Nhiều đại gia công nghệ toàn cầu đang đối mặt thách thức lớn khi các cơ quan giám sát chống độc quyền ở cả hai bờ Đại Tây Dương điều tra cáo buộc họ có hành vi cạnh tranh không lành mạnh.
Xem thêm >> VNPT sở hữu băng tần “khủng”, mở đường cho mạng 5G
Điều này có thể dẫn đến việc những tên tuổi như Apple và Google bị chia tách. Theo Reuters ngày 24-3, trước mắt, số lượng cuộc điều tra chống độc quyền ngày càng tăng ở nhiều quốc gia sau khi Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ ra tay.
Cụ thể, các tập đoàn công nghệ bị cáo buộc xây dựng hệ sinh thái bất khả xâm phạm quanh sản phẩm của mình, khiến khách hàng khó chuyển sang dịch vụ đối thủ.
Hôm 20-3, Bộ Tư pháp Mỹ cảnh báo Apple rằng họ không loại trừ khả năng yêu cầu chia tách hãng này trong động thái nhằm khôi phục cạnh tranh. Bộ này đã bắt tay với 15 bang kiện nhà sản xuất điện thoại iPhone vì độc quyền thị trường điện thoại thông minh, cản trở đối thủ và thổi phồng giá.
Tại châu Âu, Apple, Meta Platforms và Alphabet (công ty mẹ của Google) có thể bị điều tra vì nghi ngờ vi phạm Đạo luật Thị trường số (DMA). Nếu bị phát hiện có sai phạm, các công ty này có thể bị phạt nặng hoặc thậm chí bị chia tách trong trường hợp tái phạm nhiều lần.
Vào năm ngoái, bà Margrethe Vestager, Ủy viên phụ trách vấn đề cạnh tranh của EU, cáo buộc Google có nhiều hành vi chống cạnh tranh trong kinh doanh công nghệ quảng cáo kiếm tiền và có thể phải thoái vốn.
Theo quan chức này, giải pháp duy nhất để tránh xung đột lợi ích dường như là yêu cầu Google bán một số tài sản. Điều này sẽ ngăn Google ưu tiên dịch vụ công nghệ quảng cáo số trực tuyến của mình so với các đối thủ. Bà Vestager dự kiến đưa ra quyết định cuối cùng vào cuối năm nay.
Google cho biết không đồng tình với các cáo buộc từ EU. Trong khi đó, Apple tin rằng vụ kiện tại Mỹ là sai về thực tế và pháp luật, đồng thời nhấn mạnh sẽ kháng cáo mạnh mẽ. Tại Mỹ, chưa công ty nào bị chia tách theo lệnh của cơ quan quản lý kể từ khi Tập đoàn Viễn thông AT&T rơi vào tình cảnh này 40 năm trước.
Nguồn: Theo Báo Người Lao Động