Thạc sĩ – Giảng viên bộ môn Dinh dưỡng và Ẩm thực, Minh Thủy cho biết: khẩu vị người Bắc thiên về vị ngọt của mì chính, còn miền Trung thiên về vị cay và mặn. Trong khi đó, ẩm thực miền Nam thiên về vị ngọt, chua và béo.
Ẩm thực Việt Nam từng vùng miền
Ẩm thực Việt Nam là một bức tranh đa dạng và phong phú, là sự kết hợp hài hòa giữa các yếu tố địa lý, khí hậu. Ẩm thực Việt Nam vừa mang bản sắc riêng của từng dân tộc vùng miền, vừa giữ được tinh hoa hồn Việt trong từng món ăn. Xuất hiện trong chương trình Kính Đa Chiều phát sóng trên kênh VTV9, Thạc sĩ – Giảng viên Minh Thủy đã khái quát chung về đặc trưng của nền ẩm thực Việt Nam qua ba miền Bắc Trung Nam.
Theo Thạc sĩ – Giảng viên, Minh Thủy, cơm là món ăn chủ yếu trong cuộc sống hàng ngày của người Việt. Vốn dĩ Việt Nam là cái nôi của nền văn minh lúa nước, trong đó nông nghiệp là ngành kinh tế quan trọng bậc nhất của đất nước, nên lúa gạo là nguồn lương thực chính của người dân Việt Nam. Khác với châu Âu, Việt Nam là quốc gia thuộc vùng nhiệt đới gió mùa nóng ẩm, chia làm ba miền rõ rệt là Bắc Trung Nam nên canh là món ăn phổ biến của cả ba miền và là món dùng để giải nhiệt.
Mỗi bữa cơm của người Việt thường có ít nhất ba món gồm cơm, canh và món kho hoặc món mặn. Trong đó, người Việt thường ăn cá nhiều hơn thịt vì địa lý Việt Nam có bờ biển dài 3260km, cung cấp nền thủy hải sản đa dạng và phong phú.
Tuy ẩm thực Việt Nam mang những điểm chung là vậy nhưng tùy vào đặc điểm về địa lý, văn hóa, khí hậu mà người dân lại có những khẩu vị đặc trưng riêng của từng vùng miền. Chính điều này góp phần làm nền ẩm thực Việt Nam thêm đa dạng màu sắc.
Định kiến trọng nam khinh nữ còn xuất hiện trong bữa ăn?
Thạc sĩ – Giảng viên Minh Thủy cho rằng để phân tích món ăn, thức uống thì dựa vào 5 yếu tố khoa học gồm: địa lý, kinh tế, khí hậu, con người, lịch sử. Dựa trên 5 yếu tố này mà tùy từng vùng miền sẽ có những đặc điểm riêng về ẩm thực. Trong đó, Thạc sĩ – Giảng viên Minh Thủy nhận định ẩm thực miền Bắc có phần khá bảo thủ vì trong lịch sử từng bị quân phương Bắc đô hộ gần 1.000 năm nên người dân luôn giữ gìn bản sắc văn hóa qua từng món ăn nhằm không bị đồng hóa.
Nữ khách mời cho biết: “Vì người dân không muốn bị hòa tan nên “giấy rách phải giữ lấy lề”. Có thể có những điều bị phai nhạt nhưng về ẩm thực rất bảo thủ”. Điều này thể hiện rõ trong phong cách ăn uống của người dân miền Bắc. Cụ thể, khi đến giờ cơm trong gia đình người Bắc, dẫu ai đang bận việc gì thì cũng gạt sang một bên để ngồi cùng người thân dùng bữa. Các thành viên trong nhà thường ngồi xung quanh mâm cơm và trước mỗi bữa ăn đều phải có lời mời riêng từ lớn đến nhỏ nhằm thể hiện thứ bậc tôn ti trật tự của gia đình.
Thậm chí, Thạc sĩ – Giảng viên Minh Thủy còn cho rằng định kiến trọng nam khinh nữ còn xuất hiện trong bữa ăn của người dân miền Bắc. Chẳng hạn trong mâm cơm cúng thì người dân thường sử dụng gà trống, mặc dù thịt gà mái được cho là ngon hơn. Thạc sĩ – Giảng viên Minh Thủy nhấn mạnh: “Miền Bắc đến bữa thì mọi người ngồi chung, mâm cơm dọn chung nhưng ăn riêng. Trong mâm cơm người Bắc tối thiểu phải có 3 món gồm cơm, canh, kho hay mặn. Món mặn thường là cá. Ngày giỗ hay Tết thì cầu kỳ hơn khi phải có 4 món tương ứng với 4 bát 4 đĩa. Nếu gia đình khá hơn sẽ là 6 bát, đĩa hoặc 8 bát, đĩa. Thậm chí, còn có 1 – 3 tầng, tùy theo số tầng thể hiện mức độ khá giả của gia đình”, nữ khách mời chương trình chia sẻ.
XEM THÊM>>Ăn ngon xả stress: Những lựa chọn “phản chủ”
Mỗi món ăn đều có câu chuyện riêng, phản ánh cuộc sống và tâm hồn của người Việt
Để nhận diện đặc trưng ẩm thực của từng vùng miền, Thạc sĩ – Giảng viên Minh Thủy cho rằng có thể phân biệt qua khẩu vị của từng nơi. Cụ thể, khẩu vị của miền Bắc thường thiên về vị ngọt của mì chính, hay còn gọi là bột ngọt. Khẩu vị của miền Trung thiên về vị mặn và cay. Riêng miền Nam thiên về vị ngọt, chua, béo, trong đó vị ngọt của đường, chua của me và béo của nước cốt dừa.
Như vậy, mỗi vùng miền có những nét đặc trưng riêng về ẩm thực, tạo nên bức tranh đa màu sắc. Sự khác biệt này không chỉ nằm ở nguyên liệu hay cách chế biến, mà còn phản ánh sâu sắc đặc điểm địa lý, kinh tế, khí hậu, con người và lịch sử của từng vùng miền. Mỗi món ăn đều có câu chuyện riêng, phản ánh cuộc sống và tâm hồn của người Việt. Dẫu là Bắc, Trung hay Nam, ẩm thực Việt đều mang những đặc điểm riêng và là niềm tự hào của người Việt trên toàn thế giới.