Tự tin là một trong những món quà lớn nhất cha mẹ có thể tặng cho con trẻ.
Carl Pickhardt, một nhà tâm lý học và là tác giả của 15 đầu sách dành cho các bậc phụ huynh, cho rằng, một đứa trẻ thiếu tự tin sẽ do dự khi cần thử một điều gì mới mẻ hoặc mang tính thử thách vì chúng sợ bị sai hoặc làm phiền người khác.
Điều này cản trở con trẻ thực sự tham dự vào cuộc sống và ngăn cản cơ hội có được một sự nghiệp thành công.
“Kẻ thù của tự tin là dễ nản lòng, và sợ hãi”, ông nói. Vậy nên, là cha mẹ, chúng ta cần khuyến khích và hỗ trợ trẻ khi chúng chuẩn bị đối mặt với các nhiệm vụ khó.
Vì vậy, từ khi còn nhỏ cha mẹ hãy dạy trẻ những điều dưới đây để khi lớn lên chúng trở thành những người độc lập và tự tin:
1. Giao trách nhiệm cho trẻ
Xem thêm >> Làm sao để trẻ em thực sự an toàn khi ngồi trên ô tô?
Cách dễ dàng để nuôi dưỡng sự tự tin ở trẻ là giao nhiệm vụ cho con. Cha mẹ hãy để con làm những công việc cần thiết nhưng đơn giản như giúp nấu bữa tối hoặc chăm sóc em.
Trẻ phát triển đúng khi biết mình là một phần không thể thiếu của gia đình. Trẻ sẽ trở nên đáng tin cậy, tận tâm và tự tin.
2. Không làm việc thay con
Vì nghĩ trẻ còn nhỏ nên trong một số công việc bố mẹ vẫn làm thay. Tuy nhiên, suy nghĩ này lại gây ra những hậu quả tiêu cực trong việc phát triển tính cách độc lập của trẻ sau này.
Làm việc nhà, giúp bố mẹ những công việc lặt vặt, tự hoàn thành công việc của bản thân là cách để trẻ học cách làm việc và chịu trách nhiệm. Nếu bị tước đi những bài học này, trẻ sẽ trẻ nên thụ động, không khám phá được những năng lực tiềm ẩn bên trong.
3. Trân trọng các cố gắng, không quan trọng thắng thua
Khi con lớn lên, con sẽ thấy rằng quá trình làm quan trọng hơn đích đến.
Nên khi con ghi được bàn thắng hay có đá trật bóng ra khỏi khung thành, hãy cười vui, con trẻ sẽ không phải bối rối bởi con đã cố mà.
Kiên trì, kiên nhẫn cố gắng hết sức sẽ khiến con trẻ tự tin hơn là đôi khi chúng làm đúng được việc gì đó.
4. Cha mẹ chia sẻ khó khăn của mình với trẻ
Là người lớn, các bậc phụ huynh hiểu rõ rằng mọi thứ đều khó khăn, ai cũng mắc sai lầm. Nhưng trẻ nhỏ vẫn chưa nhận thức rõ điều đó.
Bạn có thể giúp con hiểu rằng việc đối mặt với thử thách là điều bình thường bằng cách chia sẻ khó khăn trong công việc, cuộc sống của mình với trẻ. Và điều quan trọng hơn là bạn làm gì để vượt qua những thử thách này.
5. Cho trẻ quyền quyết định
Để trẻ tự tin, kỹ năng quan trọng nhất bố mẹ cần lưu ý chính là cho trẻ quyền quyết định. Trẻ càng lớn càng tăng sự lựa chọn cho con. Ví dụ: Khi đi siêu thị với một đứa bé 3 tuổi, con đòi mua đồ ăn vặt, cha mẹ có thể nói: “Con không thể mua tất cả mọi thứ nhưng có quyền lựa chọn giữa nước ngọt, kẹo hoặc đồ chơi”.
Tự chọn quần áo cũng là phương pháp tốt bố mẹ nên khuyến khích con. Có quyền lựa chọn những gì thuộc về mình sẽ giúp trẻ xây dựng sự tự tin, đồng thời tăng tính trách nhiệm với trẻ.
6. Khuyến khích tập luyện để tăng khả năng lực
Khuyến khích con luyện tập những gì con thích, nhưng không tạo áp lực lên việc con làm.
Harmony Shu, một “quái nhân” đàn piano, nói với Ellen DeGeneres rằng cô ấy bắt đầu luyện tập đàn từ lúc mới 3 tuổi.
“Luyện tập đòi hỏi nỗ lực một cách tự tin, vì biết rằng sự tiến bộ sẽ là phần thưởng tiếp theo sau nỗ lực” – Pickhardt giải thích.
7. Hỏi ý kiến của trẻ
Theo Business Insider, khi hỏi ý kiến của con cái, bạn cho trẻ thấy suy nghĩ và cảm xúc của chúng được cha mẹ quan tâm.
Vì vậy, nếu muốn học cách nuôi dạy một đứa trẻ tự tin, phụ huynh nên hỏi ý kiến của trẻ để chúng cảm thấy có giá trị và được tôn trọng. Trẻ sẽ tin rằng con có khả năng tạo ra tác động đến thế giới xung quanh.
8. Cho trẻ nuôi thú cưng
Nuôi thú cưng có nhiều ích lợi cho sự phát triển tinh thần cũng như thể chất của trẻ. Tuy vậy, chọn nuôi loài nào, phù hợp và đảm bảo sự an toàn cho các thành viên gia đình hay không, cha mẹ cần cân nhắc kỹ.
Cho thú cưng ăn là cách dạy trẻ biết chăm sóc một đối tượng khác. Ngoài ra việc vui chơi với động vật cũng cải thiện được một số kỹ năng xã hội, cũng như hiểu được tình yêu thương, san sẻ.
9. Không chỉ trích cách trẻ “thể hiện”
Chẳng gì làm trẻ cụt hứng hơn việc bị chế diễu việc trẻ đang cố làm. Nhận xét một cách có gợi ý và thử các đề nghị để lựa chọn – nhưng không bao giờ bảo rằng việc trẻ đang làm là xấu.
Nếu trẻ sợ bị thất bại, vì trẻ lo rằng cha mẹ sẽ bực mình hoặc thất vọng, trẻ sẽ không bao giờ thử cách mới.
“Thường thì các lời nhận xét có tính phê phán của bố mẹ chỉ làm trẻ cụt hứng và mất khả năng tích cực” – nhà tâm lý Carl Pickhardt nói.
10. Tập trung vào quá trình cố gắng của trẻ
Khi bạn khen ngợi con cái, hãy tập trung vào quá trình chứ không phải kết quả. Cha mẹ nên khuyến khích trẻ bằng cách thừa nhận những nỗ lực khó khăn của bé để đạt được điểm cao và mọi việc trong cuộc sống.
Trẻ sẽ học được việc phạm sai lầm là điều hoàn toàn ổn khi chúng tự tin tiếp tục thực hiện điều chưa hoàn thành.