Chỉ tự học trên các nền tảng mạng xã hội, em Nguyễn Hữu Tiến (14 tuổi) trú tại thôn Ninh Tịnh, xã Ninh Phước, TX.Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa đã biết và sử dụng được 5 thứ tiếng. Một tấm gương hiếu học khiến nhiều bạn bè ngưỡng mộ noi theo…
Tự học ngoại ngữ từ rất sớm
Mặc dù sinh sống ở vùng quê nhưng Hữu Tiến được tiếp cận với việc học ngoại ngữ tương đối sớm. Cậu bạn bắt đầu học tiếng Anh vào năm lớp 1, sau đó học tiếng Trung vào năm lớp 4. Khi lên lớp 5, nhận thấy bản thân có khả năng tiếp thu ngoại ngữ tốt, Tiến tiếp tục học thêm tiếng Nhật, Nga và Pháp. Hiện tại, Tiến có thể sử dụng 5 thứ tiếng này, đặc biệt, với tiếng Anh và tiếng Trung, cậu bạn gần như thành thạo cả 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết. Đối với tiếng Nhật, Tiến đã giao tiếp được cơ bản.
Trên hành trình chinh phục ngoại ngữ của mình, Tiến cho biết ngoài tiếng Anh được học ở trường, các ngoại ngữ còn lại đều do cậu tự học thông qua các video YouTube và các phương tiện thông tin trên mạng internet. Đối với tiếng Anh và Pháp, cậu học rất nhanh vì có lợi thế không phải học lại cách viết chữ, còn đối với tiếng Trung, Nhật, Nga do phải học thêm cách viết chữ nên Tiến phải dành thời gian nhiều hơn.
Ngoài thời gian học ở trường, Tiến phân chia lịch học cụ thể cho từng thứ tiếng vào mỗi buổi tối và duy trì nó đều đặn hàng tuần. Cụ thể, từ thứ hai đến thứ sáu học tiếng Anh, thứ bảy học tiếng Trung và tiếng Nhật, chủ nhật dành cho tiếng Pháp và tiếng Nga. Với lịch học đó, Tiến tự đặt mình vào khuôn khổ rằng phải tuân theo kỷ luật học tập vì ngôn ngữ nếu không tiếp xúc, thực hành thường xuyên sẽ không thể nào tiến bộ được.
“Khi bắt đầu, em tìm đến các video hướng dẫn học ngoại ngữ trên YouTube để cải thiện các kỹ năng cơ bản. Sau đó, em xem những bộ phim, đọc truyện, nghe bài hát, bài nói của thứ tiếng cần học rồi thu thập từ vựng, luyện nghe, luyện phát âm từ đó. Em thấy đây là cách học rất hiệu quả đối với mình vì qua đó em vừa luyện được ngôn ngữ, vừa biết thêm được văn hóa của đất nước mình yêu thích. Cách học này là kiểu “vừa học vừa chơi” nên bản thân sẽ không thấy áp lực và kiến thức được tiếp thu một cách tự nhiên, hiệu quả“, Tiến chia sẻ.
Tìm đến khách nước ngoài để rèn khả năng giao tiếp
Tiến kể có lần một đoàn khách du lịch Trung Quốc đến địa phương của mình nhưng người dân trong vùng không ai nói được tiếng Trung nên không thể giao tiếp với khách. Mọi người nhớ đến Tiến có tự học tiếng Trung tại nhà nên đã nhờ cậu trao đổi hướng dẫn khách đến địa điểm du lịch của địa phương. Tuy đã hỗ trợ được đoàn khách nhưng sau lần đó, Tiến nhận ra rằng khả năng giao tiếp tiếng Trung của mình vẫn còn hạn chế, chưa được trau chuốt, rõ ràng. Từ đó, Tiến quyết tâm rèn luyện ngoại ngữ của mình bằng nhiều phương pháp, cách thức khác nhau.
Thời gian sau đó, để kiểm tra khả năng giao tiếp tiếng Trung, Tiến không ngần ngại tìm đến và bắt chuyện với khách để tự đánh giá năng lực của mình. Ngoài ra, khu vực Tiến sinh sống còn thường xuyên đón những đoàn khách du lịch đến từ Nga và Châu Âu, cậu bạn cũng tận dụng ưu thế đó để tạo môi trường thực hành giao tiếp tiếng Nga, tiếng Anh và tiếng Nhật cho mình.
Chia sẻ về niềm đam mê học ngoại ngữ, Hữu Tiến cho biết mình rất thích tìm hiểu về văn hóa các nước. Cậu bạn hiểu rằng, ngôn ngữ chính là một phương tiện chuyên chở văn hóa của một quốc gia và học ngôn ngữ là con đường ngắn nhất để tiếp cận một nền văn hóa.
Cô Hoàng Thị Ngọc Hiếu, giáo viên tiếng Anh Trường THPT Hàm Nghi (TX.Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) cho biết: “Dường như học sinh và thầy cô đều biết đến Hữu Tiến vì khả năng ngoại ngữ nổi bật của bạn. Trong quá trình giảng dạy, tôi cho rằng cả từ vựng, ngữ pháp và phát âm tiếng Anh của bạn đều rất tốt. Ngoài giờ lên lớp, tôi còn cùng luyện tiếng Trung với Tiến và nhận thấy khả năng giao tiếp của bạn còn tốt hơn mình. Bên cạnh đó, một số kỹ sư nhiệt điện người Nhật đã từng giao tiếp tiếng Nhật với Tiến cũng chia sẻ rằng khả năng nói tiếng Nhật của bạn tương đối tốt và có thể phát triển hơn nữa nếu thật sự nỗ lực.”