áo trắng
Chương trình Bác Sĩ Vui Vẻ
Trang chủ Điều bạn quan tâm Cảnh giác: chiêu trò lừa đảo mạo danh “Học kỳ Quân đội – Công an”

Cảnh giác: chiêu trò lừa đảo mạo danh “Học kỳ Quân đội – Công an”

Tình trạng các đối tượng lừa đảo lợi dụng học sinh trên khắp cả nước đang bước vào kỳ nghỉ hè, dẫn dụ các phụ huynh vào các trò lừa đảo trên mạng chưa dừng lại. Công an nhiều địa phương đưa ra các khuyến cáo để người dân cảnh giác, không trở thành nạn nhân của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.

Cảnh giác: chiêu trò lừa đảo mạo danh “Học kỳ Quân đội - Công an”

Chị L.T.N đến cơ quan Công an trình báo sự việc. Ảnh: Bộ Công an

Cảnh giác – Mất tiền tỉ vì cho con dự các trại hè fake

Theo Bộ Công an, mới đây Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Ninh Thuận tiếp nhận đơn trình báo của người dân ở TP Phan Rang – Tháp Chàm về việc bị lừa đảo chiếm đoạt hơn 1,6 tỉ đồng trên mạng xã hội.

Do có nhu cầu muốn cho con mình tham gia trải nghiệm, giao lưu, học tập trong dịp hè, một người dân trên địa bàn đã lên mạng xã hội tìm hiểu về các kỳ học Quân đội, Công an.

Ngày 28.5.2024, khi thấy mạng xã hội đề xuất trang “Học Kỳ Quân Đội Chính Quy” nạn nhân đã chủ động liên hệ, đăng ký cho con của mình tham gia. Sau khi liên hệ, chị được một đối tượng giới thiệu tải và tham gia hội nhóm trên ứng dụng Telegram. Tiếp đó, các đối tượng “dụ dỗ” chị thực hiện một số nhiệm vụ để hưởng hoa hồng, cũng như giúp “nhà tài trợ” chương trình tăng tương tác.

Ban đầu thực hiện một số nhiệm vụ, nạn nhân được hoàn trả tiền gốc và tiền hoa hồng theo lời “dụ dỗ”. Khi thực hiện nhiệm vụ lần thứ 6, các đối tượng nêu ra những lý do như thực hiện sai thao tác, thông tin chưa đầy đủ, sai câu lệnh và yêu cầu chị tiếp tục nạp tiền để hoàn trả tiền. Khi chuyển khoản đến lần thứ 15 và không nhận lại được tiền, lúc đó nạn nhân mới biết mình đã bị lừa.

Đầu tháng 5.2023, Công an TP Hà Nội cho biết, chị M (trú tại Hoàng Mai, Hà Nội) lên mạng xã hội Facebook để tìm cho con khóa học hè cho con. Chị thấy xuất hiện nhiều fanpage với các nội dung quảng cáo tham gia “Học kỳ trong Quân Đội 2024”.

Để tránh sự cảnh giác của nạn nhân khi các thủ đoạn về “thực hiện nhiệm vụ” đã được Công an TP Hà Nội và các phương tiện thông tin đại chúng tuyên truyền nhiều, các đối tượng chuyển từ yêu cầu “thực hiện nhiệm vụ” sang yêu cầu “khảo sát”. Chị M được yêu cầu thực hiện các “khảo sát” để đạt điểm tín nhiệm cao. Tham gia “khảo sát 1” với số tiền hơn 3 triệu đồng, “khảo sát 2” với số tiền hơn 10 triệu đồng, chị M đều được hoàn lại tiền và được trả phí khảo sát nhỏ.

Khi tham gia “khảo sát 3” với số tiền 35 triệu đồng, chị M không nhận được tiền. Các đối tượng lấy các lý do khác nhau để yêu cầu chị chuyển tiền và để lấy lại số tiền chưa được hoàn. Chỉ trong vòng 5 tiếng, chị M đã thực hiện các giao dịch chuyển tiền và bị chiếm đoạt hơn 1 tỉ đồng.

Xem thêm>> EURO 2024: Trái bóng công nghệ cao khiến Bỉ ôm hận

Tỉnh táo trước lời “mời gọi” hấp dẫn

Trao đổi với Báo Lao Động, chị Nguyễn Thị Thu (xã Việt Hùng, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) không giấu nổi bất bình khi cũng là một trong nhiều nạn nhân bị lừa khi đăng ký tham gia trại hè cho con trên một fanpage giả mạo. Do tin tưởng nội dung các trang Facebook trên là của cơ quan Nhà nước, chị Thu đã chuyển 5 triệu đồng để đăng ký cho con em mình tham gia.

Theo Bộ Công an, tình hình hoạt động của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua mạng viễn thông, mạng internet, mạng xã hội cả nước ngày càng diễn biến phức tạp, phương thức, thủ đoạn hoạt động được các đối tượng thay đổi hằng ngày, hằng giờ theo hướng tinh vi, gây thiệt hại lớn về tài sản.

Để không trở thành nạn nhân của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng chức năng, mỗi người dân cần nâng cao cảnh giác trước những lời “mời gọi” hấp dẫn trên không gian mạng…

Nguồn: laodong.vn
CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU TƯ BRIGHT STAR
Điện thoại/Fax: 028.62966189
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Đoàn Lê Khang
Địa chỉ: 4/6b Văn Chung, Phường 13, Q.Tân Bình, TP.HCM
LIÊN HỆ
Hotline: 0908 942 789
Email: brightstar24h@gmail.com