Dự hội nghị, đoàn công tác CHDCND Lào có TS Phankhavong Samlane – Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Thể thao; ông Khamtanh Somvong – Tham tán Giáo dục Văn hóa – Đại sứ quán Lào tại Việt Nam; ông Souphanh Hadaoheuang – Tổng lãnh sự Lào tại TP Đà Nẵng; ông Phonesy Bounmixay – Tổng Lãnh sự quán Lào tại TPHCM.
Phía Bộ GD&ĐT có Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc và ông Nguyễn Hải Thanh – Phó Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế, cùng Tổng lãnh sự quán Lào tại Việt Nam, Đại Sứ quán Lào tại TPHCM, Đà Nẵng, các học viện, trường đại học có lưu học sinh Lào theo học…
Theo TS Khamtan Somvong, năm học 2023 – 2024, có 10.190 lưu học sinh Lào đang học tập ở các cơ sở giáo dục, đào tạo tại 54 tỉnh, thành ở Việt Nam. Trong đó lưu học sinh theo hiệp định giữa hai nhà nước là 3.417 người, các tỉnh kết nghĩa 4.244, tự túc kinh phí 1.058 và công ty tài trợ 141 người.
XEM THÊM>>Thêm học bổng cho du học sinh ngành trí tuệ nhân tạo
Lĩnh vực và bậc học của lưu học sinh Lào cũng khá đa dạng. Trong đó có 170 nghiên cứu sinh, 20 người theo học chuyên khoa 1, 637 theo học thạc sĩ, 5.976 học đại học, cao đẳng 1.427, dự bị tiếng Việt 1.342 và học văn hóa 531 người.
Để đảm bảo chất lượng, ông Khamtan Somvong đề nghị các cơ sở giáo dục Việt Nam kiểm tra đầu vào, tổ chức kiểm tra đánh giá lưu học sinh Lào như sinh viên Việt Nam. Cơ quan thẩm quyền Lào tuyển chọn người có khả năng và kiến thức phù hợp. Ông Khamtan Somvong khẳng định, Việt Nam đã đào tạo nguồn nhân lực cho Lào nhiều nhất trong các nước.
Cũng tại hội nghị, đại diện các trường đại học Việt Nam cho biết các lưu học sinh Lào tại Việt Nam sau khi tốt nghiệp về nước đã giữ các vị trí quan trọng trong các cơ quan tổ chức ở Lào.
PGS.TS Lương Minh Cừ – Hiệu trưởng Trường ĐH Cửu Long cho biết, hiện Trường đang có 57 lưu học sinh Lào đang học tập bậc đại học, sau đại học tại trường. Để thuận lợi cho học sinh có ý định học tập tại Việt Nam, trường đã mở trung tâm giảng dạy tiếng Việt tại Vientiane – thủ đô Lào.
Năm học tới trường tiếp nhận 80 lưu học sinh Lào, trong đó có 40 lưu học sinh du học tự túc. Năm học 2024-2025, trường cấp cho 5 tỉnh miền Trung và miền Nam Lào, mỗi tỉnh 5 suất học bổng thạc sĩ và đại học bao gồm học phí, chi phí ăn ở.
Lưu học sinh Lào được đào tạo tiếng Việt trong 12 tháng. Riêng với một số ngành y dược, do tính chất đặc thù ngành nghề, ông Cừ đề xuất chính quyền địa phương Lào chọn những học sinh có khả năng tiếng Việt và năng lực học tập tốt để có thể theo học tốt chương trình.
Về phía trong nước, ông Cừ đồng thời kiến nghị một số chính sách liên quan đến visa như cấp visa có thời hạn một khóa học, miễn hoặc giảm phí visa cho lưu học sinh Lào thay vì 12 tháng như hiện tại, không phân biệt trường công – trường tư trong cấp học bổng nhà nước cho lưu học sinh Lào…
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc đánh giá cao và biểu dương những kết quả tích cực của các cơ sở giáo dục đại học trong công tác đào tạo và quản lý lưu học sinh Lào, đồng thời đề nghị các cơ sở giáo dục cần tập trung nâng cao chất lượng đào tạo, trong đó chú trọng công tác kiểm định, đổi mới chương trình. Trong quá trình đào tạo lưu học sinh Lào, các cơ sở đào tạo cần thực hiện đánh giá thực chất, cần nhiều hơn sự quan tâm, động viên, hỗ trợ để các lưu học sinh có sự tự tin và nỗ lực cao hơn.