Chia sẻ về cơ duyên đưa bản thân đến với nghề dịch vụ mai táng, anh Nguyễn Trọng Đức (33 tuổi), hé lộ về những góc khuất trong nghề từng khiến ai nghe qua cũng “nổi da gà”. Anh Đức hiện là chủ một cửa hàng dịch vụ tang lễ chuyên nghiệp tại TP.HCM thổ lộ: “Tôi từng là một đầu bếp. Nhưng vì cha tôi hay tham gia các hoạt động thiện nguyện và thường tổ chức tang lễ cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Không lâu sau, cha tôi quyết định mở dịch vụ và tôi về hỗ trợ cha tôi một tay”, anh chia sẻ.
Sự thật khủng khiếp của nghề mai táng
Thời gian bắt đầu làm quen với công việc này, anh Đức cho biết rất “khủng khiếp”, phải tự trấn an bản thân để vượt qua nỗi sợ vì thường xuyên tiếp xúc với những cơ thể “không còn cử động”. Anh Đức tiết lộ, những người tiếp xúc với thi hài lâu năm thường có một gương mặt “lạnh tanh” và tại cửa hàng của anh, nhân viên lớn tuổi nhất là 40 tuổi và nhỏ nhất hiện mới 28 tuổi.
Anh Đức thừa nhận phần lớn những người làm công việc mai táng đều là những người không thể làm các công việc khác. Tuy nhiên, sau quá trình làm quen với công việc, họ mới nhận ra được những ý nghĩa đằng sau: “Mấy bạn phải vượt qua cái nỗi sợ vì nếu không, các bạn không còn nghề nào để làm, nghề này ít ai muốn làm lắm. Nhưng khi các bạn làm nghề này rồi, các bạn tiếp xúc thì sẽ thấy có một điều gì đó gọi là an ủi vì là người phụng sự khách hàng”.
Sau nhiều năm làm việc trong lĩnh vực mai táng, anh Đức từng gặp không ít những trường hợp khiến anh “khắc cốt ghi tâm”. Cách đây 2 năm trước, vào ngày 25 Tết (âm lịch) năm 2022, anh Đức nhận được một cuộc điện thoại từ khách hàng nhờ xử lý và hỏa táng một thi hài. Khi đến nơi, anh cùng những cộng sự của mình không khỏi hoang mang khi chỉ mới đến đầu hẻm, mùi hôi lan tỏa khắp một con hẻm và phát hiện, người này đã mất 7 ngày trước. Thế nên, dịch vụ anh Đức phải mất đến 10 phút để xử lý.
Anh Đức kể lại: “Khi đến nơi, tôi và cộng sự choáng ngợp vì cơ thể phân hủy quá lớn, quá khủng khiếp nên tiến hành xử lý nhanh gọn nhất có thể. Phần chỗ thi thể nằm đã hoàn toàn biến dạng và cái mùi của thi thể rất nặng, thậm chí ám vào trong người của các nhân viên mai táng. Nói thẳng thắn là cái mùi đó không tài nào làm hết được, ngay những bữa ăn, mùi hôi đó vẫn thoang thoảng trong mũi và khi xử lý những ca nặng như thế, chúng tôi đều phải bỏ cơm. Khoảng một, hai ngày sau mới có thể quên được và cái mùi hôi đó sẽ bay mất sau một tuần”. Về quy trình xử lý khí lạnh, vì tính chất công việc mang yếu tố “tâm linh” và bí mật nghề nghiệp nên anh Đức xin phép giữ kín.
Nổi da gà với nghề mai táng
Hay một trường hợp xảy ra vào tháng 8/2022, nhận được một cuộc điện thoại từ khách hàng tại quận 1, TP.HCM, nhân vật qua đời là một cố giáo sư nghiên cứu về Văn học và Lịch sử. Khi mất, người này rất cao tuổi. Trong quá trình thực hiện các nghi thức tang lễ, anh Đức cùng gia đình của cố giáo sư hốt hoảng khi phát hiện ông viết trên một mảnh giấy ghi lại ngày, tháng, năm mà bản thân qua đời nhưng chỉ chênh lệch 1 giờ đồng hồ. “Người mất không phải là một vị chân tu mà có thể phỏng đoán được ngày giờ qua đời thì đó là hiện tượng mà tôi không thể nào lý giải được”, anh Đức nói.
Dù xử lý rất nhiều khách hàng nhưng anh Đức không giấu được những sự xúc động khi phụng sự cho chính người thân của mình. “Đó là ca đầu tiên tôi tiếp nhận vào mùa dịch (tháng 7/2021), người mất là người thân trong gia đình của tôi. Họ tử vong tại nhà do Covid-19 và đưa lên bệnh viện nhân Gia Định để tôi xử lý rồi mang đi hỏa táng. Đứng ở vị thế thực hiện mai táng cho người thân của mình, cảm xúc đó không còn gì để diễn tả được nhưng tôi phải nén lại để mình xử lý một cách chu toàn nhất”, Anh Đức chia sẻ.
Đến thời điểm hiện tại, anh Đức có thể nhìn sơ qua và phỏng đoán được một thi thể đã mất cách đó khoảng bao lâu. Anh Đức tiết lộ: “Nếu mất trong thời gian 4 tiếng, cơ thể vẫn còn ấm, cơ không lạnh và không co rút. Tuy nhiên, tùy theo mỗi cơ địa sẽ có những phản ứng khác nhau, có người mất và chỉ 2 tiếng sau, cơ thể họ sẽ cứng hoàn toàn. Nhưng thông thường, chúng tôi tiếp xúc với người mất khoảng 4 tiếng thì đỉnh đầu các cơ vẫn mềm dẻo. Còn những thi hài mà xuất hiện những vết xuất huyết ngoài da, tôi vẫn có thể phỏng đoán được nạn nhân đã mất trong bao lâu”.
XEM THÊM>>“Tu tâm sửa tính”
Những câu chuyện chưa từng tiết lộ
Anh Đức cũng tiết lộ những sự thật đằng sau một công việc được nhận định mang nhiều yếu tố “tâm linh” và những quy tắc “bất di bất dịch” cần phải tuân thủ. Anh nói: “Khi nhận dịch vụ từ khách hàng, chúng tôi phải nghiêm túc tuân thủ ngay từ lúc nhận việc. Thứ nhất, chúng tôi phải chia sẻ nỗi mất mát với khách hàng. Thứ hai, trong quá trình làm việc không được nói cười, khen chê. Thứ ba, tránh xảy ra những tình huống đổ vỡ. Thứ tư, không được nói linh tinh hay hiện tượng lạ khi tổ chức tang lễ”.
Lý giải về những trường hợp các nạn nhân qua đời nhưng vẫn “không nhắm mắt”, anh Đức nói: “Có thể họ qua đời nhưng vẫn còn nuối tiếc khi không được gặp con cháu hay không thể gặp được người họ muốn gặp nên mắt vẫn còn mở, dù có cố vuốt mặt nhưng không thể khiến họ nhắm mắt một cách hoàn toàn. Trong trường hợp này, thì phải tìm những người nào có liên quan đến người mất, giống như người con mà ở xa xứ chưa về kịp thì phải lại vuốt mặt để cho người thân mình ra đi một cách nhẹ nhàng”.
Nói về vấn đề kinh phí, anh Đức thẳng thắn tiết lộ bên dịch vụ của anh không đặt nặng. Điển hình trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn ra căng thẳng, dịch vụ mai táng của anh Đức thậm chí không nhận chi phí hay chỉ lấy tượng trưng. Anh Đức chia sẻ: “Chúng tôi không đặt nặng vấn đề kinh phí, chúng tôi chỉ cần phục vụ, san sẻ những mất mát to lớn của các khách hàng. Thông thường, tôi chỉ lấy chi phí tượng trưng hoặc có một số trường hợp, chúng tôi không nhận chi phí. Thậm chí, những hũ cốt sau khi mà hỏa táng, chúng tôi tiếp nhận và gửi vào chùa cho họ nghe kinh kệ và cúng cơm hàng ngày. Sau đó con cái hoặc người thân đi cách ly về liên hệ, chúng tôi sẽ dắt vào chùa để bàn giao lại hũ cốt của người thân trong gia đình họ”.
Real Talk – Phút Nói Thật-Sự thật khủng khiếp của nghề mai táng được phát sóng trên 2 kênh YouTube Mảnh Ghép và Facebook Sao Nối Ngôi.