Hiện nay, các đối tượng xấu thường giả mạo nhân viên các sàn thương mại điện tử, hệ thống siêu thị và một số thương hiệu để gọi điện thoại thông báo và gửi quà tặng tri ân miễn phí. Từng bước, chúng tiếp cận và lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của nạn nhân thông qua hình thức làm nhiệm vụ online rất mong mọi người cảnh giác…
Bỗng nhiên được trúng thưởng món quà mà không mất khoản tiền nào, chị N.I.T cảm thấy vô cùng may mắn, chị kể lại: “Tôi nhận được thông báo trúng thưởng, sau đó gửi địa chỉ và tải app để nhận mã, 2 đến 3 ngày sau nhận đúng món quà được thông báo. Họ bảo tôi có cơ hội nhận được món quà cao hơn như ghế massage và tủ lạnh, nhưng phải chuyển tiền cho công ty để tăng doanh số, họ đảm bảo số tiền 3 đến 5 ngày sẽ nhận lại và có lãi. Ban đầu chuyển vài triệu thì nhận lại đúng số tiền và đúng số lãi. Sau đó tôi thấy thích nên chuyển liên tiếp tầm 5, 10 triệu, chuyển xong công ty bảo app của họ đang bị lỗi, bảo chuyển thêm đến khi app hết lỗi sẽ chuyển lại ngay lập tức. Tôi chuyển đến vài chục triệu , có lần chuyển cả trăm triệu. Khi hết tiền trong tài khoản, tôi gọi thì họ chặn liên lạc, tôi biết đã bị gạt”.
Bị lôi kéo bởi những món quà hấp dẫn, chị N.T.T.S cũng bị lừa số tiền không nhỏ, chị cho biết: “Tôi nhận được thông báo được quà tặng tri ân cuối năm, tôi cũng mừng. Các đối tượng lừa đảo hướng dẫn cách để nhận quà, họ kêu nạp phí 2 triệu đồng. Do nói chuyện nghe hay nên tôi đã nạp, hết lần này đến lần khác. Khi hết tiền tôi bị chặn, không liên lạc được”.
Thủ đoạn chung của các đối tượng là thông báo cho nạn nhân đã trúng giải thưởng lớn, dù không hề tham gia bất kỳ chương trình nào. Sau đó các đối tượng lừa đảo sẽ yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin cá nhân, chuyển một khoản tiền để nhận giải thưởng hoặc dụ dỗ nạn nhân làm nhiệm vụ online.
XEM THÊM>>Học sinh, sinh viên cảnh giác thuốc lá điện tử có bơm tinh chất ma tuý
TS Nguyễn Huỳnh Bảo Khánh (Trưởng bộ môn Tội phạm học, Trường Đại học Luật TP.HCM) chia sẻ: “Người sử dụng mạng xã hội click vào đường link sẽ nhận được quà. Tuy những món quà có giá trị không cao nhưng đã tạo niềm tin, rằng việc tặng quà là có thật và sau đó họ sẽ lôi kéo những người dùng vào nhóm, tiếp tục dùng cách để người sử dụng mạng xã hội hoặc người tiêu dùng tham gia sâu hơn vào những hoạt động theo mục đích của họ, bắt đầu bỏ tiền để đầu tư. Ban đầu người tiêu dùng cảm thấy mình được lợi ích rất lớn nhưng sau đó họ phải bỏ số tiền nhiều hơn và khi số tiền này ngày càng nhiều, họ hoàn toàn biến mất và lúc này người tiêu dùng sẽ mất một cái khoản tiền rất lớn”.
Nguyên nhân khiến nhiều người dễ dàng sập bẫy lừa đảo là do đối tượng lừa đảo tư vấn rất hợp tình, hợp lý, hướng dẫn cặn kẽ, thậm chí có trường hợp đối tượng còn nắm được thông tin cá nhân, lịch sử mua hàng của nạn nhân nên dễ tạo được lòng tin.
Thạc sĩ, Luật sư Đinh Quang Thắng (Đoàn Luật sư TP.HCM) đưa ra lời khuyên: “Chúng ta phải trang bị cho mình kiến thức. Hiện nay, các đối tượng lừa đảo rất tinh vi, chúng ta nên cảnh giác, không có đơn vị nào tự nhiên tặng cho mình những món quà tri ân”.
Khi đã bị hoặc thấy có dấu hiệu lừa đảo, cần báo ngay với cơ quan công an, chúng ta cố gắng lưu lại những thông tin, chứng cứ để trình bày. Chủ động tìm hiểu và kiểm tra xác minh danh tính đối tượng bằng cách liên hệ qua các trang thông tin chính thống, tuyệt đối không làm theo hướng dẫn, không thực hiện giao dịch chuyển tiền cho các đối tượng lạ để tránh mất tiền oan.