Tăng vài ngày nghỉ trong năm không giải quyết được tình trạng mệt mỏi kinh niên, nên tôi mong đợi quy định giảm giờ làm xuống 40 giờ/tuần hơn là kéo dài kỳ nghỉ 2/9.
Tôi đang làm việc 6 ngày mỗi tuần, mỗi ngày 8 tiếng, về lý thuyết là 48 giờ/tuần, mức tối đa được quy định trong Bộ luật Lao động. Thực tế thì như ở muôn vàn công ty khác, chúng tôi rất hay phải tăng ca, hoặc tưởng được nghỉ rồi nhưng đang ăn tối hay cà phê cuối tuần thì phải bỏ ngang để giải quyết những sự vụ đột xuất khi có điện thoại, email của sếp.
Chúng tôi bị quản lý cả về giờ giấc lẫn KPI và điều khoản “thực hiện các công việc khác do quản lý giao” trong hợp đồng lao động, nên cực kỳ áp lực, luôn trong tình trạng mệt mỏi, căng thẳng. Tôi trân quý những ngày nghỉ và luôn “hóng” các quy định, chính sách mới tạo điều kiện cho người lao động được nghỉ ngơi nhiều hơn, có thêm thời gian cho bản thân và những việc cá nhân.
Sinh ra ở ngoại thành Hà Nội nên tôi không phải lặn lội về quê những ngày nghỉ lễ. Tuy nhiên thay vì đi du lịch đó đây như thiên hạ vẫn tưởng khi hình dung về cuộc sống những người trẻ tuổi, tôi hầu như dành trọn kỳ nghỉ cho việc ngủ vùi. Ngủ và không làm gì cả, đó là điều tôi ao ước nhất trong hầu hết mọi quãng thời gian trong tuần, trong tháng, trong năm.
Cách đây 3 năm tôi từng rất rầu rĩ vì thất tình nhưng sau vài kỳ nghỉ lễ đã nhận ra một “tác dụng phụ” tuyệt vời của cảnh độc thân, đó là có thể ngủ bù khi không phải làm việc để phục hồi sức khỏe, tạm thoát khỏi trạng thái kiệt sức. Quá mệt mỏi, bận bịu, tôi không mặn mà gì với chuyện tìm người yêu. Nhiều lần khi phải chọn giữa việc gặp gỡ chàng trai mà mình đang tìm hiểu với việc nằm khểnh ở nhà, tôi chọn cách thứ hai.
Có lẽ nếu mỗi tuần chỉ làm việc 40 giờ – nghĩa là được nghỉ thêm thứ Bảy, tôi sẽ lựa chọn khác.
Nhớ lại cách đây vài tuần, nhóm bạn trẻ độc thân chúng tôi cũng gửi cho nhau link các bài báo về đề xuất của GS.TS Nguyễn Thiện Nhân, muốn quy định thời gian làm việc phải đủ ngắn (8 giờ/ngày, 40 giờ/tuần) để người lao động có thời gian tìm bạn đời, chăm sóc con cái, gia đình và dành cho sở thích riêng tư. Đang chưa hết bàn tán thì vài ngày sau, có người gửi vào nhóm link một video trên VTC News, trong đó một chuyên gia nói rằng ông e người trẻ sẽ dùng thời gian được giảm ấy để ngủ thay vì hẹn hò. Tất cả chúng tôi bật cười, nhấp vào biểu tượng “ha ha” và thốt lên: “Đang nói về chúng ta đấy!”.
Quả thật, nếu không có thêm thời gian nghỉ ngơi, tôi sẽ xếp chuyện tìm bạn đời ở vị trí ưu tiên thấp hơn trong danh sách những việc muốn làm, sẽ làm sau giờ làm việc.
Tôi biết, tăng ngày nghỉ hay giảm giờ làm là điều không chỉ người lao động mà cả các nhà hoạch định chính sách, xây dựng văn bản luật cũng rất mong muốn, nhưng điều đó không dễ vì cần phải cân bằng lợi ích của cá nhân và cộng đồng, của người lao động và người sử dụng lao động, cân nhắc về sự phù hợp với tình hình kinh tế – xã hội. Hiện tại, chuyện giảm giờ làm việc và tăng ngày nghỉ đều mới là đề xuất, vì thế điều chúng ta có thể làm là sử dụng hiệu quả nhất những ngày nghỉ sắp tới.
So với trước đây, người lao động được nghỉ nhiều hơn một ngày vào dịp Quốc khánh, điều đó đã rất tuyệt vời rồi, vì với những người luôn chịu áp lực công việc rất cao như tôi, một ngày nghỉ đáng giá nghìn vàng.