Chiều 19.5, nhiều bạn bè, đồng nghiệp đau xót, bàng hoàng chia sẻ thông tin của diễn viên, người mẫu Đức Tiến qua đời tại Mỹ. Nguyên nhân nam nghệ sĩ ra đi đột ngột ở tuổi 44 là do bệnh nhồi máu cơ tim.
Đây là căn bệnh nguy hiểm, có thể gây tử vong nếu không cấp cứu kịp thời. Các thống kê cho thấy, có đến 10% các ca nhồi máu cơ tim dẫn tới đột tử. Do đó, mỗi cá nhân, gia đình cần hiểu rõ, có cách phòng, chống và sơ cứu kịp thời khi gặp phải căn bệnh này.
Đầu tiên, cần phân biệt rõ nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Nhồi máu cơ tim xảy ra khi các động mạch vành bị co, tắc hoặc hẹp do tích tụ chất béo và các chất xơ. Các khối u (bệnh cảnh) cũng có thể gây cản trở, tắc nghẽn mạch máu dẫn đến nhồi máu cơ tim.
Trong khi đó, đột quỵ xảy ra khi mạch máu đến não bị tắc nghẽn hoặc vỡ, gây hủy hoại các vùng não do thiếu máu ôxy.
Theo Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, khi bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim, máu không thể chảy đến nuôi được phần cơ tim, làm một phần cơ tim bị chết đi, khiến nhịp tim rối loạn, tim ngừng đập và chết người.
Người bị nhồi máu cơ tim ban đầu có biểu hiện rất nhẹ, chỉ là những cơn đau ngực hoặc khó chịu ở dưới xương ức xuất hiện thoáng qua. Thậm chí, một số người không thể nhận thấy triệu chứng này cho đến khi các cơn đau khác xảy ra.
Tiếp đến, bệnh nhân sẽ cảm thấy đau ngực rõ ràng ở phần giữa xương ức, mỗi cơn đau kéo dài trong vài phút. Cơn đau có thể xuất hiện theo chu kỳ ngắn, khiến người bệnh cảm thấy ngực bị chèn ép, đau như dao đâm hoặc cảm thấy nghẹt thở.
Người bệnh có thể cảm thấy khó thở, kèm theo đau ở các vị trí khác như sau lưng, trên cổ, trên hàm hoặc vùng dưới dạ dày. Ngoài ra, còn có một số triệu chứng khác như toát mồ hôi lạnh, nôn, đau đầu…
Nếu có dấu hiệu kể trên, bệnh nhân nên đến bệnh viện gần nhất để kiểm tra và có cách điều trị kịp thời nếu thực sự mắc bệnh.
Nhồi máu cơ tim thường xảy đến với nam giới trên 45 và nữ giới trên 50 tuổi. Tuy nhiên, cả những người trẻ cũng có nguy cơ mắc phải căn bệnh này, dù tỉ lệ thấp hơn.
Đặc biệt, những người từng bị nhồi máu cơ tim rất có thể sẽ tái phát. Người có tiền sử gia đình mắc bệnh sớm như bố hoặc anh trai (dưới 55 tuổi), mẹ hoặc chị gái (dưới 65 tuổi) cũng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Ngoài ra, bệnh nhân đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, huyết áp cao, thường xuyên hút thuốc lá, béo phì… cũng dễ dẫn đến nhồi máu cơ tim.
Khi gặp người không may bị nhồi máu cơ tim, cần tìm cách sơ cứu nhanh nhất trước khi đưa tới bệnh viện cấp cứu. Theo đó, cần đặt bệnh nhân ngồi hoặc nằm, nới lỏng thắt lưng, quần áo để máu dễ lưu thông rồi gọi xe cấp cứu.
Nếu không thể chờ xe cấp cứu đến, có thể chủ động tìm cách chở bệnh nhân đến bệnh viện càng sớm càng tốt.
Nếu bệnh nhân còn ý thức, cho bệnh nhân nhai và nuốt một viên aspirin trong khi chờ cấp cứu. Loại thuốc này giúp ngăn ngừa tình trạng đông máu, giảm nguy cơ tổn thương tim. Tuy nhiên, không dùng aspirin nếu bệnh nhân bị dị ứng với thành phần của thuốc.
Tiến hành ép tim ngoài lồng ngực (Hồi sinh tim phổi – CPR) càng sớm càng tốt. Bởi, cứ mỗi 1 phút chậm trễ, người bệnh mất đi 10% cơ hội được cứu sống.