Sau hơn 3 tháng chuẩn bị hồ sơ, Vũ Thu Hằng trúng tuyển vào Đại học Oxford (Vương Quốc Anh) để theo đuổi chương trình thạc sĩ giáo dục.
Từ nhỏ, Vũ Thu Hằng (SN 2002, Hải Dương) đã đam mê ngoại ngữ. Sau khi giành giải nhất học sinh giỏi quốc gia môn tiếng Anh, Hằng được tuyển thẳng vào 3 trường Đại học Ngoại thương, Đại học Y Hà Nội và Đại học Ngoại Ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội).
Quá trình theo học ngành Sư phạm tiếng Anh, trường Đại học Ngoại Ngữ, Thu Hằng không chỉ nổi bật khi trở thành thủ khoa tốt nghiệp toàn trường với điểm tổng kết gần như tuyệt đối 3.97/4.0, mà còn bởi bảng vàng thành tích ấn tượng trải dài từ học thuật tới các hoạt động ngoại khoá.
Tháng 4/2023, cô nàng nhận được thư trúng tuyển từ Đại học Oxford. “Với em, Đại học Oxford thực sự là giấc mơ thành sự thật”, Hằng xúc động nói.
Theo bảng xếp hạng Times Higher Education (THE) 2024, Đại học Oxford là trường đứng đầu danh sách những trường đại học tốt nhất thế giới và đã giữ vị trí này 8 năm liên tiếp. Cô gái Việt sẽ bay sang Anh để bắt đầu học từ tháng 10/2024.
“Em chắc sẽ mãi nhớ những ngày miệt mài chuẩn bị hồ sơ, các buổi tối muộn về nhà khi đã quá nửa đêm và cả trang nhật ký dài viết trong lo lắng”, Hằng nhìn lại hành trình chinh phục học bổng.
Xác định sẽ theo đuổi chương trình thạc sĩ tại nước ngoài từ năm nhất đại học nên cô nàng luôn ưu tiên duy trì kết quả học tập ở trường tốt nhất có thể, đồng thời tích cực tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học.
Theo Hằng, điểm GPA và kinh nghiệm nghiên cứu là những tiêu chí quan trọng trong hồ sơ ứng tuyển thạc sĩ vào Đại học Oxford. Bên cạnh các hoạt động học tập và nghiên cứu, Hằng cố gắng tham gia các hoạt động ngoại khoá cùng Đoàn thanh niên – Hội sinh viên và các chương trình giáo dục tình nguyện kết hợp hoạt động thực tập để trải nghiệm.
Thu Hằng là gương mặt đại biểu thanh niên ưu tú của trường Đại học Ngoại ngữ, đạt danh hiệu sinh viên 5 tốt cấp Trung ương 2023, gương mặt trẻ tiêu biểu Đại học Quốc gia Hà Nội hai năm liên tiếp 2022, 2023…
“Những trải nghiệm hoạt động ngoại khoá, đặc biệt là các chương trình cùng Đoàn thanh niên – Hội sinh viên dù không trực tiếp liên quan tới hồ sơ ứng tuyển thạc sĩ, nhưng đã góp phần rất quan trọng giúp em trưởng thành hơn về tư duy, kỹ năng và tinh thần trách nhiệm với cộng đồng”, Hằng chia sẻ.
Cô nàng cũng thấy rằng, chính việc liên hệ được các mục tiêu phát triển cá nhân với trách nhiệm xã hội là yếu tố quan trọng trong bài luận nói riêng và tổng thể cả hồ sơ nói chung.
Hồ sơ ứng tuyển chương trình thạc sĩ vào Đại học Oxford bao gồm bảng điểm, một bài luận cá nhân, hai bài viết học thuật, ba lá thư giới thiệu từ thầy cô và chứng chỉ ngoại ngữ. Để hoàn thiện tất cả những nội dung này cô bạn đã cần khoảng gần 3 tháng tập trung chuẩn bị.
Trong đó, điểm GPA và chứng chỉ ngoại ngữ là hai nội dung “cứng” trong yêu cầu của gần như tất cả các chương trình thạc sĩ nên ứng viên có thể bắt đầu chuẩn bị từ sớm.
Về thư giới thiệu, khi liên hệ xin thầy cô giới thiệu, Hằng cũng chuẩn bị thêm một bản mô tả các phẩm chất, đặc điểm mong được thầy cô giúp nhấn mạnh và minh chứng cụ thể cho từng nội dung đó.
Một kinh nghiệm ý nghĩa trong quá trình ứng tuyển theo Hằng là hãy mạnh dạn xin sự giúp đỡ. Sau cùng, cô nàng thừa nhận bản thân rất may mắn đã được thầy cô, anh chị và bạn bè hỗ trợ nhiều cả về chuyên môn, kinh nghiệm và tinh thần.
“Thời điểm đầu, em đã rất ngại phải nhờ sự giúp đỡ của mọi người và cũng chưa tự tin chia sẻ về ước mơ. Nhưng sau một thời gian, em nhận ra chỉ cần chủ động, dũng cảm trình bày nguyện vọng và xin sự hỗ trợ từ thầy cô, bạn bè một cách chân thành, em có thể nhận được rất nhiều sự động viên và giúp đỡ rất ý nghĩa”, cô nàng tâm sự.
Với chương trình thạc sĩ Thu Hằng ứng tuyển, Đại học Oxford còn yêu cầu ứng viên nộp thêm hai bài viết học thuật về các chủ đề cần liên quan đến ngành học và phải thể hiện được những năng lực mà chương trình đang tìm kiếm ở ứng viên. Ở phần này, Hằng tập trung thể hiện khả năng viết học thuật, xây dựng luận điểm và hiểu biết chuyên môn.
Cuối cùng là Tuyên bố cá nhân (Personal Statement) thể hiện động lực, lĩnh vực quan tâm cụ thể, kinh nghiệm học thuật, nghiên cứu và dự định tương lai của ứng viên. Từ dàn ý đầu tiên đến bài gửi cuối cùng, Thu Hằng đã viết và sửa lại khoảng 15 bản trong gần 2 tháng.
Bài luận gửi Đại học Oxford của Thu Hằng mở đầu trực tiếp. Cô nàng nêu rõ ở câu đầu tiên hai động lực lớn nhất khi ứng tuyển là đam mê nghiên cứu giáo dục và mục tiêu trở thành chuyên gia có ảnh hưởng trong lĩnh vực giáo dục, đóng góp tích cực cho các chính sách, chương trình giáo dục tại Việt Nam.
Ở phần tiếp theo của bài, Thu Hằng chia sẻ về những kinh nghiệm học thuật, nghiên cứu và nhấn mạnh vào việc những kinh nghiệm đó đã chuẩn bị cho bản thân kiến thức, kỹ năng cụ thể nào sẵn sàng chinh phục chương trình thạc sĩ sắp tới.
Phần cuối cùng của bài, Thu Hằng chia sẻ về dự định tương lai và giải thích vì sao chương trình thạc sĩ giáo dục tại Oxford sẽ giúp cô bạn hiện thực hoá mục tiêu.
Một yếu tố quan trọng giúp cô nàng thuyết phục các thầy cô tuyển sinh trong bài luận gửi Đại học Oxford chính là mục tiêu và quyết tâm đóng góp cho giáo dục Việt Nam. “Mục tiêu của em sau khi hoàn thành chương trình học thạc sĩ sẽ trở về nước công tác và tham gia vào các hoạt động giáo dục, như làm giáo viên chẳng hạn”, Hằng chia sẻ.
TS Trần Thị Lan Anh, Phó trưởng khoa Sư phạm tiếng Anh, trường Đại học Ngoại ngữ biết Thu Hằng từ năm 2022 và dạy trong lớp “Phương pháp luận nghiên cứu khoa học”.
“Ngay từ đầu khóa học, Hằng đã gây ấn tượng với tôi bởi tinh thần ham học hỏi và sự tham gia rất tích cực của em vào các nội dung môn học. Em luôn chủ động đóng góp và đưa ra những câu hỏi, chiêm nghiệm sâu sắc dựa trên kinh nghiệm nghiên cứu trước đó. Với sự xuất sắc trong học tập và năng lực nghiên cứu , Hằng sẽ toả sáng ở Đại học Oxford”, TS Lan Anh đánh giá.