Hài độc thoại là một loại hình biểu diễn nghệ thuật đang ngày càng được khán giả Việt Nam yêu thích không chỉ bởi những tràng cười sảng khoái mà còn nhờ vào nội dung thú vị về các vấn đề xã hội. Trong đó, Uy Lê là một trong những diễn viên hài độc thoại nổi tiếng và là người đồng sáng lập kiêm giám đốc sáng tạo của nhóm Sài Gòn Tếu. Uy Lê tiết lộ: cơ duyên đưa anh đến với con đường hài độc thoại nhờ giai đoạn thất nghiệp.
Sài Gòn Tếu- những người con Sài Gòn yêu thích tếu táo và hài hước
Xuất hiện trong chương trình Kính Đa Chiều được phát sóng trên kênh VTV9, Uy Lê tiết lộ: trong thời gian thất nghiệp, anh tình cờ tham gia một khóa học nói trước công chúng là hài độc thoại. Khi đó, Uy Lê là người hướng nội, không dám nói trước đám đông nhưng nhờ tham gia sân chơi hài độc thoại cùng những người bạn nước ngoài, nam diễn viên có thêm một hướng đi mới.
Sau thời gian học tập, Uy Lê bắt đầu đi biểu diễn ở nhiều nơi, nhiều quốc gia như Singapore, Thái Lan,… Dần dần Uy Lê trở thành một diễn viên hài độc thoại từ lúc nào không hay. Tuy nhiên, thời gian này Uy Lê đa phần biểu diễn hài độc thoại bằng tiếng Anh. Đến năm 2020 anh và những người bạn của mình như Phương Nam, Tùng BT quyết định thành lập nhóm Sài Gòn Tếu với mong muốn thử sức biểu diễn hài độc thoại tiếng Việt một cách nghiêm túc. Tên gọi Sài Gòn Tếu đơn giản là chỉ những người con của Sài Gòn, yêu thích sự tếu táo và hài hước.
Uy Lê bày tỏ sự may mắn khi nhóm hài độc thoại Sài Gòn Tếu nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ từ công chúng, dù nhóm còn khá non trẻ trong nghề.
Khi bắt đầu làm nghề gì đó phải lắng nghe khán giả
Nhớ lại những ngày đầu 5 thành viên nhóm Sài Gòn Tếu biểu diễn trong quán cà phê của Tùng BT, Uy Lê cho biết khán giả chủ yếu là những khách hàng mua nước tại quán. Cho đến một ngày video ghi lại tiết mục biểu diễn của Phương Nam bỗng nhiên được lan tỏa rộng, số lượng khán giả đến xem tăng lên đến khoảng 60 – 70 người, đến mức không đủ chỗ ngồi. Khi đó, các thành viên trong nhóm của Uy Lê mới bắt đầu nghiêm túc nghĩ đến việc lên kế hoạch tập luyện và biểu diễn chuyên nghiệp.
Để hoạt động đến thời điểm hiện tại, nhóm hài độc thoại Sài Gòn Tếu luôn dựa trên tinh thần lắng nghe ý kiến của khán giả. Bởi theo Uy Lê, mỗi khi nhóm ra mắt một video hay show diễn thì đều là phép thử nên cần phải lắng nghe khán giả để có thể xây dựng những nội dung hấp dẫn.
Nam diễn viên lấy ví dụ ở mỗi show diễn, anh và các thành viên đều phát giấy khảo sát để thu thập phản hồi của khán giả. Từ đó, nhóm Sài Gòn Tếu sẽ đọc và thống kê thành các dữ liệu để đưa ra những ý tưởng phù hợp với sản phẩm tiếp theo. Nam khách mời chia sẻ: “Tôi nghĩ khi mình bắt đầu làm nghề gì đó thì thật sự phải lắng nghe khán giả để hiểu rõ mình nên phát triển thế nào cho tốt”.
XEM THÊM>>Khán giả nhận xét: Bác sĩ vui vẻ “hài hước, độc lạ, độc quyền”
Bật mí hài độc thoại
Theo Uy Lê, đặc trưng của hài độc thoại so với các loại hình biểu diễn khác chính là diễn viên chỉ dựa trên giọng nói và câu chuyện của mình để dẫn dắt khán giả. Tuy nhiên diễn viên hài độc thoại không đóng vai một ai khác mà là kể những câu chuyện của chính bản thân với khán giả. Vì thế, khán giả hài độc thoại sẽ được tận hưởng không gian thật sự được chia sẻ, vì người xem không chỉ bật cười trước những câu chuyện có thật mà còn được lắng nghe thấu hiểu những suy nghĩ cảm xúc của người diễn viên. Đôi khi chính những phản ứng của khán giả cũng được diễn viên hài độc thoại nắm bắt để pha trò, tạo mảng miếng. Đó chính là những điều thú vị đặc trưng của hài độc thoại.
Tuy nhiên, diễn viên hài độc thoại đôi khi cũng đối mặt với những phản ứng tức thì khó lường của khán giả. Đặc biệt đối với hài độc thoại ở nước ngoài, việc đứng trên sân khấu biểu diễn là điều rất đáng sợ. Nếu câu chuyện của diễn viên không đủ hấp dẫn thì họ sẽ không cười, thậm chí còn phản ứng ngay lập tức như lên tiếng nhận xét “dở quá, không hay, qua tiếp đi”. Vì vậy, diễn viên hài độc thoại phải chấp nhận tất cả và với Uy Lê, anh luôn cố gắng biểu diễn hết sức mình dù chỉ trình diễn 5 hay 10 phút.
“Tôi nghĩ đó vừa là thử thách vừa là điều thú vị của hài độc thoại. Dù có sự chuẩn bị nhưng có khoảng 50% không biết chuyện sẽ xảy ra. Tôi từng diễn cho những khán giả lớn tuổi và gu hài của mỗi người sẽ khác nhau. Khi gặp những khán giả mới, tôi lại phải tìm một cách phù hợp và linh hoạt để hiểu và cảm nhận được năng lượng của họ” – diễn viên hài độc thoại Uy Lê cho biết.
Nếu nghệ thuật sân khấu có thuật ngữ “miếng lạnh” để chỉ tình trạng “rớt miếng” thì với hài độc thoại, Uy Lê cũng ví tình trạng này như “bom xịt”. Tuy nhiên, Uy Lê nghĩ rằng diễn viên nào cũng gặp trường hợp này ít nhất một lần vì qua trải nghiệm này mới hiểu được sự “lệch pha” của diễn viên với khán giả là gì.
Nếu diễn viên hài độc thoại không hiểu được điều đó thì khó có thể hoạt động lâu dài…