Cải thiện tâm trạng lo lắng
Nhiều năm nay, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 được ví là một cuộc đua căng thẳng kinh hoàng, thậm chí còn hơn cả thi vào đại học, bởi tỉ lệ “chọi” rất cao, nhất là ở các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM. Chính vì thế, nhiều thí sinh sẽ gặp phải sự lo lắng trước kỳ thi.
Theo nhóm chuyên gia tâm lý của Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, nếu cảm thấy lo âu, mất bình tĩnh, bạn nên kiểm tra cơ thể và đánh giá xem lo âu khiến cơ thể bạn thế nào. Bạn có cảm thấy căng cứng, tim đập nhanh hơn? Khi đó, hãy hít thở sâu để giúp cơ thể và tâm trí bình tĩnh lại.
Cùng với đó, bạn cần tìm ra vấn đề nào khiến bạn cảm thấy lo lắng nhất, cố gắng sử dụng những kỹ năng giải quyết vấn đề tìm ra giải pháp hiệu quả. Bạn cũng có thể tạo “thời gian riêng cho việc lo lắng”, trải nghiệm những lo lắng mang tính giả định và dừng chúng lại trong thời gian đó.
Một trong những biện pháp làm giảm sự lo lắng là luyện tập hít thở sâu, co – giãn cơ thư giãn hay tìm ai đó để tâm sự về những lo lắng của bạn.
Bên cạnh việc thực hiện các chiến lược như hít thở sâu, căng – giãn cơ thư giãn,… bạn cần lưu ý phân bổ thời gian học tập hợp lý, có thời gian nghỉ giữa các giờ học.
Xem thêm >>Từ bây giờ học sinh lớp 11 cần chuẩn bị gì?
Cách ứng phó với lo lắng, hồi hộp
Theo các chuyên gia của Trường Đại học Giáo dục, trong bài thi, tuy ở những cấp độ khác nhau hầu hết học sinh sẽ đều cảm thấy hồi hộp, lo lắng. Lo lắng trước kỳ thi, bài kiểm tra là cảm xúc hoàn toàn bình thường.
Theo hướng tích cực, lo lắng đó giúp cho các em có sự chuẩn bị tốt hơn, ôn tập tốt hơn các nội dung thi và cũng là có sự chuẩn bị về mặt tâm thế sẵn sàng cho kỳ thi. Tuy nhiên, nếu lo lắng quá mức, cảm xúc này cũng đem lại những hệ quả tiêu cực, chẳng hạn như mất tập trung trong quá trình ôn thi vì lo lắng nhiều thứ.
Để giải quyết vấn đề này, học sinh cần hướng về bài thi với sự tự tin nhất có thể. Hãy tìm mọi cách có thể để cá nhân hóa thành công như khả năng quan sát, tính logic, tự nói chuyện với bản thân, luyện tập, làm việc theo nhóm, ghi chép…
Hãy coi bài thi là nơi để bạn chứng tỏ bạn đã học nhiều như thế nào và để bạn có thể nhận được một phần thưởng cho công sức mà bạn đã bỏ ra.
Cùng với đó, hãy học thật kĩ bài học của bạn và xem bài học nào là cần thiết nhất cho bài thi. Sử dụng bản liệt kê các thứ cần kiểm tra sẽ giúp bạn ghi nhớ rõ ràng hơn.
Chúng ta cũng nên tránh nhồi nhét ngay trước khi thi. Bạn có thể làm cho đầu óc được nhanh nhẹn hơn bằng cách luyện tập thể thao và phải ngủ thật ngon vào đêm trước ngày thi.
Trong ngày dự thi, bạn cần đến phòng thi sớm hơn một chút. Bạn có thể chọn một tư thế thoải mái nhất để làm bài thi.
Đặc biệt, thí sinh không được để đói bụng đi thi. Ăn uống đầy đủ, đúng cách sẽ giúp bạn có được thể chất tốt nhất.