Nhạc sĩ Hoài An là một trong những “cỗ máy tạo hit” đình đám trong làng âm nhạc Việt với nhiều ca khúc nổi tiếng gắn liền thập niên 1990 – 2000 như Tình thơ, Tình khúc vàng, Đã không yêu thì thôi, Khung trời ngày xưa,… Ngoài sự nghiệp sáng tác, nhạc sĩ Hoài An còn đảm nhận vai trò giám đốc âm nhạc cho nhiều chương trình âm nhạc nổi tiếng.
Những sáng tác của nam nhạc sĩ không chỉ gây sốt ở thời điểm bấy giờ mà còn giữ được sức sống mãnh liệt trường tồn theo thời gian. Trong hậu trường chương trình Tinh Hoa Hội Tụ 2024, nhạc sĩ Hoài An có những chia sẻ thẳng thắn về các bài hát có ca từ dung tục, phản cảm trong thời gian gần đây.
Nhắc đến những bài hát có ca từ nhạy cảm trong thời gian gần đây, nhạc sĩ Hoài Anh nhận định việc đánh giá cần được xem xét ở nhiều góc độ. Bởi đôi khi ca từ có thể gây phản cảm với một số người nhưng lại là điều bình thường với người khác. Đồng thời, nam nhạc sĩ cũng hiểu rằng các ca nhạc sĩ trẻ ngày nay thường cởi mở và nhìn vấn đề thẳng thắn hơn. Song, nhạc sĩ Hoài An cho rằng là một nhạc sĩ cần biết điểm dừng trong sáng tạo và lựa chọn ca từ hình ảnh sao cho phù hợp với thị trường âm nhạc Việt Nam.
Ngoài ra, nam nhạc sĩ cũng đề cập đến sự thay đổi trong việc phát hành sản phẩm âm nhạc trong bối cảnh ngày nay. Theo nhạc sĩ Hoài An, nếu như trước đây các nghệ sĩ phải xin phép trước khi ra mắt sản phẩm thì bây giờ các sản phẩm âm nhạc có thể được phát hành tự do. Chỉ khi có vấn đề về nội dung thì cơ quan chức năng mới tiến hành kiểm tra và xử lý. Sự nới lỏng này tạo điều kiện thuận lợi cho các nghệ sĩ sáng tạo nhưng cũng đặt ra một vấn đề khác cho nghệ sĩ chính là giới hạn của sáng tạo. Nhạc sĩ Hoài An nhấn mạnh: “Khi sáng tạo thì phải hiểu giới hạn, điểm dừng của sáng tạo. Ví dụ như muốn nói thẳng, nói thật vấn đề nào đó thì cũng phải hiểu rằng bản thân nên dùng từ ngữ, hình ảnh như thế nào”.
XEM THÊM>>Ca sĩ Nguyên Vũ đảm nhận chức Phó Viện trưởng Viện Phát triển Doanh nghiệp và Tài năng Việt Nam
Khi được hỏi về công thức nổi tiếng bằng cách hát nhạc ngoại lời Việt, nhạc sĩ Hoài An cho rằng đây là con đường nhanh chóng nhận được sự chú ý của khán giả. Tuy nhiên đây không phải là con đường lâu dài vì có nhiều rủi ro, nhất là về bản quyền. Vì nghệ sĩ Việt không nắm toàn quyền sở hữu nên có thể đối mặt với những khó khăn trong việc xin cấp phép cũng như chi phí bản quyền nhạc ngoại khá cao.
Bên cạnh đó, nếu một ca sĩ làm được thì những ca sĩ khác cũng có thể làm tương tự. Điều này dẫn đến sự cạnh tranh cao nên công thức nổi tiếng bằng nhạc ngoại lời Việt chỉ là con đường tạm thời để thu hút sự chú ý của khán giả. Vì những ca khúc nhạc ngoại ấy thường có giai điệu đẹp, dễ chạm đến trái tim của người nghe.
Đề cập đến sự tương quan giữa ca từ và giai điệu, nhạc sĩ Hoài An cho rằng giai điệu là yếu tố giúp bài hát đến gần với khán giả nhưng để bài hát ấy ở lại lâu dài trong lòng người nghe thì cần có ca từ sâu sắc.