Bên cạnh ý kiến ủng hộ giữ xếp loại trong bằng tốt nghiệp THCS để đảm bảo tính công bằng và khuyến khích học sinh nỗ lực, số khác lại mong muốn bỏ xếp loại nhằm giảm áp lực với học sinh.
Quy định mới về tốt nghiệp THCS
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) công bố Thông tư 31/2023 về việc xét công nhận tốt nghiệp THCS. Theo đó, học sinh được cấp bằng tốt nghiệp ở bậc học này khi hoàn thành chương trình học tập và rèn luyện lớp 9, đồng thời không nghỉ học quá 45 buổi một năm. Bằng tốt nghiệp cũng không còn ghi xếp loại giỏi, khá, trung bình như quy định cũ (năm 2006).
Thông tư có hiệu lực từ ngày 15.2, áp dụng với học sinh tốt nghiệp THCS năm học 2024 – 2025.
Một điểm mới so với trước là tăng số lần xét tốt nghiệp trong một năm. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh, thành sẽ quyết định số lần xét tốt nghiệp của địa phương, nhưng không quá hai lần một năm. Trong đó, lần thứ nhất phải thực hiện ngay sau kết thúc năm học, lần hai (nếu có) phải hoàn thành trước khai giảng năm học mới.
Nhiều ý kiến khi bỏ xếp loại THCS
Chia sẻ về việc có nên bỏ xếp loại bằng tốt nghiệp THCS, chị Nguyễn Thị Mai Anh – phụ huynh có con học THCS tại Đông Triều (Quảng Ninh) – khẳng định, không nên bỏ việc xếp loại trong bằng tốt nghiệp đối với học sinh cấp THCS.
Theo chị Mai Anh, khi bỏ xếp loại chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến học sinh bởi sẽ không thể đánh giá được lực học của từng cá nhân.
“Theo tôi thấy, nếu như để xếp loại trên bằng tốt nghiệp giỏi, khá, trung bình sẽ hợp lý hơn, phụ huynh khi nhìn vào đó cũng sẽ biết được con mình học hành ra sao, giỏi môn nào, kém môn nào để điều chỉnh kịp thời.
Đồng thời, nếu có xếp loại, học sinh sẽ có mục tiêu học tập và phấn đấu. Còn không, khi chỉ có đánh giá đạt hay không đạt, học sinh sẽ ỉ lại, hời hợt trong học tập” – chị Mai Anh nói.
Khác với chị Mai Anh, chị Đỗ Thu Thảo – phụ huynh có con học THCS tại Ba Đình (Hà Nội) – lại có quan điểm ngược lại.
Xem thêm >> Năm 2023, chủ đề nào được tìm kiếm nhiều nhất trên trình duyệt Cốc Cốc?
Chị Thảo nhận định, việc không đề cập đến xếp loại giỏi, khá, trung bình của bằng tốt nghiệp là hợp lý vì giá trị sử dụng của bằng tốt nghiệp không bị thay đổi.
“Tốt nghiệp THCS là tiêu chí bắt buộc để học sinh dự thi vào lớp 10 THPT. Việc xét tuyển lớp sẽ dựa theo điểm thi hoặc điểm học bạ nên xếp loại ghi trên bằng tốt nghiệp THCS không cần thiết” – chị Thảo bày tỏ.
Đối với thầy Hà Quốc Anh – giáo viên Trường THCS Cầu Diễn (Hà Nội), việc bỏ xếp loại học sinh trong bằng tốt nghiệp THCS được giáo viên này ủng hộ.
“Thật ra, trước bất cứ một quy định mới nào cũng sẽ có những quan điểm đồng tình hay phản đối. Bản thân tôi thấy, nếu bỏ xếp loại bằng tốt nghiệp THCS sẽ giảm áp lực, không gây sự phân hóa, cảm giác khó chịu khi học sinh đi học. Đồng thời, các em sẽ nhận thấy bạn bè đồng trang lứa hài hòa với nhau, tạo động lực học tập, không áp lực điểm số.
Việc phân cấp bằng theo hình thức cũ gồm giỏi, khá hay trung bình sẽ là cơ sở để học sinh biết mình đang ở mức nào trong thang đánh giá điểm 10. Còn khi xếp loại đạt hay không đạt, giáo viên sẽ có thể nắm được năng lực của học sinh, nhận định việc tiếp thu bài, phát triển được năng lực như thế nào. Cốt lõi vẫn phải ưu tiên quá trình học tập của các em hơn là việc xếp loại” – thầy Quốc Anh nêu ý kiến.