Đề thi hay, phân hóa, điểm thi thấp nhất trong 3 môn

Toán là một trong 3 môn thi vào lớp 10 tại TPHCM, cùng với Ngữ văn và Ngoại ngữ. TPHCM bắt đầu đổi mới đề thi môn Toán từ năm 2015, với những câu hỏi vận dụng thực tế. Ban đầu, những câu hỏi trong đề thi Toán đã làm nóng dư luận, học sinh và cả giáo viên. Khi đã “quen dần”, càng về sau này, số câu hỏi vận dụng thực tế trong đề thi càng tăng, có năm chiếm 4/7 câu, còn lại 2 câu là các bài toán quen thuộc, cơ bản về đồ thị, hệ thức Vi-et, giải phương trình, 1 câu hỏi về hình học phẳng.

Các bài toán vận dụng thường dài, nhiều lúc cầm đề thi môn Toán mà ngỡ Ngữ văn. Tuy vậy, các bài này được đánh giá là sáng tạo, đúng với mục tiêu toán học, không bám công thức, sách giáo khoa và cả dạng đề. Dù vậy, đề thi Toán lớp 10 TPHCM cũng từng làm thí sinh bật khóc.

Thí sinh toán lớp 10 TPHCM.jpg
Học sinh thi lớp 10 TPHCM từng bật khóc vì môn Toán. Ảnh: Nguyễn Huế

Điển hình là năm 2024, khi bước ra khỏi phòng thi môn Toán, nhiều thí sinh khóc nức nở vì quá khó. Phía Sở GD-ĐT TPHCM lúc đó lý giải, đề thi phải thể hiện tính phân hóa, có dễ, có khó để phục vụ mục tiêu tuyển sinh. Khác với mục tiêu của kỳ thi tốt nghiệp là đánh giá kiến thức học sinh, đề thi tuyển sinh lớp 10 phải phân loại được các em có trình độ cao hơn, giỏi hơn để vào các trường tốp đầu, những em có trình độ thấp hơn vào các trường tốp giữa và tốp kế tiếp.

“Trước khi kỳ thi vào lớp 10 diễn ra, hội đồng đề đã xây dựng ma trận đề, trong đó đã xác định các mức độ hiểu biết, vận dụng và vận dụng cao. Xuyên suốt từ năm 2014, mỗi năm, môn toán ở TPHCM đều tăng về mức độ vận dụng kiến thức của đời sống để giải quyết trong đề thi. Các em phải lựa chọn kiến thức toán đã học để áp dụng giải quyết các vấn đề đặt ra trong câu hỏi”, đại diện Sở GD-ĐT nói.

Thực tế, điểm Toán thi lớp 10 TPHCM năm 2024 phân hóa rõ rệt. Trong hơn 98.400 thí sinh dự thi thì trên 55.000 em có điểm môn Toán dưới 5, gồm 123 thí sinh điểm 0,25; 142 thí sinh điểm 0,5 và 188 thí sinh chỉ đạt 0,75 điểm, 256 thí sinh 1 điểm. Môn Toán chỉ có 49 thí sinh đạt 10 điểm; 31 thí sinh đạt 9,75 điểm; 132 thí sinh đạt 9,5 điểm; 123 thí sinh đạt 9,25 điểm; 276 thí sinh đạt 9 điểm.

Năm 2023, trong 95.952 thí sinh thi môn Toán, có 44.126 thí sinh bị điểm dưới 5, trong đó, 165 thí sinh bị điểm 0; 134 thí sinh 0,25 điểm. Số điểm dưới 1 môn Toán là 809 em. Còn năm 2022, môn Toán có 92.074 thí sinh dự thi thì có 41.775 em bị điểm dưới 5.

Đề thi 2025 vẫn sẽ là vận dụng kiến thức đã học để giải quyết các vấn đề thực tế

Kỳ thi lớp 10 năm 2025 lần đầu tiên theo Chương trình GDPT 2018. Đề thi môn Toán sẽ bao gồm các mạch kiến thức: Hình học và đo lường; số và đại số; thống kê và xác suất. Nội dung kiểm tra nhằm đánh giá các năng lực toán học: Tư duy và lập luận toán học; giải quyết vấn đề toán học; mô hình hóa toán học.

Trong đó, đề thi sẽ yêu cầu học sinh biết vận dụng kiến thức đã học giải quyết các vấn đề thực tế; khuyến khích tăng cường việc tự học, sáng tạo, tránh tình trạng học tủ, học vẹt; giúp học sinh định hướng một số kiến thức, kỹ năng cần thiết khi bước vào cấp THPT.

đề Toán 1.jpg
đề Toán 2.jpg
Đề thi Toán lớp 10 TPHCM năm 2024

Giáo viên dạy Toán, Trần Tuấn Anh – Trường THPT Thủ Đức cho rằng, sở dĩ thí sinh gặp khó với đề thi môn Toán là do quen với việc giải toán theo dạng bài, chỉ làm theo các bước giải do thầy cô hướng dẫn.

Trong khi đó, với kiểu bài toán thực tế, học sinh phải tự xây dựng quy trình giải, công thức, phương trình nên lúng túng. Mặt khác, những bài toán thực tế thường yêu cầu học sinh có kỹ năng đọc hiểu, tóm gọn giả thiết và yêu cầu bài toán, để từ đó, xác định được các dữ liệu như biến, tham số, hằng số và xây dựng các mối quan hệ giữa chúng, diễn đạt theo ngôn ngữ toán học.

Theo thầy Tuấn Anh, cái khó nhất khi giải toán thực tế là hiểu được ý diễn đạt của bài toán, trong khi học sinh thường chưa hiểu nên khó làm nhanh được. Còn bản chất toán gồm tính toán nói chung, giải phương trình, chứng minh… không khó bằng kiểu đề ngày xưa.

Để học sinh không phải “khóc” theo những dạng toán này, theo thầy Tuấn Anh, trước hết giáo viên cần thay đổi cách nghĩ. Kiến thức Toán quen thuộc lâu nay như biến đổi biểu thức, tính giá trị biểu thức, giải phương trình, giải bất phương trình, chứng minh… không phải đích cuối của việc học Toán. Đó chỉ là công cụ đắc lực cho việc giải các bài toán thực tế. Vì vậy, giáo viên tránh dạy học tủ theo các dạng bài kiểu định dạng ra các bước giải tường minh cho học sinh học thuộc. Điều này làm hạn chế sự tự do sáng tạo, bó buộc tư duy khiến các em lúng túng khi gặp dạng toán “lạ”.

Mặt khác, cần tăng khả năng đọc hiểu cho học sinh trong việc tìm hiểu bài toán, hiểu và tóm gọn giả thiết, nắm rõ yêu cầu bằng cách cung cấp từ vựng về các lĩnh vực thực tiễn như tài chính, thống kê, xen kẽ trong bài dạy là ví dụ thực tế, gần gũi. Học sinh nên học theo bản chất, hiểu các định nghĩa, khái niệm về các đối tượng toán học để sử dụng trong giải toán. Tránh học thuộc công thức mà không biết sử dụng.

Thầy Tuấn Anh ủng hộ cách ra đề của thành phố để học sinh biết học Toán không chỉ giải bài tập mà còn giúp các em phát triển tư duy, tìm cái đúng, cái tối ưu, đưa ra những quyết định có lợi nhất. Mặt khác, dạng đề Toán thực tế trong đề tuyển sinh 10 đúng theo mục tiêu chương trình 2018, giảm các bài toán khó, biến đổi máy móc, tăng tính vận dụng, thực tiễn.