áo trắng
Chương trình Bác Sĩ Vui Vẻ
Trang chủ TUỔI TRẺ Phải làm gì khi có tính tự ái cao?

Phải làm gì khi có tính tự ái cao?

Tự ái thường là biểu hiện của một người đề cao cái tôi quá mức. Điều này sẽ dẫn đến việc cáu gắt, bực tức, giận dỗi khi có người đánh giá thấp hoặc coi thường bản thân. Người có tính tự ái cao sẽ gặp nhiều trở ngại trong công việc cũng như các mối quan hệ xung quanh. Câu Chuyện Cuộc Sống tuần này tiếp tục chia sẻ với những câu chuyện: Phải làm gì khi có tính tự ái cao cũng như cách bĩnh tĩnh đối diện mọi chuyện trong cuộc sống

Tự ái thường là biểu hiện của một người đề cao cái tôi quá mức

Tự ái thường là biểu hiện của một người đề cao cái tôi quá mức

Người có tính tự ái cao nói gì?

Bạn P.T.N  (TP.HCM) thổ lộ: “Em thấy bản thân em đã tốt rồi nhưng mà khi ba mẹ nhắc về những người con của họ hàng, những người giỏi hơn thì em cũng tự ái”.

 Bạn L.M.L (Long An) chia sẻ: “Bài tập của cả nhóm thì mình có quyền góp ý nếu như cảm thấy chưa ổn, nhưng mà có nhiều bạn có tính tự ái cao. Mình khéo léo nhắn tin riêng để góp ý nhưng các bạn không chịu, còn giận ngược lại và không trả lời tin nhắn. Nói chung làm việc với những bạn có lòng tự ái cao thì cũng mệt lắm”.

Thạc sĩ Phạm Thế Châu (Chuyên  gia đào tạo kỹ năng sống) cho biết: “Cái khuynh hướng tự ái nó đến từ việc chúng ta có nhiều thành tích, chúng ta tự huyễn hoặc và tự cho rằng bản thân là người rất tuyệt vời. Một số người ở vị trí quyền lực trong xã hội có khuynh hướng lãnh đạo, chỉ đạo người khác. Chính vì thế nếu không cẩn thận sẽ dễ rơi vào quán tính là luôn góp ý, chỉ đạo người khác chứ không phải là người khác góp ý, chỉ đạo cho mình. Nên khi những người dưới quyền góp ý, phê bình thì lập tức chúng ta sẽ có phản ứng cực đoan. Tác hại tiếp theo của tự ái là gặp khó khăn trong quá trình giao tiếp, trong mối tương quan với bạn bè khi muốn góp ý cho chúng ta bằng sự chân thành bởi người ta thấy được hạn chế của mình hơn bản thân mình. Tuy nhiên, khi người ta biết mình là một người rất dễ tự ái, dễ bị cảm xúc tác động nên người ta sẽ không dám góp ý. Chính vì thế chúng ta sẽ không nhận được những lời góp ý chân thành từ bạn bè, từ đó sẽ ảnh hưởng đến quá trình giao tiếp của chúng ta”.

Để điều chỉnh tính tự ái cao, đầu tiên, hãy nhận thức và chấp nhận bản thân cũng có khuyết điểm và bắt đầu quá trình thay đổi bản thân. Tiếp theo, cần tập trung vào phát triển bản thân, không so sánh với người khác. Quan trọng nhất là cần hạ cái tôi để nhìn rõ những điểm mạnh của người khác thay vì duy trì những cảm xúc ganh ghét, đố kỵ. Đồng thời khiêm tốn sẽ giúp chúng ta dám đối mặt để học hỏi, tiếp thu những đóng góp của mọi người để trở nên tốt hơn.

XEM THÊM>>Cân bằng giữa công việc và gia đình trong cuộc sống hiện đại

Bình tĩnh đối diện mọi chuyện trong cuộc sống

Giữ được sự bình tĩnh đối diện với mọi điều trong cuộc sống là điều vô cùng quan trọng. Biết cách giữ bình tĩnh trong mọi tình huống sẽ giúp chúng ta làm chủ được cảm xúc và hành động của bản thân. Từ đó sẽ đạt được những thành công trong công việc và các mối quan hệ.

Anh Thế Vinh (Vĩnh Long) chia sẻ: Tính của tôi khá nóng và thường không giữ được bình tĩnh trước những chuyện bất ngờ xảy ra trong cuộc sống. Có lần tôi liên tiếp gặp phải áp lực trong học tập và công việc, những việc liên tiếp dồn nén khiến tôi không giữ được cảm xúc của bản thân và tôi đã có những lời lẽ không hay gây tổn thương đến mọi người xung quanh. Sau việc đó họ không muốn gặp mặt tôi và tôi gặp nhiều khó khăn trong công việc vì tôi không giữ được bình tĩnh”.

Bà Cao Kim Thắm (Chuyên gia tâm lý) cho rằng: Hiện nay khi đối mặt nhiều với những khó khăn trong cuộc sống hoặc những biến cố xảy ra thì có rất nhiều người không giữ được bình tĩnh. Trạng thái bình tĩnh là trạng thái cân bằng về cảm xúc. Trong những tình huống mà không giữ được bình tĩnh sẽ dễ rơi vào trạng thái lo lắng, có nhiều suy nghĩ tiêu cực dẫn đến bị cuốn vào những cảm xúc tiêu cực. Khi đó mình không kiểm soát được hành vi, lời nói của bản thân sẽ dẫn đến việc làm ảnh hưởng, tổn thương đến người khác. Chúng ta sẽ làm mất các mối quan hệ làm ảnh hưởng đến công việc của mình. Khi đối mặt với những tình huống gây căng thẳng, lo lắng mà mình không quản lý được cảm xúc thì đầu tiên chúng ta cần quay lại hít thở lấy lại sự bình tĩnh. Tiếp theo là thay đổi môi trường để không phải tiếp tục căng thẳng với vấn đề đó. Một cách khác là thay đổi góc nhìn về vấn đề để nhìn ra chủ đích tích cực của vấn đề”.

Giữ được sự bình tĩnh đối diện với mọi điều trong cuộc sống là điều vô cùng quan trọng

Giữ được sự bình tĩnh đối diện với mọi điều trong cuộc sống là điều vô cùng quan trọng

 Nếu biết cách giữ được bình tĩnh chúng ta có thể suy nghĩ rõ ràng để đưa ra quyết định đúng đắn và hợp lý. Đồng thời sự bình tĩnh giúp cải thiện mối quan hệ, giảm căng thẳng và tăng cường sức khỏe tinh thần. Nhờ vậy chúng ta không chỉ kiểm soát được cảm xúc mà còn tạo ra một môi trường sống tích cực và hài hòa.

 Câu Chuyện Cuộc Sống phát sóng vào lúc 19:50 Thứ Ba, Thứ Năm và Thứ Sáu hàng tuần trên kênh THVL1, Đài truyền hình Vĩnh Long.

Nguồn: truyền hình Vĩnh Long, Jet Studio
CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU TƯ BRIGHT STAR
Điện thoại/Fax: 028.62966189
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Đoàn Lê Khang
Địa chỉ: 4/6b Văn Chung, Phường 13, Q.Tân Bình, TP.HCM
LIÊN HỆ
Hotline: 0908 942 789
Email: brightstar24h@gmail.com