Ngày 8/7, các trường đã tổng hợp danh sách học sinh xác nhận nhập học lớp 10 năm học 2024-2025. Sau đó đối chiếu với chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 năm học này đã được Sở GD&ĐT giao nếu chưa tuyển sinh đủ, các trường THPT công lập sẽ tuyển sinh bổ sung.
Trong trường hợp trường công lập hạ điểm chuẩn, nhà trường được phép nhận học sinh có nguyện vọng 2, nguyện vọng 3 đủ điều kiện trúng tuyển.
Theo đó, học sinh trúng tuyển nguyện vọng 2 phải có điểm xét tuyển cao hơn điểm chuẩn của trường ít nhất 1 điểm; học sinh trúng tuyển nguyện vọng 3 phải có điểm xét tuyển cao hơn điểm chuẩn của trường ít nhất 2 điểm.
Nhiều năm nay, tại hầu hết các địa phương, kì thi tuyển sinh vào lớp 10 luôn được coi là “cửa ải” chuyển cấp đầy căng thẳng và áp lực.
Học sinh đã trúng tuyển nguyện vọng 1 không được xét tuyển nguyện vọng 2 và nguyện vọng 3; học sinh không trúng tuyển nguyện vọng 1 được xét tuyển nguyện vọng 2; học sinh không trúng tuyển nguyện vọng 1 và nguyện vọng 2 được xét tuyển nguyện vọng 3. Từ ngày 12 – 15/7, học sinh trúng tuyển bổ sung sẽ làm thủ tục nhập học. Học sinh đã trúng tuyển vào các trường khác nhưng khi trường đăng kí nguyện vọng 2, nguyện vọng 3 trước đó hạ điểm chuẩn, đủ điểm sẽ được tạo điều kiện rút hồ sơ để nhập học.
XEM THÊM>>Hàng chục trường điểm chuẩn lớp 10 TPHCM hơn 3 điểm/môn vẫn trúng tuyển
Nghịch lý tuyển sinh vào lớp 10 THPT: May hơn khôn
Từ mấy năm nay, Sở GD&ĐT không cho thí sinh được đổi nguyện vọng sau khi đăng kí nguyện vọng. Điều này dẫn đến tình trạng thí sinh dù điểm cao nhưng vẫn trượt trường công lập, trong khi điểm thấp hơn lại đỗ…
Về khách quan, thực trạng này chủ yếu xảy ra ở các quận nội thành, đông thí sinh, ít trường THPT công lập. Học sinh điểm cao vẫn trượt phản ánh số thí sinh tập trung đăng ký đông vào các trường công lập tốp đầu, chủ yếu khoảng 10 trường.
Thí sinh được đăng kí 3 nguyện vọng dẫn đến nhiều em cố chọn lựa các trường đông, vượt quá năng lực. Còn thí sinh điểm thấp đỗ chủ yếu do xác định đúng trường, khả năng học tập nên việc phân hóa nguyện vọng đăng kí có xu hướng rõ ràng.
Về chủ quan, vẫn có hiện tượng học sinh đăng kí năm sau tránh trường lấy điểm cao năm trước, dồn nguyện vọng vào trường có điểm chuẩn thấp dẫn đến việc đẩy điểm kì tuyển sinh năm sau lên cao.
Vì vậy, điểm chuẩn của Trường THPT Đoàn Kết – Hai Bà Trưng năm nay khiến phụ huynh, thí sinh choáng váng khi chỉ còn 23,75 điểm, trong khi điểm chuẩn năm trước là 40 điểm. Nhà trường cho biết trong số thí sinh trúng tuyển thì chỉ có 1 thí sinh đạt mức điểm chuẩn 23,75 điểm, còn lại, các em đều từ 33 điểm trở lên.
Có thể nói, kì thi chuyển cấp, đăng kí các nguyện vọng vào trường nào để phù hợp, chắc đỗ là bài toán cân não với phụ huynh và người học. Cách nhiều người thường làm là tham khảo điểm chuẩn các trường những năm trước để đặt nguyện vọng phù hợp với lực học. Nhưng cũng chính điều này khiến mức điểm xét tuyển biến động khôn lường. Phụ huynh không dám “đặt cược” vào trường năm trước có điểm chuẩn cao dẫn tới số hồ sơ vào trường này giảm, điểm chuẩn hạ.
Anh Nguyễn Văn Hậu, ở quận Hoàng Mai cho biết ban đầu định cho con đăng kí dự thi vào Trường THPT Trần Phú, Hoàn Kiếm vì gần cơ quan. Nhưng sau khi tham khảo thấy năm nay Trường THPT Trần Phú giảm chỉ tiêu nên anh quyết định cho con đăng kí nguyện vọng 1 Trường THPT Việt Nam – Ba Lan (quận Hoàng Mai) gần nhà.
Khi biết kết quả, cả gia đình thở phào vì con vừa đúng điểm chuẩn vào Trường THPT Việt Nam – Ban Lan (39 điểm), nếu giữ nguyên như ban đầu thì con sẽ trượt nguyện vọng 1 là Trường THPT Trần Phú (39,5 điểm) và rất có thể trượt cả nguyện vọng 2 là Trường THPT Trần Nhân Tông (39,75 điểm) vì có dự kiến đăng kí.
Nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân dẫn đến việc thi tuyển sinh vào lớp 10 đầy tính may rủi là bởi thí sinh đăng kí nguyện vọng trước khi biết điểm thi và không cho thay đổi nguyện vọng sau khi công bố điểm.
Nghịch lí “điểm cao trượt, điểm thấp đỗ” chắc chắn sẽ giảm nhiều nếu cùng với việc công bố công khai số lượng thí sinh đăng kí vào mỗi trường, các em sẽ được đăng kí hoặc thay đổi nguyện vọng sau khi biết điểm…