Có mẹ là giảng viên tiếng Trung, Tường Anh sớm được tiếp xúc với ngôn ngữ này. Tới năm lớp 5, cô bé chủ động xin mẹ học. Chữ viết tượng hình, lại nhiều nét nên thời gian đầu, Tường Anh khó nhớ mặt chữ. Em được mẹ dạy dùng bộ thủ (thành phần trung tâm cấu thành chữ Hán) để ghi nhớ.
“Mỗi bộ thủ có ý nghĩa riêng, nên ngoài chỉ học thuộc đơn thuần, em học chữ nào là gắn với ý nghĩa của nó nên nhớ lâu hơn“, Tường Anh nói.
Việc học tiếng Trung với Tường Anh không áp lực, vì mẹ vừa là cô giáo, vừa là bạn đồng hành. Mẹ “khảo bài” bằng cách đưa em đọc một số đoạn văn hay, rồi giúp chỉnh sửa cách phát âm, thảo luận về ý nghĩa.
Mùa hè lớp 9, Tường Anh đã đạt chứng chỉ tiếng Trung HSK 6/6 (cao nhất), sau đó đỗ thủ khoa lớp tiếng Trung của trường chuyên Ngoại ngữ (thi bằng tiếng Trung). Nữ sinh đặt mục tiêu tham gia Nhịp cầu Hán ngữ – cuộc thi nói tiếng Trung quốc tế lớn nhất thế giới, được tổ chức hàng năm dành cho học sinh và sinh viên (hai bảng thi riêng).
Để được thi quốc tế, học sinh phải đạt giải nhất ở vòng thi quốc gia, diễn ra vào cuối tháng 5/2024. Cuộc thi quốc gia có bốn vòng, gồm viết và trả lời câu hỏi, diễn thuyết với chủ đề cho trước, thi tài năng và diễn thuyết tại chỗ. Trước cuộc thi hơn hai tháng, Tường Anh bắt tay ôn luyện và xây dựng ý tưởng cho tiết mục tài năng. Nhờ sự chuẩn bị chu đáo cùng nền tảng tiếng Trung tốt, nữ sinh giành giải nhất và đạt mục tiêu.
Cuộc thi Nhịp cầu Hán ngữ quốc tế diễn ra trong hai tuần, gồm ba vòng thi lớn, trong mỗi vòng lại có 2-4 vòng thi thành phần, như trắc nghiệm trả lời câu hỏi, diễn thuyết, thi tài năng, lồng tiếng phim.
Có 5 tháng chuẩn bị, Tường Anh tìm hiểu và nắm bắt tin tức thời sự, văn hóa Trung Quốc bằng cách đọc báo, sử dụng các mạng xã hội của nước này. Được cho trước đề tài diễn thuyết về việc học tiếng Trung, nữ sinh lập dàn ý, hoàn thành bản viết trước rồi luyện nói để rèn ngữ điệu.
“Mình viết đi viết lại cả chục bản, cuối cùng lấy bản ở giữa vì ưng ý nhất”, Tường Anh kể.
XEM THÊM>>Bức thư tay xin hỗ trợ bạn cùng lớp của nữ sinh gây xúc động
Phần thi tài năng cũng được Tường Anh chăm chút. An kể học múa từ bé, hiện theo hệ trung cấp, Học viện Múa Việt Nam. Vì vậy, nữ sinh muốn đưa thế mạnh này lên sân khấu quốc tế. Bài múa của Tường Anh có hai phần chính, ẩn dụ về giai đoạn thời bình và thời chiến. Trong phần đầu, nữ sinh khoác chiếc áo choàng màu trắng thướt tha, thể hiện những điệu múa mềm mại. Ở phần sau, An múa kiếm với trang phục thể hiện sự khỏe khoắn, mạnh mẽ.
Cùng con gái xây dựng ý tưởng bài thi, chị Nguyễn Thị Hồng Nhân cho biết hai mẹ con cùng thống nhất chọn hình tượng Hoa Mộc Lan – một nữ anh hùng trong truyền thuyết của Trung Quốc. Bài thi của Tường Anh thể hiện tinh thần của nhân vật Mộc Lan: Sống với cốt cách dịu dàng, nữ tính trong thời bình, nhưng mạnh mẽ, sẵn sàng ra trận khi đất nước lâm nguy.
Để trang phục phù hợp, Tường Anh và mẹ đặt mua từ Trung Quốc và tự may thêm. Nữ sinh có những ngày cùng mẹ ra chợ, chọn từng bông hoa để đính lên áo choàng.
“Hai mẹ con tự mày mò tất cả. Dù vất vả nhưng có mẹ đồng hành, em rất vui“, Tường Anh nói.
Với nữ sinh, phần thi khó nhất là lồng tiếng phim. Thông qua một trích đoạn khoảng 1,5 phút, thí sinh được yêu cầu lồng tiếng cho nhân vật. Thời gian chuẩn bị là một đêm.
Tường Anh phải lồng tiếng cho Tôn Ngộ Không trong phim Tây Du Ký, trích đoạn Ngộ Không nói chuyện với Ngưu Ma Vương về việc mượn Quạt Ba Tiêu. Tường Anh dễ dàng thuộc lời thoại, nhưng diễn tả động tác, tiếng cười của Tôn Ngộ Không là thử thách không nhỏ.
“Nhân vật này có tiếng cười hí hí rất đặc trưng, lại di chuyển, nhảy nhót liên tục. Cả đêm mình cứ tập cười cho giống mà không hài lòng, cuối cùng phải cầu cứu một số anh chị đang làm lồng tiếng phim để được hướng dẫn“, Tường Anh kể.
Dù vậy, nữ sinh nhìn nhận đây là nội dung thi thú vị nhất vì mới mẻ, vượt ra ngoài kiến thức sách vở khô khan. Chưa kể, Tây Du Ký cũng là tác phẩm gắn với tuổi thơ của em.
Là người đồng hành với Tường Anh từ lúc ôn tới hai tuần thi chính thức, cô Đỗ Thủy Hạnh, giáo viên trường THPT chuyên Ngoại ngữ, nhận xét học trò có ngữ pháp chắc chắn, vốn từ vựng phong phú, phát âm tốt. Tường Anh từng giành giải nhì cuộc thi Tôi là diễn thuyết gia, nên cô Hạnh rất yên tâm về em ở các phần thi diễn thuyết.
Cô giáo cho biết ở vòng loại, ban tổ chức yêu cầu thí sinh diễn thuyết tại chỗ, nói về một địa điểm vừa được tham quan. Tường Anh nói về bảo tàng khảo cổ, chọn lát cắt về người thành lập bảo tàng đã dành 25 năm để tìm kiếm các hóa thạch có giá trị. Em liên hệ sự kiên trì đó với hành trình học tiếng Trung của mình.
“Tường Anh đứng đầu nhóm thí sinh châu Á với bài diễn thuyết này“, cô Hạnh nói. “Tôi đánh giá rất cao khả năng ứng biến của học trò“.
Với giải nhì, dù còn một chút tiếc nuối vì sơ suất ở phần thi trả lời câu hỏi, Tường Anh cảm thấy hài lòng, vì biết các bạn xếp trên mình đều rất xuất sắc.
Nữ sinh nói điều mong muốn nhất khi tham gia cuộc thi là quen nhiều bạn bè có cùng đam mê tiếng Trung. Trong hành lý, ngoài phục trang và tài liệu ôn tập, An mang theo đồ lưu niệm như móc khóa hình nón lá, đèn lồng, xích lô, rối nước… làm quà.
“Quá trình học tiếng Trung và việc góp mặt trong các cuộc thi như Nhịp cầu Hán ngữ cho mình cơ hội học hỏi kiến thức, sự tự tin của các bạn từ nhiều nền văn hóa. An thấy mình cởi mở và bạo dạn hơn“, Tường Anh chia sẻ.
Nữ sinh cho biết đang trong quá trình tìm hiểu nghề nghiệp, nên chưa đặt mục tiêu xa. Nếu có cơ hội, An muốn du học ngành ngôn ngữ tại các đại học hàng đầu Trung Quốc.