áo trắng
Chương trình Bác Sĩ Vui Vẻ
Trang chủ Lớp 12 Áp lực năm lớp 12, cha mẹ có thể làm gì để giúp con vượt qua?

Áp lực năm lớp 12, cha mẹ có thể làm gì để giúp con vượt qua?

Có rất nhiều áp lực đang đè nặng lên những cô cậu học trò lớp 12 khi các tiêu chí xét tuyển đại học ngày càng đa dạng và mở rộng. Bảng điểm xuất sắc, thi IELTS, hoạt động ngoại khóa, chia tay trường lớp, chuẩn bị cho tương lai, v.v… . Lớp 12 của thế hệ học sinh ngày nay rất khác với thế hệ của cha mẹ, do đó để giúp con cân bằng và không đánh mất chính mình trong “cuộc chiến năm cuối cấp”, cha mẹ cần có sự đồng cảm với thế hệ của con nhiều hơn qua những thông điệp được gửi gắm trong bài viết dưới đây.

Hiểu rõ định hướng và mong muốn của con

Một trong những sự khác biệt lớn nhất giữa thế hệ của con và cha mẹ nằm ở chỗ con có rất nhiều sự lựa chọn. Con có thể học đại học trong nước, đi du học, học nghề, thậm chí là “gap year” – nghỉ học 1 năm để lắng nghe bản thân và trải nghiệm trước khi quay lại học tập.

Riêng việc thi đại học trong nước hiện nay cũng sự thay đổi so với trước kia, con có thể thi tuyển hoặc nộp hồ sơ xét tuyển. Ngoài các trường đại học công lập, tại Việt Nam hiện nay cũng có sự xuất hiện của nhiều trường tư, trường quốc tế có chương trình đào tạo cử nhân uy tín, chất lượng với hình thức xét tuyển riêng phụ thuộc vào quy chế của từng trường.

Bên cạnh những sự lựa chọn trong nước, rất nhiều bạn trẻ ngày nay lại chọn phương án đi du học. Mỗi trường đại học ở các nước khác nhau lại có quy chế về học bổng và hình thức tuyển sinh riêng, và hầu hết các trường đều có yêu cầu nhất định về quá trình học tập và hoạt động của con trong suốt thời gian học phổ thông. Do đó nếu con mong muốn theo con đường này thì cần sớm bắt đầu tìm hiểu thông tin, cũng như đầu tư vào những hoạt động ngoại khóa và việc thi các chứng chỉ ngoại ngữ.

Chưa dừng lại ở đó, còn có nhiều ngành nghề mới đã và đang tiếp tục xuất hiện trong kỷ nguyên số. Làm kỹ sư, bác sĩ, hay giáo viên không còn là ưu tiên số một của thế hệ ngày nay nữa. Những cái tên như “Vlogger“, “Youtuber”, “Streamer”, “Khoa học dữ liệu”,v.v… có thể còn xa lạ với cha mẹ, nhưng với thế hệ trẻ ngày nay thì lại được cân nhắc như những nghề nghiệp vừa nghiêm túc vừa có triển vọng.

Trên đây mới chỉ là những ví dụ tiêu biểu nhất trong sự đa dạng của những sự lựa chọn mà con đang phải đối mặt. Sự đa dạng đó vừa là điểm lợi mà cũng vừa là điểm cần lưu ý bởi con có thể bị xao nhãng, việc gì cũng thích, cũng muốn thử. Sự thiếu quyết đoán này có thể khiến con mất đi nhiều cơ hội, bởi nếu không sớm đưa ra quyết định thì có thể con sẽ không có đủ thời gian để chuẩn bị cho mục tiêu cuối cùng của mình.

Sau khi đã hiểu được những áp lực mà con đang gặp phải, điều tiếp theo cha mẹ nên làm chính là lắng nghe những băn khoăn, chia sẻ từ phía con và cho con sự tin tưởng. Thông qua việc đồng hành cùng con, cha mẹ sẽ giúp con xác định được mục tiêu bằng chính những trải nghiệm và kinh nghiệm thực tế của mình.

Giúp con đặt ưu tiên và chinh phục từng đầu việc để đạt được mục tiêu

Sau khi xác định được mục tiêu lớn, việc quan trọng tiếp theo cần phải làm chính là xây dựng một lộ trình để chinh phục nó. Đầu tiên con cần nắm rõ thông tin tuyển sinh và những mốc thời gian quan trọng, tiếp đó là đặt ra các mục tiêu nhỏ và đặt thời hạn để hoàn thành chúng, cuối cùng là sắp xếp một thời gian biểu để hỗ trợ con trong việc quản lý thời gian. Thông qua việc làm tốt từng mục tiêu nhỏ đúng thời hạn đã đề ra, càng ngày con sẽ càng tới gần hơn với mục tiêu lớn. Phương pháp này sẽ hiệu quả với bất kỳ mục tiêu nào, cho dù con muốn thi đại học, du học hay gap year.

Lấy ví dụ như nếu con muốn thi đại học tại Việt Nam, con cần theo dõi sát sao những thông báo mới nhất từ Bộ Giáo dục và Đào tạo để nắm được quy chế tuyển sinh. Tiếp đó, con cần vạch ra những mốc quan trọng và sắp xếp chúng theo trình tự thời gian, cụ thể như khi nào là hạn nộp hồ sơ, ngày bao nhiêu con sẽ thi, và khi nào sẽ có kết quả. Cuối cùng là thiết lập thời gian biểu theo tuần, theo tháng, hoặc bất cứ cách nào phù hợp với con.

Vậy, vai trò cụ thể của cha mẹ trong giai đoạn này là như thế nào? Đứng trước khối lượng công việc khổng lồ từ theo dõi thông tin tuyển sinh đến ôn tập hiệu quả, chắc chắn con sẽ cảm thấy vô cùng bối rối và mất động lực. Cha mẹ hãy cùng con bao quát và sắp xếp công việc sao cho cân bằng giữa học tập, giải trí và nghỉ ngơi. Đừng ép hay thúc giục con vào thời điểm này, mà hãy động viên con tự cam kết với kế hoạch do chính con tự đề ra. Bất cứ ai cũng sẽ cảm thấy có trách nhiệm hơn khi làm những công việc tự mình chủ động đề xuất.

Trong giai đoạn này con bị tác động bởi nhiều điều, nên con rất cần cha mẹ ở bên khuyến khích và động viên. Nếu con có vô tình xao nhãng hay mất tập trung thì cũng là chuyện vô cùng bình thường. Cha mẹ không nên ngăn cấm hay quá khắt khe khi con dành thời gian ở trường với bạn bè hay vui chơi bởi con cần những điều đó để cân bằng cảm xúc. Có được sự đồng cảm của cha mẹ, con mới đủ sức mạnh và động lực để quyết tâm chinh phục mục tiêu của mình.

Quan tâm đến những áp lực và sức khỏe tinh thần của con

Một điểm quan trọng nữa, đó chính là ở thời điểm sắp bước vào tuổi trưởng thành, con thường có nhu cầu khẳng định bản thân rất lớn, do đó vô tình tự tạo thêm áp lực cho chính mình. Nhiều cha mẹ chia sẻ rằng lớp 12 thì vẫn còn rất nhỏ, chưa phải lo toan bộn bề cuộc sống thì không có lý do gì phải căng thẳng. Nhưng sự thật thì lại không hẳn là như vậy.

Bên cạnh những áp lực trong việc định hướng tương lai và học tập, con còn đang trải qua rất nhiều cảm xúc của tuổi học trò. Có thể con đang buồn vì sắp phải chia tay những người bạn thân, những người thầy cô mà con yêu quý, hay thậm chí là con đang bối rối với câu chuyện tình yêu học trò năm cuối cấp rồi sẽ ra sao sau khi tốt nghiệp. Cha mẹ đừng nghĩ rằng nếu nghiêm khắc hơn trong các vấn đề liên quan đến mối quan hệ bạn bè, yêu đương thì con sẽ ổn, bởi áp lực là thứ cần thiết để biến con từ một học sinh lớp 12 thành một người có trách nhiệm và trưởng thành hơn. Thứ con cần là đối mặt và giải quyết gốc rễ vấn đề chứ không phải chạy trốn. Con cần thời gian để làm quen với mọi sự thay đổi và cũng sẽ rất dễ bị tổn thương nếu không có gia đình và người thân ở bên cạnh làm chỗ dựa tinh thần. Cho dù con có là một đứa trẻ mạnh mẽ, thì bất cứ chuyện gì xảy ra trong thời gian cuối cấp này đều có khả năng gây ảnh hưởng ít nhiều đến tâm lý của con.

Cha mẹ không thể thay con xử lý mọi vấn đề ở độ tuổi này, nhưng có rất nhiều điều cha mẹ có thể làm để giúp con giải tỏa những áp lực tinh thần. Có thể kể đến như khuyến khích con tham gia các hoạt động thể thao, dành thời gian đi chơi với bạn bè, hay tổ chức các hoạt động gia đình như đi du lịch ngắn ngày, đi ăn tối, v.v… Nhiều bố mẹ thường nghĩ vui chơi giải trí là không hợp lý khi học lớp 12, nhưng lại quên mất một điều rằng chi khi tinh thần thoải mái và ổn định thì việc học tập mới đạt hiệu quả cao. Vận động thể chất hay giao tiếp xã hội đều là những yếu tố giúp con người giải tỏa áp lực tâm lý, do đó cha mẹ nên khuyến khích con kết hợp giữa học tập, vận động cơ thể và trò chuyện chia sẻ để cân bằng hơn. Cho dù việc chuẩn bị cho đại học có rất quan trọng, thì sức khỏe của con – đặc biệt là sức khỏe tinh thần – vẫn là điều quan trọng nhất.

Bước lên tuổi 18 là dấu mốc vô cùng quan trọng, và cho dù con có chinh phục được mọi thứ như kỳ vọng hay không, thì con cần nhớ thật kỹ một điều rằng chặng đường phía trước còn rất dài, và cuộc sống còn thật nhiều điều để con khám phá. Cha mẹ hãy là những người thông thái và chỉ cho con biết điều đó, để con luôn tin tưởng vào cuộc sống và vào chính bản thân con.

Nguồn: chame.rmit.edu.vn
CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU TƯ BRIGHT STAR
Điện thoại/Fax: 028.62966189
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Đoàn Lê Khang
Địa chỉ: 4/6b Văn Chung, Phường 13, Q.Tân Bình, TP.HCM
LIÊN HỆ
Hotline: 0908 942 789
Email: brightstar24h@gmail.com