áo trắng
Chương trình Bác Sĩ Vui Vẻ
Trang chủ TIN HOT Cảnh báo nạn bắt cóc ảo nhắm vào du học sinh ở Úc

Cảnh báo nạn bắt cóc ảo nhắm vào du học sinh ở Úc

Ngọc Anh 15/01/2024 Tin Hot

Cảnh sát Úc cảnh báo thủ đoạn ‘bắt cóc ảo’ nhắm vào du học sinh với mục đích tống tiền. Theo đó, nạn nhân bị dụ làm giả mình bị bắt cóc và kẻ lừa đảo sẽ lấy hình ảnh của vụ bắt cóc giả này để tống tiền gia đình nạn nhân.

Nạn nhân bị dẫn dụ làm giả một vụ bắt cóc của chính mình - Ảnh: CẢNH SÁT BANG NEW SOUTH WALES

Nạn nhân bị dẫn dụ làm giả một vụ bắt cóc của chính mình – Ảnh: CẢNH SÁT BANG NEW SOUTH WALES

Theo trang tin news.com.au của Úc, cảnh sát nước này trong năm 2023 từng cảnh báo về các vụ lừa đảo “bắt cóc ảo”. Những vụ này do các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia thực hiện, nhắm vào du học sinh quốc tế tại Úc.

Chỉ trong tháng 10-2023, đội chuyên trách tội phạm nghiêm trọng và cướp của cảnh sát bang New South Wales (Úc) đã ghi nhận ba sự vụ riêng biệt. Cảnh sát Úc cũng nhấn mạnh về chiến lược phạm tội ngày càng phức tạp của những kẻ lừa đảo.

Theo đó, “bắt cóc ảo” là thủ đoạn lừa đảo tống tiền tinh vi, sau khi nhận được nhiều cuộc điện thoại từ những kẻ lừa đảo giả dạng cơ quan chức năng, các nạn nhân trẻ tuổi bị lừa làm giả một vụ bắt cóc của chính mình.

Kẻ lừa đảo sau đó sẽ dùng những hình ảnh của vụ “bắt cóc” để đòi tiền chuộc từ gia đình nạn nhân.

Theo cảnh sát bang New South Wales, sinh viên quốc tế thường là mục tiêu của hoạt động phạm tội này, trong đó có sinh viên Trung Quốc.

Tiếp cận ban đầu thông qua một cuộc gọi điện thoại thông thường, những kẻ lừa đảo nói tiếng Trung và tự xưng đại diện cho một cơ quan thẩm quyền của Trung Quốc, như lãnh sự quán hay cảnh sát Trung Quốc.

Nhóm tội phạm thuyết phục nạn nhân rằng họ đang vướng vào hành vi phạm pháp ở Trung Quốc, hoặc nói rằng họ đã bị đánh cắp danh tính, sau đó đòi nạn nhân trả một khoản phí để tránh bị kiện, bắt giữ hoặc bị trục xuất.

Dùng công nghệ để che giấu vị trí thực, những kẻ này sau đó dẫn dụ nạn nhân tiếp tục giữ liên lạc qua các nền tảng giao tiếp được mã hóa như Skype, WeChat hay WhatsApp.

Trong một số trường hợp, nạn nhân bị thao túng để làm giả một vụ bắt cóc của chính mình.

Kẻ lừa đảo yêu cầu nạn nhân cắt đứt liên hệ với gia đình và bạn bè, thuê phòng khách sạn, tự tạo ảnh chụp hoặc video cho thấy họ đang bị trói và bị bịt mắt.

Những hình ảnh này sau đó được gửi đến cho gia đình và người thân của nạn nhân.

Do không thể liên lạc với con em họ ở Úc, cùng với nhiều lời đe dọa và đòi tiền chuộc, gia đình các nạn nhân đã phải trả các khoản tiền lớn để con mình được “trả tự do”.

Những kẻ lừa đảo duy trì việc đe dọa và đòi tiền đến khi chúng không còn có thể moi tiền từ người nhà nạn nhân, thường là sau khi gia đình báo cho cơ quan chức năng.

Vào tháng 10-2023, gia đình của một người phụ nữ 23 tuổi đã phải trả tiền chuộc khoảng 288.000 USD cho một tài khoản ngân hàng ở Trung Quốc. Cảnh sát sau đó tìm được cô trên đường Hunter tại thành phố Sydney.

Cũng vào thời điểm trên, cảnh sát Úc đã đến nhà một người đàn ông 23 tuổi tại thành phố Sydney, khi anh này đang vướng vào rắc rối với những kẻ lừa đảo.

Theo cảnh sát, kẻ lừa đảo đã yêu cầu gia đình nạn nhân trả 500.000 đô la Úc (khoảng 335.000 USD) để hoãn việc người này bị bắt vì cáo buộc lừa đảo ở Trung Quốc.

Nguồn: Tuổi Trẻ
CÔNG TY CỔ PHẦN ĐẦU TƯ BRIGHT STAR
Điện thoại/Fax: 028.62966189
Chịu trách nhiệm nội dung: Ông Đoàn Lê Khang
Địa chỉ: 4/6b Văn Chung, Phường 13, Q.Tân Bình, TP.HCM
LIÊN HỆ
Hotline: 0908 942 789
Email: brightstar24h@gmail.com