Lớp 6 được coi là một bước ngoặt quan trọng, không chỉ thay đổi môi trường học tập, học sinh còn phải dần làm quen với sự thay đổi về kiến thức và môn học, trong đó, đáng chú ý nhất là môn Ngữ văn.
Để con không bị bỡ ngỡ và choáng ngợp trước lượng kiến thức mới, ngay từ đầu năm học, cha mẹ nên có định hướng và giúp con thiết lập phương pháp học tập khoa học. Thầy Nguyễn Phi Hùng- giáo viên Ngữ văn của Hệ thống Giáo dục HOCMAI sẽ chia sẻ những lưu ý để cha mẹ có thể giúp con đạt kết quả tốt nhất ở môn học này.
Chuẩn bị cho sự thay đổi giữa hai cấp học
Chương trình học giữa hai cấp có khá nhiều sự thay đổi. Lên lớp 6, môn Tiếng Việt ở Tiểu học sẽ có một tên gọi khác là Ngữ văn. Bên cạnh việc ôn lại các phần kiến thức cũ, học sinh sẽ được học thêm nhiều kiến thức mới lạ hơn, thú vị hơn và yêu cầu cũng dành cho môn học cũng cao hơn.
Trong đó, phần kiến thức “Luyện từ và câu” của lớp 5 sẽ được thay thế bằng phần “Tiếng Việt”. Bên cạnh các đơn vị kiến thức về từ, câu, biện pháp tu từ, học sinh sẽ học thêm những nội dung như từ thuần Việt, từ mượn, ẩn dụ, hoán dụ,…. Phần “Tập đọc” trước kia được thay bằng “Đọc hiểu văn bản”. Không chỉ yêu cầu đơn giản là đọc đúng, đọc diễn cảm như ở Tiểu học, ở lớp 6, học sinh sẽ phải tìm hiểu nội dung chi tiết văn bản, các nét đặc sắc nghệ thuật, giá trị nhân văn của một tác phẩm. “Tập làm văn” tuy vẫn được giữ nguyên tên gọi nhưng có yêu cầu cao hơn hẳn với hai phần kiến thức là văn tự sự kể dạng kể chuyện sáng tạo, thay đổi ngôi kể, nhập vai nhân vật,….và văn miêu tả chú trọng khả năng quan sát làm bật đặc trưng của đối tượng. Do đó, để giúp con học tốt Ngữ văn 6, cha mẹ cần chủ động nói trước những thay đổi về kiến thức để học sinh không bị bỡ ngỡ trong những ngày đầu nhập học.
Xem thêm >> Học tốt cả năm lớp 7 với 3 bước đơn giản
Chuẩn bị về phương pháp học tập tốt môn Ngữ văn lớp 6
Bên cạnh việc chia sẻ những thay đổi về mặt kiến thức, thầy Hùng đã đưa ra một số lưu ý để phụ huynh có thể giúp con chinh phục môn Ngữ Văn 6, cụ thể như sau:
Về phần “Tiếng Việt”, học sinh cần nắm chắc khái niệm, định nghĩa đã được đóng khung lại trong SGK, phân biệt được sự khác nhau giữa các từ loại có tính chất tương đồng. Sau đó, cần vận dụng thuần thục kiến thức đã được học vào việc làm bài tập, viết các câu văn, đoạn văn, bài văn. Vận dụng các từ ngữ, các kiến thức Tiếng Việt vào trong quá trình thực hành giao tiếp, làm bài sẽ giúp học sinh nhớ lâu, nhớ sâu và các kiến thức đó sẽ rất nhanh cải thiện kỹ năng sử dụng ngôn ngữ cho học sinh.
Về phương pháp học phần “Đọc- hiểu văn bản”, thầy Hùng chia sẻ: “Đầu tiên, học sinh cần dành thời gian đọc kỹ văn bản trong SGK, tìm hiểu văn bản đó thuộc thể loại nào cũng như đặc trưng của thể loại văn bản đó, sau cùng mới bắt đầu tìm hiểu nội dung văn bản. Khi tìm hiểu văn bản có định hướng rõ ràng, việc tiếp cận sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều!”
Trước khi bắt tay làm một bài “Tập làm văn”, học sinh lưu ý đọc kỹ đề bài, xác định chính xác kiểu bài, gạch chân những từ quan trọng để xây dựng hệ thống dàn ý phù hợp. Việc sử dụng sách tham khảo là hết sức quan trọng trong việc bồi dưỡng năng lực ngôn ngữ cũng như khả năng diễn đạt, vốn hiểu biết cho học sinh. Để các con sử dụng văn mẫu có hiệu quả, cha mẹ nên có những động thái kích thích khả năng sáng tạo của con, hãy để con hiểu rằng có thể sử dụng văn mẫu nhưng không được lệ thuộc vào nó.
Cuối cùng, theo thầy Hùng, những tri thức thực tế từ sự quan sát và trải nghiệm cá nhân mới là điều kiện quan trọng nhất để học tốt môn Ngữ Văn 6. Một bài văn hay là một bài văn chân thực và sống động chứ không phải là một bài văn gò bó được diễn đạt bay bổng theo khuôn mẫu.
Trên đây là một số chia sẻ của thầy Hùng nhằm giúp phụ huynh và học sinh tìm ra định hướng cũng như phương pháp học tập để chinh phục môn Ngữ Văn 6.