Nhiều người sốc khi đọc tin “Bên trong bụng cá song câu được có bàn tay người…”. Vụ việc gây hoang mang, bức xúc trong dư luận và ngay lập tức công an vào cuộc điều tra làm rõ. Tại cơ quan công an, 2 người phụ nữ gây hoang tin là L.A. và V.A. thừa nhận nội dung thông tin cả 2 đăng tải là xuyên tạc, không có căn cứ nhằm mục đích giật tít, “câu” like, tăng tương tác cho tài khoản Facebook
Trước đó, qua công tác nắm tình hình trên không gian mạng, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Quảng Ninh phát hiện P.T.L.A. (SN 1997, trú tại phường Cẩm Phú, TP Cẩm Phả) và P.T.V.A. (SN 1991, trú tại phường Hà Trung, TP Hạ Long) sử dụng tài khoản Facebook cá nhân đăng tải thông tin phản ánh “Bên trong bụng cá song câu được có bàn tay người…”, gây hoang mang, bức xúc trong dư luận.
Ngay sau đó, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã triệu tập 2 trường hợp trên lên làm việc.
Căn cứ kết quả xác minh và tài liệu thu thập được, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã yêu cầu 2 người này gỡ bỏ toàn bộ các bài viết có nội dung sai sự thật đã đăng tải trên mạng xã hội Facebook, đồng thời củng cố hồ sơ xử lý cả 2 trường hợp trên theo quy định của pháp luật.
Theo các luật sư, những tin đồn thất thiệt trên các trang mạng xã hội gây xôn xao dư luận trong thời gian qua đã khiến không ít người hoang mang. Chính vì thế, mọi người cần bình tĩnh, không tin vào những thông tin chưa được kiểm chứng trên mạng xã hội.
XEM THÊM>>Cảnh giác tin giả lợi dụng mưa lũ trên mạng xã hội
Gây hoang tin có thể bị xử lý hình sự
Nhìn từ góc độ pháp lý, việc tung tin đồn thất thiệt thông qua mạng xã hội vì bất cứ lý do gì đều là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy thuộc vào nội dung, mức độ hậu quả nghiêm trọng của việc tung tin đồn mà người vi phạm sẽ đối mặt với việc xử lý hành chính, dân sự hoặc hình sự. Điều này đã được quy định rất rõ tại Bộ luật Hình sự và các văn bản pháp quy.
Cụ thể, theo Điểm a Khoản 3 Điều 64 Nghị định 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013, người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đến 30.000.000 đồng với hành vi “cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân”.
Điểm g Khoản 3 Điều 66 Nghị định cũng quy định: Xử phạt 10 đến 20 triệu đồng đối với hành vi “cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác”.
Trong trường hợp, nếu xác định được chính xác người tung tin đồn thất thiệt có tính chất vu khống thì xử lý theo quy định tại Điều 122, Bộ luật Hình sự. Người phạm tội vu khống có thể bị phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm.
Trường hợp không xác định được chính xác người tung tin đồn thất thiệt mà chỉ xác định được người đưa tin lên mạng thì áp dụng theo quy định tại Điều 226 Bộ luật Hình sự, tội “Đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet những thông tin trái với quy định của pháp luật” (nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 88 và Điều 253 của bộ luật này). Hành vi xâm phạm đó gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm tù.