Điểm trung bình, trung vị cùng độ lệch chuẩn là các giá trị xuất hiện trong phổ điểm thi tốt nghiệp THPT 2025, mỗi giá trị mang ý nghĩa thống kê riêng để phản ánh năng lực của thí sinh và độ khó đề thi.
Thí sinh xem điểm thi tốt nghiệp THPT 2025 trên Thanh Niên sáng nay
ảnh: Đào Ngọc Thạch
Trước khi thí sinh biết điểm thi vào 8 giờ sáng nay 16.7, Bộ GD-ĐT hôm 15.7 công bố phổ điểm 12 môn thi tốt nghiệp THPT 2025 – một động thái chưa từng có tiền lệ. Với từng phổ điểm, ngoài phản ánh số lượng thí sinh ở mỗi khoảng điểm 0,25, Bộ GD-ĐT còn thông tin những giá trị liên quan như điểm trung bình, trung vị và độ lệch chuẩn. Nhiều bạn đọc thắc mắc, những giá trị thống kê này mang ý nghĩa gì?
Giải đáp vấn đề này, thạc sĩ Lê Khánh Hoàng, giảng viên tại Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM, dẫn lại phổ điểm môn tiếng Anh thi tốt nghiệp THPT 2025 để lý giải trực quan.
Đầu tiên, điểm trung bình (mean) của phổ điểm là 5,38, đồng nghĩa kết quả trung bình cộng của 351.848 thí sinh chọn thi tiếng Anh là 5,38. Đây là mức điểm phản ánh mặt bằng chung của thí sinh dự thi. Trong khi đó, điểm chính giữa được gọi là trung vị (median) và ở trường hợp này mang giá trị 5,25, tức có phân nửa thí sinh trên 5,25 và nửa còn lại dưới 5,25.
“Thông thường, người ta tính trung vị để loại bớt ảnh hưởng của những số outlier (điểm dị biệt, ngoại lai, có thể hiểu là các thí sinh có thành tích bất thường hoặc ngoại lệ, không phù hợp để thống kê – PV). Nhìn vào trung vị, chúng ta có thể hình dung được một thí sinh điển hình trông sẽ như thế nào”, thầy Hoàng chia sẻ.
Trong khi đó, độ lệch chuẩn (standard deviation) chỉ ra mức lệch của phần lớn thí sinh với điểm trung bình. Trong trường hợp phổ điểm tiếng Anh, độ lệch chuẩn là 1,45, tức hầu hết thí sinh nằm trong khoảng điểm từ 3,93 đến 6,83. “Nếu độ lệch chuẩn nhỏ, có thể hiểu rằng đa số thí sinh có năng lực tương đương nhau còn khi độ lệch chuẩn lớn thì năng lực các em cách nhau nhiều hơn”, thạc sĩ Hoàng phân tích.
ảnh: Bộ GD-ĐT
Thạc sĩ Bùi Văn Công, giáo viên luyện thi đánh giá năng lực ở TP.HCM, cho biết thêm độ lệch chuẩn cũng có thể cho biết mức độ khó của các câu hỏi ra sao, từ đó thể hiện rằng học sinh có phân thành các nhóm riêng biệt không. Độ lệch chuẩn càng thấp thì càng phản ánh rằng học sinh tập trung trong một nhóm nhất định nào đó và bị chặn điểm ở những câu tiếp theo, giúp trường ĐH phân loại để tuyển sinh, thầy Công nói.
“Còn trung vị càng thấp thì cho thấy đề càng khó”, thạc sĩ Công cho biết thêm.