa lớn lao vô cùng.
Bảo vệ môi trường chính là nhân chứng lớn nhất cho việc chúng ta cần sự đoàn kết của toàn thể dân tộc. Một người/một nhóm người đều không thể tự thực hiện được. Mọi nỗ lực chỉ có hiệu quả khi tất cả chúng ta đồng lòng nói không với việc “xả rác vô tội vạ”.
Bạn sẽ không cô đơn vì ngoài kia cũng nhiều người như bạn, đang nỗ lực để bảo vệ cho trái đất xanh này.”
Các nội dung mà thiếu nữ GenZ đăng tải thường khá gần gũi. Chẳng hạn, cô chia sẻ về thói quen sử dụng túi nilon đựng thức ăn chín của con người tiềm ẩn gây ra các căn bệnh nan y. Do đó, hãy dùng các loại hộp chuyên dụng khi đi mua thực phẩm.
Hay trong một video khác, Lam đề cập đến những điều không ai nói cho bạn biết: Vì sao chúng ta không nên vứt pin đã dùng xong vào thùng rác?
Bởi, một viên pin có lượng thủy ngân đủ gây ô nhiễm 500 lít nước trong suốt 50 năm, cùng với nhiều hóa chất gây ung thư khác… Do đó, Lam có thói quen cất pin đã dùng xong vào hộp rồi mang tới nơi thu nhận pin.
Merida Lam thích đi du lịch. Cô thường thực hiện các “tips” đi du lịch xanh: Chọn phương tiện ít xả thải CO2 để di chuyển; Mang theo bình nước, không dùng chai nước nhựa, túi nilon; Mang bàn chải, lược, dầu gội… theo, hạn chế dùng đồ dùng 1 lần tại các khách sạn.
Sống xanh không dễ, nhưng chỉ cần làm theo một quy tắc
Suốt gần 2 năm qua, các video mà Merida Lam chia sẻ trên kênh Tiktok thường xuyên cập nhật thói quen ăn uống lành mạnh, hạn chế sử dụng đồ nhựa, túi nilon, ưu tiên các món đồ có thể tái sử dụng…
Sự mộc mạc, chân thành của thiếu nữ GenZ đã chiếm được cảm tình và sự ủng hộ của người xem, đặc biệt là các bạn trẻ.
Kênh TikTok của Lam hiện thu hút hơn 22.000 người theo dõi. Các video này có góc quay quen thuộc trong căn phòng nhỏ, nhưng chủ đề luôn mới, giúp cô nàng thu về cả triệu lượt xem, “thả tim”.
Theo Merida Lam, xây dựng lối sống xanh, bền vững không hề dễ: “Để thực hiện theo lối sống này, ban đầu sẽ hơi khó khăn vì chúng ta thường quen với thói quen cũ, cố hữu từ lâu. Bản thân mình thời gian đầu mình cũng hay quên, nhiều khi ra đường không mang theo dụng cụ sử dụng nhiều lần.
Nhưng nếu bạn biết kỷ luật bản thân, kiên trì thay đổi nhận thức, ý thức và hành vi, dần dần sẽ tạo lập được thói quen tốt.”
Merida Lam nhận ra, trong nếp sống của những thế hệ trước, có rất nhiều thói quen có thể áp dụng để theo đuổi lối sống xanh ngày nay.
Chẳng hạn, các bà, các mẹ ngày trước thường có sống rất cần kiệm, họ tận dụng giấy báo, lá chuối để gói đồ khi đi chợ. Khi đi chợ về, họ giữ lại túi nilon còn sạch, gấp gọn để lần sau sử dụng tiếp.
Hay thói quen bán chai nhựa, hộp carton cho các bà thu mua ve chai. Điều này vừa giúp tiết kiệm, vừa góp phần giảm thải bằng cách tái sử dụng, kéo dài vòng đời sản phẩm.
Học hỏi theo lối sống đó, Merida Lam thường mang theo ly riêng khi ra ngoài uống tại quán để giảm bớt một lần dùng ly nhựa, mang theo túi tote khi mua sắm để bớt một lần dùng nilon.
Theo Marida Lam, cách làm cơ bản và dễ thực hiện nhất chính là giảm lượng rác thải ra ngoài môi trường, ưu tiên sử dụng các sản phẩm có thể tái sử dụng nhiều lần để kéo dài vòng đời sản phẩm.
Lam tâm sự: “Mình thường hay nhận được một câu hỏi là: Sao không bao giờ thấy mua đồ mới? Vậy người sống xanh có phải là họ keo kiệt không?
Thực tế là mình khá “thoáng” khi đi chơi, ăn uống với bạn bè. Còn lại trong việc mua sắm, ví dụ mua giày dép, áo quần, mình rất kỹ tính. Mình phải xét xem có thực sự cần món đồ đó không, có dùng được lâu không thì mới mua.
Trong tủ giày của mình 3-4 năm nay chỉ có 3 đôi: 1 giày thể thao, 1 sandal và 1 đôi thời trang để phối đồ.
Hay đơn giản như chiếc ốp lưng điện thoại. Có thể bạn không biết nhưng chúng cũng trở thành cơn các mộng của môi trường do thói quen mua sắm ốp lưng vô tội vạ.
Theo một thống kê của Bộ tài nguyên và môi trường thì hàng năm người Việt Nam thải ra môi trường từ 500.000 chiếc ốp lưng nhựa. Trung bình một người dùng smartphone xài từ 10-30 chiếc ốp lưng trong một năm. Còn mình chỉ mua khi ốp cũ không dùng được nữa thôi.
Sống bền vững không phải là mua đồ đắt tiền, mà là mua những món đồ dùng được nhiều lần, có thể tái sử dụng. Bản thân mình cũng thường xuyên dùng đồ second hand.
Sống bền vững còn nằm ở việc: Tiết kiệm điện, phân loại rác, không sử dụng đồ nhựa, bao nilon tùy tiện, mua thực phẩm vừa đủ, không lãng phí.
Ví dụ như khi mình đến nhà sếp, thấy trong tủ lạnh có nhiều đũa, muỗng dùng một lần. Sếp mình hay “order” đồ ăn, nhưng không dùng đũa, muỗng nhựa mà cất lại, mang cho các cô bán hàng rong.
Chúng ta không thể bỏ thói quen “order” đồ ăn. Nhưng các bạn nên sử dụng đũa muỗng của mình khi ở nhà, không nên vứt đồ nhựa ngay mà cất lại cho những người cần.”
Những điều mà thiếu nữ GenZ chia sẻ luôn gần gũi, xuất phát từ chính trải nghiệm cá nhân của cô. Từ đó, khai sáng một góc độ mới, cởi mở, tích cực, để mọi người có thêm động lực thay đổi, theo đuổi lối sống xanh, bền vững.