iCloud là một dịch vụ của Apple, cung cấp cho người dùng sử dụng các công cụ lưu trữ, sao lưu dữ liệu cho các thiết bị sử dụng hệ điều hành IOS. Ngoài ra, iCloud còn giúp định vị iphone, ipad, khóa thiết bị khi bị mất cắp, xóa dữ liệu trên thiết bị từ xa. Lợi dụng tính năng này, nhiều đối tượng đã tìm cách lừa đảo, trục lợi bằng cách cho vay tiền qua iCloud, sau đó lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Bẫy lừa đảo vay tiền qua iCloud
Với điều kiện thế chấp là giao tài khoản iCloud, người vay chỉ cần thoát khỏi tài khoản iCloud của mình và đăng nhập vào tài khoản iCloud bên cho vay cung cấp. Khoản tiền được cho vay phụ thuộc vào chiếc iphone, ipad của chủ sở hữu.
Do kẹt tiền lại không có tài khoản thế chấp, anh L.V.P – nạn nhân của vụ việc đã vay tiền theo hình thức trên và sau khi hoàn tất hết các thủ tục được vẽ ra, anh lại không nhận được tiền như thỏa thuận mà còn phải oằn mình để giải quyết những chiêu trò của bên cho vay. Anh L.V.P cho biết: “Mình có tìm hiểu thì bên đó nói thủ tục rất nhanh gọn, chỉ cần đăng kí tài khoản iCloud bằng điện thoại của mình là xong. Sau khi làm thủ tục thì điện thoại của mình đã bị đăng kí tài khoản iCloud của họ, mình tưởng đến đó là xong, nhưng mấy ngày sau mình liên tục nhận những cuộc gọi làm phiền, họ dùng đủ các thủ đoạn ranh mãnh để tống tiền mình. Họ hù dọa nếu không đưa tiền, họ sẽ làm những việc tổn hại đến thanh danh của mình. Mình phải trả cho họ khoản tiền khá lớn để mọi chuyện êm xuôi”.
Không cần thế chấp, có thể không cần gặp mặt, giải ngân nhanh chỉ sau vài phút, tất cả giao dịch xoay quanh một chiếc iPhone, iPad. Phương thức vay tiền qua iCloud như trên đã thực sự khiến nhiều người điêu đứng, thực chất đa phần đây là hình thức vay tiền núp bóng tín dụng đen.
XEM THÊM>>Cảnh báo: thủ đoạn lừa đảo vay tiền trực tuyến, bị ghép ảnh thờ vì nợ quá hạn
Cảnh giác vay tiền núp bóng tín dụng đen
Luật sư Bùi Trọng Hiển (Giám đốc Công ty Luật Bùi Trọng Hiển) cho biết: “Tại điều 201 Bộ luật hình sự quy định, người nào cho người khác vay với lãi suất cao gấp 5 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án chưa được xóa án tích mà còn vi phạm sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ 3 năm. Trong trường hợp phạm tội với mức thu nhập bất hợp pháp từ 100 triệu đồng trở lên sẽ bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 1 tỉ đồng hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Ngoài ra người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc công việc nhất định từ 1 đến 5 năm”.
Thực chất việc nắm iCloud là cách để các nhóm cho vay kiểm soát được khách hàng vay tiền. Thạc sĩ Lê Tấn Phước (Nguyên Trưởng Khoa CNTT, Trường Cao đẳng Công nghệ Thông Tin TP. HCM) cho biết: “Những hệ lụy có thể xảy ra là bị vô hiệu hóa thiết bị từ xa và chúng ta không sử dụng thiết bị được. Rất nguy hiểm là khi để lộ tài khoản iCloud, có thể bị theo dõi địa điểm, vị trí di chuyển. Ngoài ra là những thông tin cá nhân như danh bạ, hình ảnh, thông tin khi lưu trữ trên máy sẽ bị khai thác được, điều này gây ra rất nhiều hệ lụy cho chính chủ”.
Không chỉ rủi ro mất thông tin cao mà các đối tượng dùng thông tin cá nhân để thực hiện những hoạt động trái pháp luật. Để không rơi vào tình trạng trên, người dùng cần tránh xa những dịch vụ cho vay kiểm soát bằng tài khoản, người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin điều khoản dịch vụ và các quy định về hạn mức trả nợ trước khi quyết định vay tiền bằng bất cứ hình thức cho vay nào.