Luật sư Trương Thị Hòa là luật sư nổi tiếng với lòng nhân ái và hành trình tìm công lý cho nhiều người. Bà kể về cơ duyên đến với nghề luật sư: “Trước đây, luật sư là ngành dành cho nam giới, nữ giới rất ít. Cơ duyên đến với nghề luật sư của tôi rất bất ngờ. Đó là một buổi chiều mưa, tôi đi học về thì trời đổ mưa. Tôi vào trú tại tòa án nhân dân tỉnh Trà Vinh. Lúc đó, tôi thấy một nữ luật sư mặc chiếc áo thụng dài – đồng phục của luật sư đi phất cái tay rất đẹp. Trên tòa án, trong khi mọi người ngồi im phăng phắc thì tiếng của nữ luật sư dong dỏng. Tôi ấn tượng từ đó”.
Sau buổi chiều mưa ấy, cô nữ sinh Trương Thị Hòa về tìm hiểu thấy nghề này bảo vệ cho những người cô nhi quả phụ, người nghèo, yếu thế nên quyết tâm theo đuổi. Tuy là một người nhút nhát, ít nói chuyện với mọi người, nhưng cơ duyên đưa đến nên cô nữ sinh càng ngày cố gắng. Sau này khi trở thành luật sư và giảng dạy lại cho sinh viên, bà Trương Thị Hòa hay nói: “Con người có hai cuộc hôn nhân, một cuộc hôn nhân nam nữ và hôn nhân nghề nghiệp. Cuộc hôn nhân nào cũng vậy, có lâu bền hay không cũng phải chăm chút, nỗ lực, xây dựng”.
Luật sư Trương Thị Hòa chia sẻ: “Trong mỗi trường hợp hình sự hay dân sự, người sai cũng có cái đáng xem xét. Bào chữa không có nghĩa là từ có tội mà thành không tội và ngược lại. Luật sư không đổi trắng thay đen. Cách đây 50 năm, khi bước chân vào trường luật, thầy của tôi nói rằng, pháp luật là rọi nguồn sáng vào bóng tối, lôi cái rối rắm trong bóng tối ra ánh sáng. Mình làm luật sư, mình đem cái nguồn luật rọi vào để truyền cho người ta. Cái áo truyền thống của ngành luật có hai màu đen, trắng, người xưa hay nói “hắc bạch phân minh – trắng đen rõ ràng” là vì vậy”.
Ở những ngày đầu giải phóng, luật sư Trương Thị Hòa nổi tiếng bởi sự đồng hành với bà con tiểu thương ngoài chợ. Hồi ấy, chỉ có chợ hoạt động, còn doanh nghiệp đa phần là của nhà nước. Bà kể: “Tôi có công tác bên Hội Phụ nữ. Tôi thường đến các chợ như Bến Thành, An Đông, Tân Định… để hướng dẫn cho tiểu thương các mặt về đạo đức, phương thức kinh doanh, pháp luật. Sau khi có Luật Doanh nghiệp, một số tiểu thương khởi nghiệp rất thành công, bà hướng dẫn họ kinh doanh, quản trị đúng pháp luật. Bà nổi tiếng đến nỗi nhiều vị đại gia lớn tuổi trước khi qua đời, luôn dặn dò con cháu “Có gì con nhớ ra bà Hòa”.
Bên cạnh việc hỗ trợ cho các tiểu thương, luật sư Trương Thị Hòa còn hỗ trợ cho phụ nữ yếu thế. Bà kể: “Trong cuộc đời làm nghề của tôi, tôi bắt gặp nhiều hình ảnh phụ nữ, có khi là một đôi vai oằn xuống trước tòa, hay một tiểu thương bán rau ở chợ mượn tiền bỏ trốn thành tội lạm dụng chiếm đoạt tài sản, hay hình ảnh người mẹ quỳ sụp trước tòa xin tha tội cho con trai, vì cha mẹ bỏ nhau nên con mới hư hỏng”.
Bà còn kể một trường hợp bị cáo phạm tội giết người, treo án tử hình, mồ côi cha lúc 3 tuổi. Bà khuyên người mẹ viết một cái thư gởi lên chánh án và viện kiểm sát nói về hoàn cảnh gia đình mẹ đơn thân nuôi con vất vả, xin tòa giảm án. Rất may là bị cáo được giảm từ án tử hình xuống còn chung thân.
Khi bị cáo ở tù, luật sư Trương Thị Hòa khuyên nên đọc sách và học hành, bà còn gởi sách vào cho bị cáo. Một thời gian sau, bị cáo báo tin là tiếp tục được giảm án từ chung thân xuống có thời hạn. Điều đó khiến bà luật sư rất vui mừng vì sự giúp đỡ của mình giúp thay đổi một cuộc đời.
MC Ngọc Lan lấy từ trong Chiếc hộp ký ức hai cuốn sách, đó là cuốn Lịch sử các chế độ báo chí ở Việt Nam (tác giả Phan Đăng Thanh, Trương Thị Hòa). Bà luật sư cho biết, ông Phan Đăng Thanh là chồng bà – một giảng viên đại học, giảng dạy tại Khoa Báo chí trường ĐH KHXH & NV TP.HCM. Ngoài công việc là luật sư, bà Trương Thị Hòa còn tìm hiểu thêm về lịch sử báo chí, viết sách và đoạt giải thưởng.
XEM THÊM>>Thông tin mới vụ kiện ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng và tỉ phú công nghệ Mỹ
Bà tiết lộ, đến nay, hai vợ chồng bà cùng viết gần 30 cuốn sách về ngành báo chí. Liên quan nghề luật sư có hai quyển sách là Truyền thống luật sư Việt Nam và Lịch sử phát triển nghề luật sư Việt Nam.
Khi MC Ngọc Lan hỏi ở tuổi của bà thường người ta đã về hưu và tận hưởng cuộc sống, sao bà lại miệt mài làm việc và cống hiến. Bà trả lời: “Làm việc là một niềm vui, nếu không có sức khỏe muốn làm cũng không được. Tôi cám ơn đời, cám ơn người đã tin tưởng tôi để tôi tiếp tục cống hiến, đó là trách nhiệm được phục vụ, phụng sự xã hội”.
Đời Rất Đẹp 2025 với hành trình công lý và lòng nhân ái của luật sư Trương Thị Hòa vừa được phát sóng lúc 19h15 thứ Bảy 4/1/2025 trên VTV9.