Trang cá nhân của cô liên tục chia sẻ ảnh đi du lịch, ăn uống ở những nơi sang trọng. Mỗi bài đăng thu hút hàng trăm lượt yêu thích cùng bình luận ngưỡng mộ.
Nhưng điều Linh luôn giấu kín là những lần móc họng sau khi ăn uống, tập luyện “điên cuồng” để có vóc dáng cân đối. Để có tiền đi du lịch và trang trải cuộc sống, cô cũng duy trì 3-4 công việc cùng lúc, nhiều ngày chỉ ngủ 3-4 tiếng.
Với Linh, khi mọi người đang thể hiện sự hối hả để thành công, bản thân cô thể hiện cuộc sống nhàn nhã, “sang chảnh” ắt được ngưỡng mộ. “Tôi muốn bản thân trông có vẻ dễ dàng đạt được thứ mình muốn, trong khi bạn bè trầy trật mới đạt được”, Linh nói.
Từ khi còn đi học, Phương Vy ở Hải Dương luôn khiến bạn bè và mọi người xung quanh ngưỡng mộ bởi luôn luôn đứng top trong mọi hoạt động.
Trái với suy nghĩ thành tích có được do may mắn hay sở hữu tài năng thiên bẩm, chỉ Vy biết mình đã nỗ lực ra sao. Để có thể đứng nhất lớp suốt 12 năm học, trúng tuyển vào trường đại học có tiếng ở Hà Nội và vào làm trong tập đoàn lớn, là những lần học bài xuyên đêm. Khi muốn tỉnh táo để tăng ca, cô liên tục rửa mặt bằng nước lạnh, tự giật tóc mai đến đau điếng. Vy cũng sẵn sàng làm thêm vào cuối tuần, hy vọng được chi tiêu thoải mái và có tiền biếu bố mẹ.
Nỗ lực hơn nhiều người nhưng Vy không chia sẻ khó khăn với ai. Cô gái 26 tuổi cho rằng thành công quan trọng hơn kể lể nỗ lực.
Mỹ Linh và Phương Vy là đại diện điển hình của hội chứng tâm lý “Con vịt nổi” (Duck Syndrome) do các nhà nghiên cứu của Đại học Stanford (Mỹ) đề xướng.
Nghiên cứu giải thích, nhiều người nghĩ con vịt nhẹ nhàng lướt trên mặt nước như thể không tốn công sức, nhưng thực tế phía dưới đôi chân đang đạp cật lực để không bị chìm. Tương tự, một bộ phận người trẻ khoác lên mình vẻ ngoài bình thản, dễ dàng đạt được những thành tựu mà không cần cố gắng.
Giải thích nguyên nhân một số người có “Hội chứng vịt nổi”, tiến sĩ Hoàng Trung Học, trưởng khoa Tâm lý, Học viện Quản lý giáo dục (Hà Nội) cho rằng điều này thể hiện sự tích cực phấn đấu, vươn lên và khao khát thành công của người trẻ.
Về bản chất, “hội chứng vịt nổi” đặc biệt phổ biến ở những cá nhân có thành tích cao, thành đạt. Họ thể hiện sự liên tục xuất sắc trong học tập hoặc thành công trong nghề nghiệp.
Theo chuyên gia, nhịp sống hối hả thúc đẩy Gen Z phải nhanh chóng tìm được thành công, khẳng định được đẳng cấp và sự công nhận. Xã hội hiện đại với thế giới phẳng cũng có xu hướng đề cao sự hào nhoáng bên ngoài với những giá trị “ảo” mà dường như lãng quên đi giá trị nội tại. Điều này đã thôi thúc người trẻ tuổi tìm kiếm “bộ cánh hoàn hảo” để nhận được sự tán dương.
Xu hướng đánh giá con người qua vẻ bề ngoài cũng khiến ý chí, nỗ lực vượt khó dường như không được coi trọng trong quá trình tìm kiếm thành công.
“Họ trở thành nạn nhân bởi cái bóng hoàn hảo, đẳng cấp, sang chảnh do chính mình tạo ra. Giống như hình ảnh “vịt nổi”, với vẻ bề ngoài họ có vẻ tĩnh lặng nhưng nội tâm lại bị giằng xé’, tiến sĩ Học nói.
XEM THÊM>>Bác sĩ vui vẻ cảnh báo trầm cảm tuổi dậy thì
Một nghiên cứu từ tạp chí Emotion (Mỹ) chỉ ra con người có xu hướng che giấu những dấu hiệu đấu tranh nội tâm. Trong nỗ lực duy trì vẻ ngoài kiểm soát tốt vô tình “nội tâm hóa những căng thẳng”, họ tự tăng thêm gánh nặng cho bản thân và cô lập chính mình khỏi những nguồn hỗ trợ tiềm năng.
Điều này khiến tỷ lệ căng thẳng, rối loạn lo âu hay trầm cảm của người trẻ tăng cao.
Theo báo cáo của Bộ Y tế năm 2023, tỷ lệ mắc rối loạn tâm thần thường gặp chiếm 14,9% dân số, tương đương khoảng 15 triệu người. Trong đó, số người bị tâm thần phân liệt là 0,47% dân số; trầm cảm, lo âu chiếm tỷ lệ cao, tới 5-6% dân số. Riêng ở trẻ em, khoảng ba triệu có nhu cầu chăm sóc sức khỏe tâm thần.
Tiến sĩ, bác sĩ Trần Thị Hồng Thu, Phó giám đốc kiêm trưởng khoa lâm sàng Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương (Hà Nội) cho biết, những năm gần đây tỷ lệ người đến khám các bệnh liên quan đến tâm lý như rối loạn lo âu, trầm cảm tăng khoảng 20%, độ tuổi bệnh nhân đến khám có xu hướng trẻ hóa. Đa số các trường hợp thường gặp áp lực học tập, công việc, đặt mục tiêu cuộc sống cao hoặc bị thúc ép kết hôn, lập gia đình sớm nhưng khó bày tỏ. Tình trạng này về lâu dài nếu không được điều trị và can thiệp kịp thời sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần.
Bên cạnh đó, các nhà tâm lý của ĐH Stanford cảnh báo, “hội chứng vịt nổi” có thể gây áp lực lên những người xung quanh. Cảm giác tự nghi ngờ bản thân, thấy mình thua kém dễ dàng xuất hiện khi mọi người so sánh những nỗ lực, thất bại của mình với vẻ ngoài “dễ dàng thành công” của người khác.
Như Mỹ Linh, chỉ cần một bình luận ác ý, phủ nhận thành tích của bản thân khiến cô suy sụp, hoài nghi năng lực của mình. Bên cạnh đó, luôn phải xuất hiện với hình ảnh hoàn hảo cũng khiến cô mệt mỏi. Nhiều thời điểm cân nặng tăng lên vài gram, Linh liền áp dụng chế độ ăn uống khắc nghiệt dù bản thân bị đau dạ dày và rối loạn tiêu hóa.
Còn với Phương Vy, áp lực duy trì hình ảnh là người có năng lực khiến cô ép bản thân làm việc với cường độ cao. Nhịp sinh học thay đổi khiến cô gái 26 tuổi bị rối loạn lo âu, mất ngủ kéo dài. Được khuyên ngủ sớm để đảm bảo sức khỏe nhưng cô luôn thấy cắn dứt lương tâm khi chưa xong việc.
Vy cho rằng xã hội này mặc định người thành công không được phép than vãn hay bị bệnh về tinh thần. “Nếu muốn có tiền, có địa vị mà nhiều người không có, tôi phải không ngừng cố gắng”, cô nói.
Để tránh mặt trái của “hội chứng vịt nổi”, tiến sĩ Hoàng Trung Học khuyên người trẻ cần học cách sống chậm, hiểu được giá trị đích thực của chính mình thay vì chạy theo hào nhoáng bên ngoài. Đặc biệt là khi đối diện với những khó khăn, mệt mỏi hãy đặt câu hỏi “đâu là điều bạn cần nhất trong cuộc sống này” làm định hướng.
“Bên cạnh đó hãy biết trân trọng sự nỗ lực dù là thất bại hay thành công để được sống hạnh phúc, biết tự hào với chính mình thay vì sống cho người khác“, ông Học nói.