Theo số liệu mới nhất, Việt Nam còn hơn 10 triệu thuê bao 2G. Đây là những người sử dụng điện thoại 2G Only hay còn gọi là điện thoại ‘cục gạch’.
Sáng 24/7, Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) đã tổ chức họp giao ban với các doanh nghiệp viễn thông về việc tắt sóng 2G. Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, các cuộc họp giao ban về tắt sóng 2G sẽ được tổ chức hằng tuần để đôn đốc và giải quyết các vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp.
Báo cáo tổng hợp của Cục Viễn thông từ số liệu các doanh nghiệp cung cấp cho thấy, tính đến tháng 6/2024, Viettel hiện là nhà mạng còn nhiều thuê bao 2G nhất với khoảng 7,44 triệu thuê bao. Xếp ở vị trí thứ 2 về lượng thuê bao 2G là VNPT Vinaphone với 1,3 triệu thuê bao. MobiFone hiện còn khoảng 1 triệu thuê bao di động đang sử dụng máy điện thoại 2G Only. Trong khi đó, Vietnamobile còn khoảng 500.000 thuê bao 2G. Các nhà mạng ảo (MVNO) hiện cũng còn khoảng vài chục nghìn thuê bao 2G.
Với những số liệu này, toàn thị trường viễn thông hiện còn khoảng hơn 10 triệu thuê bao 2G. Đây là tập thuê bao đang sử dụng máy điện thoại 2G Only. Tập người dùng này sẽ phải chuyển đổi thiết bị mới trước thời hạn 16/9/2024.
Theo ông Nguyễn Trọng Tính, Phó Tổng giám đốc Viettel Telecom, Viettel dự kiến sẽ giảm 1,5 triệu thuê bao 2G trong thời gian tới, để đến hết tháng 7 đưa tổng số thuê bao 2G của nhà mạng này xuống còn khoảng 5,6 triệu. Mục tiêu Viettel đặt ra là giảm lượng thuê bao 2G xuống còn khoảng 2,2 triệu ở thời điểm hạn chót ngày 15/9.
“Viettel xác định đây là tập thuê bao khó chuyển đổi. Sau thời điểm đó, Viettel chấp nhận sẽ “cut off” (ngắt kết nối) lượng thuê bao còn lại”, ông Nguyễn Trọng Tính nói.
Đại diện Viettel Telecom cho biết, sở dĩ lượng thuê bao 2G của nhà mạng này giảm nhanh nhờ việc tích cực chặn máy 2G vào mạng. Song song đó, Viettel đã tiếp cận với Sở TT&TT các địa phương, kết hợp cùng các tổ công nghệ số cộng đồng để truyền thông, hỗ trợ chuyển đổi thiết bị cho khách hàng. Từ tháng 4 đến nay, Viettel cũng rất tích cực triển khai các điểm chuyển đổi lưu động.
Xem thêm >> Dự kiến áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát
Theo đại diện MobiFone, đơn vị này đã tổ chức truyền thông về chủ trương tắt sóng 2G trên báo chí, website, thậm chí đưa cả thông báo vào nhạc chuông chờ của những thuê bao 2G để người dùng biết và thực hiện chuyển đổi. Tuy vậy, những người dùng 2G có đặc điểm thường ở vùng sâu, vùng xa, nơi nhà mạng khó tiếp cận. Do đó, dự kiến đến tháng 9/2024, MobiFone ước tính vẫn sẽ còn khoảng 700.000 thuê bao 2G.
Đại diện VNPT VinaPhone nhận định việc truyền thông phải xuất phát từ nội bộ, do đó từng nhân viên của đơn vị này đều được phổ biến và nắm được chủ trương về tắt sóng 2G. Hiện 100% các điểm giao dịch của VinaPhone cũng đã có hình ảnh, tài liệu để truyền thông về việc dừng cung cấp dịch vụ với thuê bao 2G Only, đặc biệt là tại các khu vực có lượng thuê bao 2G lớn.
Cục Viễn thông cũng khẳng định lại quan điểm sẽ không cấp lại băng tần 900MHz và 1800MHz nếu doanh nghiệp không có phương án ngừng cung cấp dịch vụ cho các thuê bao di động sử dụng thiết bị đầu cuối hỗ trợ công nghệ GSM 2G vào thời điểm tháng 9/2024.
Về giải pháp hỗ trợ thuê bao chuyển đổi thiết bị 2G, Bộ TT&TT khuyến khích việc chuyển đổi các thuê bao này sang sử dụng smartphone, việc chuyển đổi sang các mẫu máy feature phone 4G chỉ thực hiện trong một số trường hợp đặc biệt, theo yêu cầu của khách hàng.
Từ nay đến tháng 9/2024, các doanh nghiệp cần tiếp tục ngăn chặn nhập mạng với máy 2G không hợp quy. Cục Viễn thông cũng đề nghị các doanh nghiệp cùng chia sẻ cách làm, tài liệu truyền thông, xây dựng hướng dẫn sử dụng để hỗ trợ người dùng chuyển đổi thiết bị.