Năm học 2024 – 2025 vừa bắt đầu, học sinh của Trường THPT Trường Chinh và THPT Thạnh Lộc (quận 12, TPHCM) có phần “sốc” khi nhà trường ban hành quy định về sử dụng điện thoại trong trường học. Trong khi đó, TPHCM hiện không có quy định chung cho việc học sinh sử dụng điện thoại trong trường học…
Học sinh không được sử dụng trong khuôn viên giáo dục của trường, kể cả giờ ra chơi
Cụ thể, tại Trường THPT Trường Chinh, ông Trịnh Duy Trọng – Hiệu trưởng nhà trường cho hay, chúng tôi không cấm học sinh mang điện thoại vào trường nhưng các em không được sử dụng trong khuôn viên giáo dục của trường, kể cả giờ ra chơi, nhằm giúp học sinh có thời gian vận động, trò chuyện, giao lưu, vui chơi với bạn bè để phát triển kỹ năng, tạo mối quan hệ…
Theo ông Trọng, Trường THPT Trường Chinh có hai sân, sân trong và sân trước. Học sinh được sử dụng điện thoại ở sân trước, là khu vực để xe trong lúc tan học. Còn khi đã bước vào sân bên trong là không được tùy tiện sử dụng điện thoại, chỉ trừ những tiết học giáo viên yêu cầu học sinh mới được sử dụng…
Tương tự, Trường THPT Thạnh Lộc năm học này cũng ra quy định cứng rắn khi nghiêm cấm học sinh sử dụng điện thoại tại trường, bao gồm cả trong giờ học và giờ ra chơi. “Trước đây, vào giờ ra chơi, học sinh ít vận động, thường chỉ ngồi một chỗ chăm chăm vào điện thoại. Cạnh đó, nhiều em cũng bị chi phối bởi mạng xã hội khi sử dụng điện thoại tại trường, ảnh hưởng đến việc học. Thậm chí, không ít học sinh lên mạng xã hội nhắn tin qua lại, nói xấu lẫn nhau, dẫn đến nhiều hệ lụy”, ông Lương Văn Định – Hiệu trưởng Trường THPT Thạnh Lộc nêu lý do cấm học sinh sử dụng điện thoại trong trường học.
“Nếu trong giờ học, giáo viên có nhu cầu cho học sinh sử dụng điện thoại để hỗ trợ nội dung bài học thì chính giáo viên phải thể hiện được hoạt động đó trong kế hoạch bài dạy trong tiết học, phải thông báo với nhà trường, với phụ huynh học sinh, chứ không phải “ngẫu hứng” cho học sinh sử dụng” – ông Định thông tin.
Trong khi đó, Trường TH, THCS và THPT Ngô Thời Nhiệm (TPHCM) thực hiện quy định cho phép học sinh mang điện thoại đi học nhưng khi vào trường phải nộp cho bảo vệ hoặc giáo viên chủ nhiệm. Cuối mỗi buổi học, các em mới được trả lại điện thoại đã sử dụng cho việc liên lạc với gia đình trong việc đón rước (nếu có). Theo lãnh đạo nhà trường, mỗi lớp ở trường này có một tủ để điện thoại của học sinh. Những tiết học có sử dụng điện thoại, giáo viên chủ nhiệm sẽ phát cho học sinh vào đầu tiết, hết tiết thu lại…
XEM THÊM>>Nóng: Quản lý học sinh dùng điện thoại tại lớp như thế nào?
100% phụ huynh ủng hộ cấm học sinh sử dụng điện thoại
Theo ông Lương Văn Định – Hiệu trưởng Trường THPT Thạnh Lộc, trước khi áp dụng nội quy mới cứng rắn trên, nhà trường đã họp xin ý kiến phụ huynh và rất vui khi 100% phụ huynh đều đồng thuận với quy định nghiêm cấm học sinh sử dụng điện thoại trong khoảng thời gian học tập, rèn luyện tại trường.
Để giúp học sinh thích nghi và hình thành một thói quen mới, song song với việc nghiêm cấm học sinh sử dụng điện thoại, nhà trường tính toán tạo thật nhiều sân chơi, hoạt động đa dạng, theo nhu cầu của học sinh để làm sao thu hút được các em tham gia trong giờ ra chơi.
“Giờ ra chơi bây giờ không còn cảnh các em chúi mặt vào điện thoại nữa mà sân trường rất nhộn nhịp các em vui chơi. Không tham gia vui chơi thì từng tốp học sinh ngồi cùng nhau trao đổi, trò chuyện… Môi trường học đường trở nên rất gần gũi, các em gắn kết với nhau” – Ông Định nói sau 1 tuần thực hiện quy định.
Tương tự, ông Trịnh Duy Trọng – Hiệu trưởng Trường THPT Trường Chinh cũng cho biết, sau một thời gian thực hiện quy định trên, không còn cảnh tụm năm tụm ba, cắm cúi vào điện thoại mỗi khi đến giờ ra chơi. Thay vào đó, sân trường đông học sinh hơn, các em chơi thể thao nhiều hơn, tiếng cười nói nhiều hơn.
Anh Nguyễn Hậu, phụ huynh Trường THPT Trường Chinh bày tỏ quan điểm tán thành quy định của nhà trường bởi là học sinh, học sinh không có việc gì ngoài học nên sử dụng điện thoại trong trường là không cần thiết. “Theo quan sát của tôi, con sử dụng điện thoại chủ yếu là lướt mạng xã hội, chat với nhau. Việc này ở nhà phụ huynh cũng rất mệt mỏi để quản lý nay đến trường các con cần có thời gian tập trung hoàn toàn cho việc học và hoạt động thể thao khác nên cấm dùng điện thoại trong trường là hoàn toàn cần thiết”, anh Hậu nói.
Học sinh nói gì về qui định cấm sử dụng điện thoại?
Là học sinh vừa bước vào ngôi trường mới, em Hà My – lớp 10 Trường THPT Trường Chinh cho hay, em đã trải qua nhiều cảm giác với quy định trên và nay đã thích nghi. “Mới đầu chưa quen trường lớp, chưa có nhiều bạn lại không có điện thoại để dùng lúc rảnh, nên em thấy bứt rứt. Các bạn khác cũng vậy, dần dần chúng em bắt chuyện với nhau, nói chuyện giao lưu nhiều hơn. Bây giờ, bọn em gần như đã quen với việc không có điện thoại khi ở trường. Đến giờ ra chơi nữ thì tụm 5, tụm 7 nói chuyện hả hê với nhau còn nam thì đá cầu, chạy nhảy hết cả”, Hà My kể.
Tách biệt với thiết bị thông minh, kết quả học tập vẫn rất cao
Đó là Trường TH – THCS -THPT Lê Thánh Tông và Trường THPT Thanh Nhân (quận Tân Phú, TPHCM). Đây là hai ngôi trường cấm học sinh mang điện thoại đến trường từ nhiều năm qua, đặc biệt với học sinh nội trú, các em sống hoàn toàn cách biệt với thiết bị thông minh nhưng thành tích học tập lại rất đáng nể.
Ông Nguyễn Đình Độ, Hiệu trưởng Trường THPT Thành Nhân cho hay, nội quy nghiêm cấm sử dụng điện thoại và các thiết bị điện tử được nhà trường thực hiện nhiều năm nay và được phụ huynh học sinh hưởng ứng. Thậm chí, nhiều phụ huynh chọn trường vì mục đích muốn con mình rời xa chiếc điện thoại và thiết bị điện tử.
“Tại trường, các em học tập 100% dựa vào sách vở dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Giờ ra chơi, giải lao, học sinh được thoải mái chơi thể thao như đá bóng, đá cầu, đánh bóng bàn… hoặc xem ti vi giải trí được bố trí ở sảnh nhà ăn… Trường hợp muốn liên hệ gia đình, học sinh có thể liên hệ giáo viên quản nhiệm hoặc thông qua các cây điện thoại sử dụng đồng xu do nhà trường bố trí ở sân”, ông Độ nói.
Theo ông Độ, việc cấm học sinh sử dụng điện thoại trong trường học đã mang lại hiệu quả tích cực, nhất là thành tích học tập của các em. Theo thống kê, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, trường THPT Thành Nhân có 3 điểm 10 môn Hóa học, 1 điểm 10 môn Vật lý và 1 điểm 10 môn Sinh học. Trong đó có em Nguyễn Lâm Nhật lớp 12B1 sở hữu 2 điểm 10 môn Lý và Hóa, môn Toán 9 điểm, nằm trong tốp điểm cao của cả nước.
Việc cấm học sinh sử dụng điện thoại trong trường cùng với phương pháp giáo dục hiệu quả khiến Trường TH – THCS -THPT Lê Thánh Tông những năm gần đây gần như dẫn đầu TPHCM ở kỳ thi tốt nghiệp THPT với nhiều thủ khoa, á khoa. Theo đó, năm 2024, Trường TH – THCS -THPT Lê Thánh Tông có 768 học sinh lớp 12 tham dự kỳ thi thì có 1 thủ khoa toàn quốc khối A1 (29.6 điểm); 4 thủ khoa, á khoa của TPHCM. Ngoài ra, tính theo tổ hợp 3 môn, trường còn có 86 em có điểm thi trên 28 và 8 em có điểm thi trên 29 điểm.
Những thủ khoa, á khoa xuất thân từ trường Lê Thánh Tông đều tuyệt nhiên không sử dụng điện thoại mà 100% học từ sách vở và thầy cô, bạn bè. Điển hình là Nguyễn Hạo Thiên, lớp 12E1 thành thủ khoa toàn quốc khối A1 với điểm 10 môn Lý và hai môn Toán, tiếng Anh cùng đạt 9.8.
Chia sẻ về quá trình học, Hạo Thiên cho hay, sau khi tốt nghiệp lớp 9 ở Long An, em được bố mẹ chuyển lên học nội trú tại Trường TH- THCS- THPT Lê Thánh Tông. Cuộc sống và học tập ở môi trường nội trú cũng giúp Thiên có nhiều thời gian đầu tư cho việc học. “Ở môi trường này chúng em không được sử dụng điện thoại, chủ yếu là học trên sách vở, tài liệu từ thầy cô, bạn bè”, Hạo Thiên nói.